Vùng đất bãi Yên Phương "chuyển mình"

08:03, 05/03/2016

Với đặc điểm là xã nằm ở vùng bãi, giáp sông Đáy, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động do lũ lụt, ngập úng nên đời sống của người dân xã Yên Phương (Ý Yên) gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng những năm gần đây, thực hiện chủ trương chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, sản xuất khắc phục được những bất lợi từ thời tiết và vị trí địa lý, kinh tế của xã có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân ở địa phương.

Đến Yên Phương những ngày này, đâu đâu cũng thấy màu xanh bạt ngàn của rau màu các loại. Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, xã đã chỉ đạo nông dân thực hiện kế hoạch chuyển dịch mạnh mùa vụ, cơ cấu giống trong trồng lúa, đưa các giống: BT7 kháng bạc lá, Nếp 97, Nhị ưu 838… có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá vào sản xuất, nhằm đẩy nhanh thời vụ, tăng năng suất lúa, hạn chế thiệt hại do dịch hại và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra và có quỹ đất mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa, tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, cà chua, bí xanh, rau màu các loại… Với những diện tích đất nông nghiệp nằm ngoài đê bối, không chủ động tưới, tiêu, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước lên xuống của sông Đáy vẫn được nông dân nơi đây tận dụng, chủ động lựa chọn gieo trồng sớm các cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, năng suất và giá trị kinh tế cao, đảm bảo thu hoạch trước mùa lũ nhằm tăng thêm thu nhập. Các công thức luân canh, xen canh, gối vụ ngô, lạc, đậu tương với xà lách, rau diếp, hành, tỏi… từ nhiều năm nay luôn cho người nông dân vùng đất bãi thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Yên Phương thâm canh cây vụ đông.
Nông dân xã Yên Phương thâm canh cây vụ đông.

Tuy nhiên, bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Yên Phương là việc xã quy hoạch, chuyển đổi thành công hơn 60ha diện tích vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả và những diện tích thùng đào, thùng đấu ven đê để phát triển các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong thời kỳ đổi mới, xã khuyến khích các hộ nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản, cải tạo vườn tạp trồng màu, mở rộng mô hình lúa - cá theo quy mô trang trại, gia trại tập trung… Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH; tạo mặt bằng cho các hộ đấu thầu, mở rộng diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, giới thiệu giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao cho bà con nông dân. Hiện các khu vực chuyển đổi tập trung ở Yên Phương đã hình thành hàng chục trang trại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân. Các trang trại, gia trại đều xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, đây cũng là điều kiện thuận lợi để kiểm soát, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tổng đàn lợn của xã luôn giữ ổn định 4.000-4.500 con, theo hướng tăng dần đàn lợn nái (hiện đã lên tới gần 500 con nái). Đàn gia cầm của xã được phát triển lên tới gần 38 nghìn con. Mặc dù những năm qua dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp nhưng đàn gia cầm của xã luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm từ chăn nuôi gà như hộ các ông: Vũ Văn Bảo, Nguyễn Trung Châm, Đinh Văn Huy… Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Phạm Văn Dục thôn Phù Cầu là một trong những trang trại có quy mô lớn nhất của xã. Anh Dục chia sẻ: Được xã tạo điều kiện cho chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia đình anh đã đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng nuôi gà siêu trứng. Toàn bộ đàn gà của trang trại đều là giống gà Ai Cập, tỷ lệ đẻ trứng bình quân đạt 60%. Đến nay, gia đình đã phát triển được gần 5.000 con, trong đó có 3.000 con gà đẻ, còn lại là gà hậu bị. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà, anh luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng các bệnh gum-bô-rô, Niu-cát-xơn, bệnh cúm gia cầm… và làm đầy đủ các bước kiểm tra sức khỏe con giống trước khi cho nhập chuồng. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bên trong và ngoài chuồng trại được thực hiện định kỳ. Trong quá trình nuôi, gà còn được bổ sung thức ăn đủ chất như: vitamin C, glueco… đảm bảo đúng quy trình và hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn nhằm tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng. Mỗi ngày gia đình anh xuất bán từ 1.800-2.000 nghìn quả trứng, thu lãi trên dưới 2 triệu đồng. Do có nguồn thức ăn xanh như bãi cỏ, phụ phẩm nông nghiệp và nguồn thức ăn tinh phong phú như ngô, lạc, đậu tương, cùng với điều kiện vùng đất bãi rộng lớn, thuận lợi cho chăn thả nên chăn nuôi trâu, bò đang trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của Yên Phương. Ưu điểm chăn nuôi trâu, bò là hiện nay việc tiêu thụ dễ, giá bán ngày càng tăng, trong khi trâu, bò lại dễ nuôi, chuồng trại và thức ăn cho bò có thể tận dụng các vật liệu sẵn có, rẻ tiền và tận dụng được lao động nhàn rỗi. Diện tích mặt nước trên địa bàn được khai thác tốt để phát triển nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Ngoài các loài cá truyền thống, các hộ nông dân đã nuôi rộng rãi các giống cá trắm cỏ, cá rô phi… cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân chuyển đổi vùng đất trũng chỉ cấy một vụ lúa sang mô hình lúa - cá. Anh Nguyễn Văn Huệ, thôn Cổ Hương chủ trang trại tổng hợp cho biết: “Với hơn 2 sào nuôi cá luồn lúa, tôi sử dụng giống lúa Nhị ưu 838 và BT7 kháng bạc lá. Từ trung tuần tháng 1 tôi đã bắt đầu gieo mạ, đến cuối tháng 1 kịp xuống đồng cấy lúa. Khi lúa bắt đầu đứng cái làm đòng, tôi thả 16 vạn con cá giống các loại, chủ yếu là các loại trắm, chép, mè, trôi… Đến tháng 5 tôi thu hoạch lúa bằng cách gặt lửng để lúa chét mọc lên làm thức ăn cho cá. Sau đó cứ 2 tháng sau tôi lại thu một lứa cá. Kết thúc 1 năm lúa - cá, tôi thu 3 lứa, thu lãi khoảng 25 triệu đồng”. Bên cạnh mô hình lúa - cá, trên vườn anh trồng 3 sào cà ghém, đồng thời kết hợp nuôi lợn, gà và 3 sào chuyên thả cá, mỗi năm trang trại cũng cho anh thu nhập từ 120-150 triệu đồng.

Với hướng đi đúng, hiệu quả, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất bãi Yên Phương đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giúp người dân trong xã làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, đạt trên 22 triệu đồng/năm. Đây là cơ sở để xã Yên Phương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững nâng cao giá trị gia tăng, tạo đà mạnh mẽ để thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 của xã./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com