Nghề thêu ở Xuân Phương

08:03, 12/03/2016

Một ngày đầu xuân Bính Thân, chúng tôi tìm đến làng thêu Phú Nhai ở xóm Bắc, xã Xuân Phương (Xuân Trường). Tiếng máy may chạy xè xè xen lẫn tiếng nói cười râm ran. Nhiều người dân làng nghề cho biết, làng thêu Phú Nhai hiện đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn với mức thu nhập từ 2,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Thợ trẻ làng nghề thêu xóm Bắc, thôn Phú Nhai, xã Xuân Phương.
Thợ trẻ làng nghề thêu xóm Bắc, thôn Phú Nhai, xã Xuân Phương.

Ông Đinh Kim Tiến, tổ trưởng tổ quản lý làng nghề cho biết, nghề thêu truyền thống của thôn Phú Nhai có từ đầu thế kỷ XX. Đến nay, thôn Phú Nhai có khoảng 20 xưởng thêu lớn và hàng trăm khung thêu nằm rải rác trong các hộ dân, thu hút hơn 350 tay kim với thu nhập ổn định bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Ở thôn Phú Nhai có nhiều gia đình đã gắn bó với nghề thêu tới 5 đời như gia đình các ông: Đinh Văn Nam, Đinh Văn Chính, Đinh Văn Khải... Bình quân thu nhập của các xưởng thêu trong làng nghề đạt từ 100-150 triệu đồng/năm. Anh Đinh Minh Hoàng, chủ cơ sở thêu Kim Hoàn cho biết, gia đình anh đã có 4 đời làm nghề thêu truyền thống. Hiện tại, gia đình anh làm các loại tranh thêu, hoành phi câu đối, trướng của nhà thờ, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Hoàng, trước kia thợ thêu ở thôn Phú Nhai dùng chỉ màu tự nhiên nhuộm từ củ nâu, củ nghệ, lá móng, lá hoe, lá chòm, vỏ sò… với năm màu chỉ cơ bản là vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Đến nay, trên thị trường đã có thêm nhiều loại chỉ màu nhân tạo đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, đa dạng và tinh tế. Hiện nay mặt hàng tranh thêu trang trí đang được thị trường ưa chuộng nên nhiều hộ trong thôn Phú Nhai đã tập trung đầu tư phát triển. Theo ông Đinh Văn Khải, nghề may thêu ở xã Xuân Phương không rõ có từ bao giờ, nhưng riêng ông đã có hơn 40 năm tuổi nghề. Ông Khải cho biết, năm 10 tuổi, ông đã theo cha học nghề may thêu, làm các mặt hàng như: cờ, phướn, y phục tế lễ của đạo Thiên chúa giáo. Sau này, gia đình ông còn nhận đặt hàng của các tôn giáo khác như Phật giáo, Tin lành. Cơ sở của gia đình ông hiện có 20 lao động, mức lương bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng, thời gian làm chủ yếu lúc nông nhàn. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập vài trăm triệu đồng từ nghề truyền thống. Vừa tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi, ông Khải vừa hướng dẫn học trò phác thảo những bức trướng, liễn, bắt tay vào những đường thêu hình hoa, lá, cành sao cho hài hòa màu sắc… Ông Khải trầm ngâm nhớ lại: thêu là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân Phú Nhai. Từ xa xưa, những sản phẩm thêu ở Phú Nhai như: đồ thờ cúng, hoành phi, liễn, phướn... đã nổi tiếng với đường chỉ sắc sảo, những nét hoa văn độc đáo, tạo cảm giác thích thú cho khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vào những năm trước năm 1990, khi đó làng nghề còn nhỏ lẻ. Cả xóm chỉ có vài hộ với vài chục lao động nhưng sản phẩm và tiếng tăm của làng nghề thêu Phú Nhai khi ấy không chỉ những người trong tỉnh biết đến, mà nhiều người ở các địa phương khác và người Việt ở nước ngoài cũng tìm đến đặt hàng… Bước vào giai đoạn cơ chế thị trường, một thời gian dài, nghề thêu ở Phú Nhai bị mai một. Có thời điểm, cả làng nghề chỉ còn 5-7 hộ làm nghề, với chừng 10-15 lao động. Đã có năm, ông Khải vào các tỉnh phía Nam tìm hiểu thị trường hàng thêu và nhận ra một điều sản phẩm thêu của làng nghề thêu Phú Nhai rất được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích. Từ đây, ông đã đặt vấn đề làm hàng và ký gửi các cửa hàng buôn bán các mặt hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ông đã còn sáng tạo ra những mẫu mã thêu mới và đi chào hàng ở khắp các tỉnh. Dần dần, hàng của ông làm ra ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn. Khi đã có đầu ra ổn định, ông về quê, đầu tư một cơ sở thêu với 15 giàn máy thêu, thuê thợ thêu ở địa phương về làm và nhận những học trò về truyền nghề. Đến nay, có nhiều thế hệ thợ thêu do ông dìu dắt đã thành tài, đứng ra mở cơ sở riêng.

Nhờ có chính sách khôi phục và phát triển làng nghề, bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường về các mặt hàng thêu ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm thờ cúng, hiếu hỷ, tranh ảnh thờ phụng… nên làng thêu Phú Nhai có cơ hội phát triển. Nói về tương lai của làng nghề, ông Khải cho biết thêm: “Khi mức sống được nâng cao thì nhu cầu các mặt hàng thêu sẽ ngày càng tăng. Tôi tin rằng, những sản phẩm của làng nghề thêu Phú Nhai với chất lượng cao, kiểu dáng mới, lạ, đẹp, giá cả phải chăng… sẽ ngày càng thu hút nhiều khách hàng”. Bây giờ, những người thợ làm nghề thêu ở Phú Nhai không chỉ dựa vào vốn nghề truyền thống mà còn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, biết sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Không chỉ thêu đồ thờ tự, hoành phi, nghi trướng… phục vụ nhu cầu thờ cúng, tân gia, hiếu hỷ với những công đoạn thủ công truyền thống, làng thêu Phú Nhai còn thêu thêm nhiều mặt hàng mới theo mẫu mã của khách hàng. Mấy năm gần đây, bên cạnh những đơn hàng làm theo sự đặt hàng của các nhà phân phối lớn, làng nghề còn đón nhận nhiều khách hàng đến đặt thêu những bức trướng mừng thọ, tân gia, với giá 5-7 triệu đồng. Cũng có nhiều người đặt thêu hoành phi để thờ cúng ở từ đường họ tộc hoặc nhà riêng; nhiều người đặt thêu nghi trướng để đi hiếu… Nhờ thế, cơ sở thêu của ông Khải đã phát triển mạnh hơn, trên 30 công nhân luôn có việc làm ổn định, mức thu nhập bình quân trên 2,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trong làng nghề, có nhiều hộ gia đình cũng đã quay trở lại với nghề thêu. Bên cạnh việc thêu các sản phẩm do khách hàng đặt, họ còn nhận hàng từ cơ sở của gia đình ông Khải về thêu gia công. Nhờ đó, hiện nay nhiều hộ gia đình ở làng nghề đã có thể sống được với nghề truyền thống của cha ông. Đặc biệt, phần đông thợ thêu ở làng nghề thêu Phú Nhai còn rất trẻ, nhưng họ đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất những sản phẩm vốn nổi tiếng là khó về đường kim mũi chỉ.

Để làng nghề tồn tại và phát triển, các lớp nghệ nhân của làng nghề luôn căn dặn con cháu của mình phải có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, tự tin với nghề truyền thống của quê hương. Đồng thời, phải làm sao cho mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều thật đẹp, chất lượng, để khách hàng hài lòng và tín nhiệm. Muốn làm được điều đó, trong quá trình làm nghề cần nỗ lực, không ngừng học hỏi, chịu khó đọc sách lịch sử, văn hóa để có thể vận dụng và đưa ý tưởng mới vào những tác phẩm của mình. Nghề thêu tuy không qua trường lớp, nhưng với cách nghĩ “học thầy không tày học bạn”, nhiều lớp thợ trẻ đã tận tâm học nghề ở mọi chỗ, mọi nơi, học qua bạn bè. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm thêu nghệ thuật với đặc trưng riêng của làng nghề Phú Nhai đã vươn xa./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com