Giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

08:02, 29/02/2016

Cơ giới hóa là xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, những năm gần đây, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản thực phẩm và lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác. Song để hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phát triển theo hướng CNH-HĐH, việc thực hiện cơ giới hóa cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ với những bước tiến mạnh mẽ hơn.

Hiệu quả sâu rộng từ cơ giới hóa nông nghiệp

Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, phát triển hạ tầng nông thôn, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa. UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình cơ giới hóa và ban hành chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa nên việc triển khai chương trình có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, với sự đồng tình tham gia của hầu hết các địa phương và đông đảo các hộ nông dân, các chủ trang trại, các doanh nghiệp nên bước đầu chương trình cơ giới hóa đã thu được nhiều kết quả. Với trên 45% diện tích được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, toàn bộ diện tích lúa vụ mùa 2015 trên toàn tỉnh đã được thu hoạch gọn trong thời gian trên dưới 10 ngày; có nơi chỉ chưa đầy 1 tuần. Với Quyết định 68 của Chính phủ và các Quyết định số 10, 26, 22 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp để cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa, số lượng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh liên tục được đầu tư tăng thêm, đến nay, toàn tỉnh đã có 680 máy. Việc đầu tư nâng cao năng lực khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp không những giảm tổn thất nông sản khâu thu hoạch, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch bảo đảm thời vụ cho các cây trồng kế tiếp mà còn giảm hẳn giá dịch vụ so với gặt thủ công. Bà Đoàn Thị Mai, nông dân xã Việt Hùng (Trực Ninh) cho biết: “Trước đây, mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch lúa, chúng tôi vừa lo lắng tìm người thuê, lại vừa lo chi phí gặt từ 180-200 nghìn đồng/sào, thêm công tuốt hạt 40-50 nghìn đồng/sào, chưa kể vận chuyển tốn nhiều công sức hơn... Từ khi đưa cơ giới vào sản xuất chúng tôi thấy làm nghề nông nhàn hơn hẳn, nhất là trong khâu làm đất và thu hoạch. Chúng tôi thuê gặt máy chỉ từ 120-140 nghìn đồng/sào, so với gặt thủ công thì chi phí giảm được hơn 100 nghìn đồng/sào”.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch tại xã Việt Hùng (Trực Ninh).
Cơ giới hóa khâu thu hoạch tại xã Việt Hùng (Trực Ninh).

Không chỉ ở khâu thu hoạch, các khâu khác trong quá trình sản xuất cũng đang cho thấy hiệu quả tích cực của cơ giới hóa. Với hơn 6.000 máy làm đất các loại (trong đó có 900 máy kéo công suất 35HP trở lên, 1.392 máy kéo công suất từ 20HP đến dưới 35HP, hơn 3.700 máy kéo có công suất dưới 20HP), trong năm nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất toàn tỉnh đạt 100% diện tích, tiến độ làm đất được rút ngắn hơn nhiều ngày đã hạn chế được nguy cơ cây lúa bị thiệt hại do thiên tai cuối vụ, nhất là trong vụ mùa. Phương thức gieo sạ hàng trong sản xuất lúa cũng được các hộ nông dân mở rộng lên 45% tổng diện tích gieo cấy. Qua nhiều vụ, phương pháp này đã thể hiện được ưu thế: giảm phần lớn công lao động nặng nhọc, giảm bớt lượng thóc giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa 7-10 ngày, năng suất tăng 8-15%... so với phương thức gieo mạ, cấy lúa truyền thống. 1 người dùng dụng cụ sạ hàng 1 ngày có thể thay thế 25-30 người nhổ mạ, cấy lúa. Ngoài ra, tỷ lệ cơ giới hóa khâu tuốt lúa đạt 100%, tưới tiêu nước đạt 95%, phun thuốc BVTV đạt 37%... Những năm gần đây, chăn nuôi có bước phát triển mạnh về quy mô, các trang trại đã trang bị hệ thống máy bơm cấp nước rửa chuồng trại, quạt thông gió, thiết bị làm mát, sưởi ấm... Hầu hết các hộ nuôi thả thuỷ sản đều sử dụng máy bơm nước để cấp, thoát nước trong ao, hồ và một số loại máy chuyên dụng như: máy hút bùn cải tạo đáy ao, máy khuấy tạo ô-xy, máy phối trộn thức ăn... Từ việc đầu tư cơ giới hóa đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi ước tính từ 10-15%; giảm chi phí sản xuất từ 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%, bảo đảm tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,2-1,3 lần so với lao động thủ công. Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, cơ giới hóa còn mang lại hiệu quả xã hội khi góp phần giải phóng sức lao động nông thôn, giảm lao động nặng nhọc bảo vệ sức khỏe cho người nông dân, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn.

Đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trong nông nghiệp

Những lợi ích thiết thực đã được khẳng định qua thực tế sản xuất, song để hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển theo hướng CNH-HĐH thì việc thực hiện cơ giới hóa cần có một hệ thống đồng bộ các giải pháp và cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đó là nông nghiệp tỉnh ta quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, tính hợp tác, tính hàng hóa ở các khâu sản xuất thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn. Do yêu cầu đảm bảo thời vụ, né tránh dịch bệnh và đảm bảo thời gian gieo cấy, khoảng cách giữa thu hoạch vụ xuân và làm đất gieo cấy vụ mùa rất ngắn, ở nhiều địa phương trong tỉnh năng lực hiện có của các máy làm đất chưa đáp ứng yêu cầu. Trong thời gian tới nhất thiết phải tăng cường đầu tư thêm các máy làm đất cỡ trung có công suất từ 20HP trở lên hoạt động được ở các chân ruộng có sử dụng máy gặt đập liên hợp với những đặc thù như: gốc rạ dài, mặt ruộng bị dồn nén tại các góc... mà máy làm đất công suất nhỏ không khắc phục được. Cơ giới hóa trong các khâu sản xuất từng bước được áp dụng, tuy nhiên việc bảo quản và chế biến nông sản vẫn chủ yếu được nông dân áp dụng phương pháp làm khô dưới ánh nắng mặt trời, nên nông dân thường bị động, nhất là vào mùa mưa, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Theo điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN và PTNT), hiện vẫn còn khoảng 10-15% sản lượng thóc, hơn 20% sản lượng rau củ quả của tỉnh ta chưa được sơ chế, phơi sấy, bảo quản, xay xát và chế biến kịp thời, gây tổn thất về cả sản lượng và chất lượng. Cơ giới hóa trong chăn nuôi còn ở mức độ thấp, chủ yếu thực hiện ở khâu chế biến thức ăn và vệ sinh chuồng trại. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cấp xã, chưa thường xuyên quan tâm đúng mức, chưa thực sự quyết liệt, năng động, chưa khai thác và phát huy lợi thế của địa phương nên chưa có giải pháp mang tính đột phá để tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện cơ giới hóa. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, đội ngũ sử dụng điều khiển máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo hoặc trang bị những kiến thức kỹ thuật cơ bản nên quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn, hay xảy ra sự cố hỏng hóc; trong khi các cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp tại các địa phương còn thiếu.

Để đẩy nhanh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, theo Sở NN và PTNT, cần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư. Ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư mua máy, thiết bị phục vụ phát triển cơ giới hóa, vật tư xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, tập huấn kỹ thuật. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh máy nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những hình thức ưu đãi đối với người mua máy cơ giới nông nghiệp. Các sở, ngành chức năng phối hợp với các doanh nghiệp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật sử dụng, bảo quản và sửa chữa máy nông nghiệp cho các tổ hợp tác dịch vụ, hộ nông dân sử dụng máy cơ giới nông nghiệp để nâng cao năng lực quản lý, sử dụng máy đạt hiệu quả kinh tế; đào tạo đội ngũ công nhân sửa chữa dịch vụ cơ giới nông nghiệp, tạo điều kiện để họ mở cửa hàng đại lý cung cấp phụ tùng, dịch vụ bảo hành, sửa chữa. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư và phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm đồng đất của tỉnh; đồng thời thiết lập hệ thống cơ sở, cung cấp phụ tùng, thiết bị, dịch vụ, bảo hành, sửa chữa máy ở các địa phương. Đẩy nhanh việc thực hiện các mô hình “cánh đồng lớn” để nâng cao hiệu quả việc sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu áp dụng cơ giới hóa. Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản, củng cố và phát triển hợp tác trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách phát triển cơ khí nông nghiệp của tỉnh; hiệu quả của việc cơ giới hóa sản xuất, góp phần thúc đẩy CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Mặc dù vẫn còn những tồn tại, bất cập, song cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh ta đang chuyển biến tích cực, từng bước phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực giảm chi phí sản xuất, thời vụ được bảo đảm,  tăng năng suất và hệ số quay vòng sử dụng đất; chuyển một bộ phận lao động từ nông nghiệp sang làm CN-TTCN, dịch vụ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn… Đây là bước tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp của tỉnh bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện thành công yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com