Nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khu công nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh

08:06, 27/06/2016

Tính đến tháng 6 năm nay, các KCN của tỉnh đã có 166 dự án của 142 nhà đầu tư thứ cấp; trong đó có 135 dự án trong nước, 31 dự án đầu tư nước ngoài; tổng vốn đăng ký 7.459 tỷ đồng và 468 triệu USD. KCN Hòa Xá tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước với tổng nguồn vốn đã thực hiện 3.120 tỷ đồng và 171 triệu USD. KCN Bảo Minh là điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 381 tỷ đồng và 268 triệu USD. KCN Mỹ Trung có 14 dự án đăng ký đầu tư, tuy nhiên đến nay mới có 8 dự án đi vào hoạt động với tổng nguồn vốn thực hiện 334 tỷ đồng và 21 triệu USD. Hiện tại, Ban quản lý các KCN tỉnh đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, lựa chọn nhà đầu tư mới tiếp quản KCN Mỹ Trung, đồng thời hướng dẫn Cty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh hoàn thiện các thủ tục cần thiết nhằm sớm chuyển nhượng KCN này theo đúng quy định của pháp luật. Đối với KCN Dệt may Rạng Đông, nhà đầu tư đang chi trả tiền đền bù cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân nuôi trồng thuỷ hải sản để giải phóng mặt bằng, tiến hành xây dựng hạ tầng theo quy hoạch đã phê duyệt.

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, Ban quản lý các KCN tỉnh đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung 7 dự án đầu tư, trong đó có 3 dự án trong nước, 4 dự án nước ngoài với số vốn điều chỉnh tăng thêm 34,4 tỷ đồng và 11,2 triệu USD. Các dự án điều chỉnh chủ yếu là mở rộng quy mô sản xuất các mặt hàng có thế mạnh của mỗi doanh nghiệp như sản xuất dây dẫn điện trong ô tô, xe máy của Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam; sản xuất túi và va-li ở Cty TNHH Santerlon Travel Goods; giặt, nhuộm các sản phẩm may mặc tại Cty TNHH May mặc Junzhen; xây dựng kho trung chuyển và sản xuất gạch block ở Cty TNHH Vận tải Phúc Vinh. Như vậy, trong những tháng đầu năm, các KCN của tỉnh mới thu hút được khoảng 45 triệu USD vốn đầu tư, đạt 23% kế hoạch của cả năm 2016. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước được giao, Ban quản lý các KCN tỉnh đã tiến hành thu hồi 4 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 3 doanh nghiệp ở KCN Hoà Xá gồm: Cty TNHH Liên doanh Nam Hương, Cty TNHH Sài Gòn - Vĩnh Lộc, Cty CP Thương mại Nam Hương.

Sản xuất túi xách tay thời trang xuất khẩu tại Cty TNHH Yamani Dynasty (CCN Nam Hồng, Nam Trực).
Sản xuất túi xách tay thời trang xuất khẩu tại Cty TNHH Yamani Dynasty (CCN Nam Hồng, Nam Trực).

Về kết quả sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp KCN vẫn cơ bản ổn định, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh. Đánh giá sơ bộ cho thấy, hiện có khoảng 52% doanh nghiệp hoạt động tốt, 35% hoạt động bình thường, 13% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là các địa chỉ có mức độ ổn định sản xuất cao, cuộc sống của người lao động luôn được bảo đảm tốt; trong khi đó những doanh nghiệp ngành cơ khí, dược phẩm, sản xuất nhựa gia dụng đang gặp nhiều khó khăn do không có việc làm hoặc khó tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản xuất công nghiệp KCN trong 6 tháng đầu năm đạt trên 6.000 tỷ đồng, bằng hơn 40% kế hoạch của năm; giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt gần 220 triệu USD, bằng gần 50% kế hoạch cả năm 2016; thực hiện nộp thuế đạt trên 100 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đang thu hút 32 nghìn lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,6 triệu đồng/tháng. Tình trạng thiếu lao động trong các KCN khá gay gắt khi các doanh nghiệp có nhu cầu thêm khoảng 4.000 lao động mà vẫn chưa thể tuyển được. Bên cạnh đó, hệ thống máy móc, thiết bị lạc hậu, trình độ quản trị doanh nghiệp yếu ở các doanh nghiệp dân doanh đang là nguy cơ dẫn đến tụt hậu sâu hơn khi đất nước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Trước thực tế này, từ nay đến cuối năm, Ban quản lý các KCN tỉnh tăng cường nắm bắt, giải quyết các vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp; thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa tại chỗ” hoặc một đầu mối phối hợp; quyết tâm giảm tối đa các thủ tục rườm rà, gây phiền phức cho doanh nghiệp. Ban quản lý các KCN tỉnh tiếp tục điều chỉnh quy hoạch mạng lưới phát triển và mở rộng các KCN; hoàn thành đồng bộ kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư có định hướng nhằm lấp đầy diện tích đất các KCN hiện có. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban quản lý các KCN bảo đảm phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập huấn kiến thức pháp luật, bảo vệ môi trường, chỉ đạo đối thoại doanh nghiệp, thực sự góp phần nâng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh đối với từng loại hình doanh nghiệp nhằm ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các đơn vị có vốn lớn, dự án FDI, cơ sở thu hút đông lao động. Các bộ phận chuyên môn thực hiện bám sát, song hành để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các quy định pháp luật, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực thi tốt các quy định về đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai, lao động, bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp KCN cần thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm chi phí, hợp lý trong sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động đảm bảo điều kiện sinh hoạt bình thường giúp họ an tâm lao động đóng góp cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh ở mỗi đơn vị./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com