Bảo tồn nghề mộc truyền thống ở La Xuyên

08:03, 08/03/2016
Nghề mộc mỹ nghệ ở làng La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) đã có lịch sử hàng nghìn năm với nhiều thợ giỏi. Theo lịch sử được ghi trong Ngọc Phả đình của làng La Xuyên thì ông Ninh Hữu Hưng là ông tổ nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ, khảm trai của Việt Nam. Ông sinh năm 936, thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Khi Vua Đinh thống nhất đất nước, ông được nhà vua giao phụ trách quân dân 6 phủ trong việc xây dựng kinh đô Hoa Lư. Vì vậy, ông được Vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Công Tượng Lục Phủ Giám Sát Đại Tướng Quân. Ông quê ở xã Chi Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nhưng có công truyền bá nghề chạm gỗ và khảm trai gỗ ở các làng Ninh Xá, La Xuyên, La Ngạn, Khả Lũ, Trịnh Khiết (nay là các xóm thuộc làng La Xuyên). Từ đó đến nay, nghề mộc truyền thống của làng La Xuyên đã đạt đến độ tinh xảo. Nhiều sản phẩm phong phú và thông dụng như: đồ gỗ nội thất, bàn, ghế, tủ, đồ thờ, bàn thờ, hoành phi câu đối, cuốn thư câu đối, hương án, tượng, cửa, cửa võng, sập gụ, tủ chè... đều thể hiện trình độ kỹ thuật cao. 
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tại thôn La Xuyên, xã Yên Ninh. Ảnh: Nguyễn Hương
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tại thôn La Xuyên, xã Yên Ninh.
Ảnh: Nguyễn Hương
Theo đồng chí Ninh Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Ninh: La Xuyên là một trong những làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời bậc nhất của đất Thành Nam xưa. Với hơn 1.000 năm tuổi, nghề mộc ở La Xuyên mà đỉnh cao là nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến độ hoàn hảo. Những sản phẩm của làng nghề không chỉ thể hiện trình độ kỹ thuật cao của người thợ mà còn thể hiện được phong cách cổ điển, sang trọng. Đó cũng là điểm đặc trưng, dễ nhận thấy của sản phẩm chạm gỗ La Xuyên. Trên cơ sở những tinh hoa của nghệ thuật chạm gỗ cổ truyền, người thợ La Xuyên luôn biết cách cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với xu hướng và thị hiếu của người tiêu dùng. Với “sức bật” của một làng nghề truyền thống, La Xuyên ngày nay được ví như một “công trường” với cụm công nghiệp làng nghề rộng 16ha, thu hút 24 doanh nghiệp và hơn 1.000 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, trong đó thợ chạm khắc chiếm tới 60%. Hoạt động sản xuất của La Xuyên rất sôi động thu hút được hàng nghìn lao động đến từ khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Ninh Bình… Ông Ninh Đức Toàn, trưởng xóm La Tiến, làng La Xuyên cho biết: những năm gần đây, nghề chạm gỗ của La Xuyên rất phát triển, sản phẩm của làng nghề làm ra không kịp với nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, một số doanh nghiệp của La Xuyên đã tìm được hướng xuất khẩu sản phẩm của làng nghề sang Lào, Trung Quốc. Tuy quy mô xuất khẩu còn nhỏ, doanh thu chỉ đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm nhưng đây là hướng đi mới đầy hứa hẹn cho La Xuyên. Chị Phạm Thị Hòa, xóm Ninh Xá, làng La Xuyên, cho biết, từ sáng sớm đến chiều tối, trong làng lúc nào cũng nhộn nhịp người xe, rộn ràng tiếng cưa, đục... Nghề mộc của làng La Xuyên không chỉ tạo việc làm cho nam giới mà cả nữ giới cũng tham gia làm nghề. Bản thân chị Hòa cũng bắt đầu làm nghề từ năm 9-10 tuổi. Đến nay, chị đã có thâm niên trên 40 năm làm đồ gỗ mỹ nghệ. Cùng với sự phát triển của làng nghề, nhu cầu lao động, nhất là lao động có tay nghề của La Xuyên cũng tăng lên nhanh chóng. Công tác đào tạo nghề cho người lao động không chỉ là vấn đề của riêng La Xuyên mà còn được sự chung tay giúp đỡ của các cơ quan liên quan như Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Khuyến nông của tỉnh. Hiện nay, công tác đào tạo nghề ở La Xuyên khá chuyên nghiệp, làng nghề có một HTX mộc Đồng Tâm chuyên đảm nhiệm công tác đào tạo nghề cho cả lao động địa phương và lao động tỉnh ngoài. Thời gian đào tạo kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, lao động sau khi học nghề được các Cty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở La Xuyên tiếp nhận và tiếp tục đào tạo những kỹ năng, kỹ thuật khó của nghề chạm gỗ theo hình thức vừa học vừa làm. Với khoảng 250 lao động được đào tạo mỗi năm, La Xuyên luôn đảm bảo có đủ lực lượng lao động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Dương Văn Hiền, Giám đốc Cty CP La Xuyên Vàng, đây là cách nhanh nhất để có được lực lượng lao động vừa được đào tạo bài bản, vừa có được những kỹ thuật cổ truyền của làng nghề, đồng thời rút ngắn được thời gian đào tạo, giảm được kinh phí cho lao động học nghề.
 
Tuy không gặp khó khăn về lực lượng lao động phục vụ cho sản xuất nhưng La Xuyên hiện rất thiếu mặt bằng sản xuất. Cụm công nghiệp của làng nghề đã “chật”, làng nghề cũng không còn quỹ đất trống để người dân mở rộng sản xuất, mà với thực tế hiện nay làng nghề La Xuyên còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Do vậy, mong muốn lớn nhất của người dân La Xuyên hiện nay là được các cấp chính quyền hỗ trợ mở rộng cụm công nghiệp làng nghề hoặc mở một khu sản xuất tập trung khác để người dân có cơ hội mở rộng và phát triển sản xuất, góp phần hoàn thiện tốt tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM ở địa phương./.
 
Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com