Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trực bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi đúng mục đích

08:06, 28/06/2016
Những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực luôn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích vay vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.
 
Chị Vũ Thị Sen ở thôn Tiền Vinh, xã Nam Thái (Nam Trực) là hộ cận nghèo được Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực cho vay 78,6 triệu đồng theo các chương trình cho vay hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, cộng với nguồn vốn tự có, gia đình chị Sen đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 3 khu chuồng rộng trên 500m 2 để nuôi gà thịt. Chăm chỉ, chịu thương chịu khó, chăm sóc đàn gà đúng kỹ thuật nên chị Sen đã thành công. Mỗi lứa gà khoảng 2.000 con nuôi từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng đã mang lại nguồn thu vài chục triệu đồng cho gia đình chị. Nhờ đó chị có điều kiện cho 3 con theo đuổi ước mơ học cao đẳng, đại học, đồng thời thực hiện trả tiền lãi, tiền gốc đầy đủ, đúng thời gian quy định… Đồng chí Vũ Mạnh Đang, Chủ tịch HND xã Nam Thái cho biết: Là xã thuần nông nên nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế của các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khá lớn. Hiện tại, thông qua hai tổ chức hội nhận ủy thác là HND và Hội LHPN, toàn xã có hơn 400 món vay với tổng dư nợ gần 12 tỷ đồng. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững như hộ chị Sen, hộ anh Bùi Quốc Hiệu ở thôn Hải Thượng đầu tư nuôi lợn thịt cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng mỗi năm…
Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực thực hiện giao dịch tại xã Nam Thái.
Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực thực hiện giao dịch tại xã Nam Thái.
Hầu hết các hộ thuộc đối tượng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Nam Trực đều được Ngân hàng CSXH huyện quan tâm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kinh tế. Hết năm 2015, tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực là 215,6 tỷ đồng, tăng 13,6 tỷ đồng so với năm trước. Nguồn vốn tăng chủ yếu tập trung ở chương trình cho vay hộ cận nghèo tăng 8,7 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo tăng 7 tỷ đồng… Đến hết tháng 4-2016, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách đạt hơn 34 tỷ đồng, với tổng số 1.753 nghìn hộ có dư nợ. Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, Ngân hàng CSXH huyện còn chủ động điều chỉnh nguồn vốn cho vay hộ nghèo với tổng số tiền 3,83 tỷ đồng, bổ sung kịp thời nguồn vốn vay hộ cận nghèo cho các xã, thị trấn. Để tạo nguồn vốn đáp ứng yêu cầu cho vay, Ngân hàng CSXH huyện còn tích cực triển khai các biện pháp huy động vốn, kết hợp các xã, thị trấn và các hội, đoàn thể nhận ủy thác chủ động tuyên truyền, vận động các hộ vay tham gia gửi tiết kiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV)… Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực còn thành lập Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng, tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn. Hằng tháng tiến hành phân tích nợ quá hạn của từng khách hàng, thông báo cho các hội, đoàn thể các cấp phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở thu hồi. Xây dựng phương án nâng cao chất lượng tín dụng đối với các xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn 1%, các địa phương có xu hướng chất lượng tín dụng giảm, lãi tồn đọng cao; tham mưu cho Ban đại diện huyện chỉ đạo hội, đoàn thể nhận ủy thác và UBND cấp xã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thành lập tổ thu hồi nợ. Hằng tháng, Ngân hàng CSXH huyện xây dựng kế hoạch tham gia sinh hoạt cùng với tổ TK và VV để tuyên truyền đến từng tổ viên các chính sách, chế độ, quyền lợi và trách nhiệm của tổ viên nhằm nâng cao ý thức của tổ viên trong việc vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và thực hiện trả tiền gốc, tiền lãi đúng hạn; không đứng tên để vay hộ, vay ké, không gửi tiền gốc cho tổ trưởng tổ TK và VV hay cán bộ hội trả nợ hộ, tránh để xảy ra tình trạng nguồn vốn tín dụng bị xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Thông qua hoạt động giao ban, đánh giá kết quả thực hiện các khâu ủy thác, phổ biến các chính sách tín dụng mới, giải đáp các vướng mắc, rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong quá trình thực hiện hợp đồng ủy thác, hợp đồng ủy nhiệm đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó, tại các điểm giao dịch ở xã, thị trấn, Ngân hàng CSXH huyện còn tổ chức công khai các chương trình tín dụng ưu đãi, các chủ trương chính sách mới; bảng, biển hiệu, niêm yết dư nợ, dư tiết kiệm được thực hiện nghiêm túc. Giao cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn xã cùng phối hợp với các hội, đoàn thể có trách nhiệm giám sát bảo đảm các nội dung công khai tại điểm giao dịch luôn được thực hiện đầy đủ. Tại mỗi buổi giao dịch, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện chức năng giám sát các phiên giao dịch, hướng dẫn, kiểm soát tổ trưởng tổ TK và VV, hộ vay vốn hoàn thiện các thủ tục trước khi vào giao dịch với ngân hàng giúp cho việc giao dịch được thuận lợi, nhanh chóng, bảo đảm chính xác; các hội, đoàn thể nắm bắt được hoạt động của các tổ TK và VV do hội mình quản lý, các hộ vay chưa trả nợ đến hạn, lãi tồn cao trong ngày giao dịch để đôn đốc, nhắc nhở kịp thời. Nhờ làm tốt công tác giao dịch tại xã đã hạn chế được việc người dân đến giao dịch tại trụ sở huyện, tiết kiệm chi phí đi lại cho người đi vay, tỷ lệ giao dịch tại xã thường xuyên đạt trên 90%.
 
Bằng những biện pháp tích cực, hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực đã bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi được sử dụng đúng mục đích, phát huy ý nghĩa, giá trị kinh tế - xã hội của chính sách tín dụng này./.
 
Bài và ảnh: Văn Đại


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com