Thắng lợi vụ xuân

05:06, 25/06/2016

Từ ngày 10-6 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung ra đồng, huy động toàn bộ nhân lực, thuê máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.

Có mặt tại cánh đồng thôn Bằng Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực), chúng tôi được chứng kiến bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch lúa xuân với khí thế rất phấn khởi. Vội chuyển những bao thóc từ chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota xuống, ông Trần Văn Lợi cho biết: Với 1,5 sào ruộng trũng, vụ xuân năm nay, gia đình ông gieo cấy bằng giống lúa lai D.ưu 527. Đây là giống lúa năng suất cao, ổn định, có khả năng chống chịu rét và sâu bệnh tốt. Thực hiện đúng khung thời vụ, tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật về cách chăm sóc, bảo vệ mạ và bón phân cân đối, lúa đẻ nhánh khỏe, ít bị sâu bệnh nên vụ xuân này, gia đình ông tiếp tục được mùa, năng suất ước đạt trên 240 kg/sào. Chúng tôi qua xã Hải Hưng (Hải Hậu) khi nông dân cũng đang tất bật thu hoạch. Gia đình chị Trần Thị Đào, xóm 4, vụ này cấy hơn 3 sào bằng giống lúa BT7. Tuy gặp nhiều khó khăn đầu vụ do thời tiết khắc nghiệt làm thiệt hại một số diện tích lúa sau cấy, nhưng gia đình chị đã kịp thời cấy dặm bổ sung, tích cực chăm bón và phòng trừ sâu bệnh nên vẫn cho năng suất tương đương những vụ trước, đạt 220 kg/sào. Hiện gia đình chị đang khẩn trương thu hoạch lúa xuân, giải phóng đất để triển khai sản xuất vụ mùa cho kịp khung thời vụ.
Tham quan mô hình trình diễn một số giống lúa thuần chất lượng tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh.
Tham quan mô hình trình diễn một số giống lúa thuần chất lượng tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh.
Vụ xuân năm 2016, toàn tỉnh đã gieo cấy 75.760ha lúa. Cơ cấu giống lúa gồm: lúa thuần 64.457ha, chiếm 85% tập trung vào các giống năng suất khá, chất lượng gạo ngon như BT7, Nếp 97, TBR225, Nam Định 5, Hương biển 3, Thiên ưu 8; trong đó BT7 chiếm 51,3% diện tích; lúa lai 11.303ha, tập trung vào các giống D.ưu 527, TX111, Nhị ưu 838, CT16, TH3-3… Vụ lúa xuân năm nay tỉnh ta triển khai trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi. Đầu vụ có nhiều đợt rét đậm, rét hại, trời âm u, thiếu ánh sáng, không thuận lợi cho việc gieo cấy lúa nên thời gian cấy, sạ kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều diện tích sạ phải dặm lại. Lúa sau cấy và sạ sinh trưởng chậm, nhất là một số diện tích lúa sạ muộn. Trong vụ, thời tiết nắng khô, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, mưa xuân muộn nên lúa phát triển chậm. Mặc dù ở thời điểm lúa trỗ thời tiết thuận lợi nhưng do thời vụ kéo dài nên thời gian lúa trỗ bông chậm hơn so với vụ xuân 2015 từ 5-7 ngày. Đến ngày 15-5, toàn tỉnh mới có 8% diện tích lúa trỗ, đến ngày 31-5 toàn bộ trà lúa xuân mới cơ bản trỗ xong. Sở NN và PTNT đã tham mưu với tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành hữu quan tích cực vào cuộc giúp nông dân sản xuất; chỉ đạo các địa phương gieo cấy lúa bổ sung, dặm tỉa, cấy lại… đảm bảo cấy lúa kịp khung thời vụ cho phép. Ở vụ xuân 2016, các loại sâu bệnh như: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá… phát sinh gây hại nhẹ, tuy nhiên rầy phát sinh gây hại nặng hơn, quy mô gây hại rộng hơn so với vụ xuân 2015. Rầy lứa 2 là lứa gây hại chủ yếu, diện tích gây hại 41.900ha lúa, trong đó gây hại nặng ở 900ha trên hầu hết các giống lúa. Rầy lứa 3 gây hại 16.524ha (trong đó gây hại nặng 3.498ha) tập trung ở các huyện ven biển phía nam tỉnh (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy), ở phía bắc tỉnh gây hại cục bộ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) do chủ động thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo nên chỉ đạo phòng trừ rầy kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao, hạn chế thiệt hại, diện tích bị mất trắng do rầy không đáng kể (chỉ 5ha). Bên cạnh đó, trước khi bước vào vụ xuân 2016, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, nguy cơ gây hại của chuột đối với sản xuất, kho tàng và sức khỏe cộng đồng; kết hợp tuyên truyền, giới thiệu các cách làm hay, các mô hình diệt chuột hiệu quả; tăng cường tập huấn, hướng dẫn các hộ nông dân về phương pháp, quy trình kỹ thuật diệt trừ chuột ngoài đồng và trong hộ gia đình. Đồng thời phát động toàn thể nhân dân hưởng ứng chiến dịch ra quân diệt chuột. Trong vụ xuân năm nay, toàn tỉnh đã sử dụng 2.100kg bả sinh học, 150kg thuốc hóa học tiêu diệt được gần 235 nghìn con chuột nên đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, diện tích chuột gây hại chỉ còn 1,5ha. Việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây trồng, phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa được nông dân hưởng ứng tích cực. Các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: CS6-NĐ, TEJ vàng, Hương biển 5, M1-NĐ… tiếp tục được mở rộng diện tích. Diện tích áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ được mở rộng lên tới 29.882ha, đạt 39% tổng diện tích gieo cấy của tỉnh, đã giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất, chất lượng lúa và tăng thu nhập cho nông dân. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã xây dựng được 155 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 8.210ha. Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Vụ xuân 2016, Cty TNHH Toản Xuân phối hợp với các HTX trong tỉnh xây dựng được 10 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định với quy mô trên 200ha tại các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Vụ Bản và Nam Trực. Hiện Cty đã thu mua được 100 tấn (dự kiến thu mua 1.000 tấn) với giá 8.100 đồng/kg, cao hơn so với giá thị trường 1.300 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Đây được đánh giá là một trong những mô hình có tính khả thi, bền vững là tiền đề để tỉnh nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo ra các địa phương khác trong các vụ sau. Để có cơ sở xây dựng bộ giống lúa của tỉnh, những năm qua, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp giống cây trồng du nhập, khảo nghiệm và đánh giá nhiều giống lúa mới. Trong vụ xuân 2016, mô hình trình diễn một số giống lúa thuần chất lượng của Cty TNHH Cường Tân tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã cho thấy các giống lúa: M1-NĐ, CS6-NĐ, HĐ9, Thiên Trường 800, Thiên Trường 850… thể hiện nhiều đặc tính tốt như: thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng rộng, chịu rét khá, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất đạt 65-72 tạ/ha, gạo đẹp, chất lượng cơm ngon, phù hợp với nhu cầu sản xuất của nông dân hiện nay. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đầu vụ nhưng do công tác chỉ đạo kỹ thuật sát sao, kinh nghiệm canh tác của nông dân tốt nên theo đánh giá của Sở NN và PTNT, lúa xuân năm nay vẫn cho năng suất cao trên tất cả các giống lúa, nhất là đối với những trà lúa gieo cấy sớm. Tính đến hết ngày 21-6-2016, toàn tỉnh đã thu hoạch được 70.975ha, đạt 94% diện tích. Năng suất dự kiến đạt 69 tạ/ha, tương đương vụ xuân năm 2015; sản lượng ước đạt 522.700 tấn. Các huyện phía nam tỉnh năng suất đạt tương đối cao, nổi bật là: Hải Hậu và Giao Thủy 75 tạ/ha, Nghĩa Hưng và Trực Ninh 74 tạ/ha, Xuân Trường 71 tạ/ha.
 
Để chủ động đối phó với những khó khăn trong sản xuất, đảm bảo khung lịch và kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2016, hiện nay các địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân triển khai tích cực công tác làm đất, gieo mạ sớm để có thể xuống giống vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com