Phát triển làng nghề bền vững - Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra (kỳ 2)

08:02, 25/02/2016

(Tiếp theo và hết)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, đóng góp đã đạt được, trong 5 năm qua, công tác phát triển làng nghề ở nhiều địa phương đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế, phát sinh những yêu cầu cần sớm được quan tâm, xử lý kịp thời để bảo đảm sự phát triển bền vững. Nhiều làng nghề nhanh chóng thoái trào sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng hẳn.

Kỳ II: Những vấn đề đặt ra

Theo Phòng Công thương huyện Hải Hậu, trong tổng số 40 làng nghề ở 30 xã, thị trấn trong huyện thì chỉ có các làng nghề mộc mỹ nghệ, kéo sợi PE và trồng cây dược liệu phát triển tương đối ổn định, thu hút đông lao động. Còn lại 20 làng nghề sinh vật cảnh (chiếm 50% tổng số làng nghề trong huyện) không ổn định, hiện số lượng sản phẩm (cây cảnh) và diện tích đất (quy hoạch và chuyển đổi) cho nghề này còn nhiều nhưng không phát triển được do không tiêu thụ được sản phẩm. Toàn huyện có 3 làng nghề se đay, dệt chiếu ở các xã: Hải Phương, Hải An, Hải Bắc sản xuất cầm chừng, chỉ còn một số ít hộ tham gia sản xuất. Làng nghề dệt chiếu Phương Đức, xã Hải Bắc chỉ còn hai dàn dệt chiếu máy chạy điện và khoảng chục hộ sản xuất thủ công. Làng nghề xe đay Giáp Nam, xã Hải Phương cũng chỉ còn khoảng 15-20 hộ còn sản xuất nhưng chủ yếu là lực lượng lao động phụ tranh thủ thời gian nông nhàn. Làng nghề dệt chiếu An Đạo, xã Hải An lúc cực thịnh có đến gần 200 khung dệt thì nay chỉ còn khoảng 20-30 khung dệt chiếu nhưng cũng không sản xuất thường xuyên. Tình trạng này có ở nhiều làng nghề truyền thống của các huyện: Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên… Năm 2012, xã Yên Trung (Ý Yên) đã lập đề án, xây dựng, khôi phục và phát triển được 8 làng nghề thêu ren, khâu nón truyền thống và đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT. Có lúc, các làng nghề truyền thống của xã Yên Trung đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho trên 1.500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 50 nghìn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, bước sang các năm 2014, 2015, các làng nghề thêu ren, khâu nón của xã Yên Trung bắt đầu trầm lắng, sản xuất cầm chừng. Theo UBND xã Yên Trung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết là các làng nghề khâu nón, thêu ren ở Yên Trung hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ở nơi khác. Thứ hai là do thu nhập không cao nên đa số lao động tận dụng thời gian, làm nghề không thường xuyên… dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định, mẫu mã đơn điệu, giá thành cao, số lượng sản phẩm hàng hóa ít… Đối với các làng nghề thêu ren, toàn xã chưa phát triển được một doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ tiềm lực để nhận đơn hàng, bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất trong làng nghề. Những khâu quan trọng đều phụ thuộc vào các doanh nghiệp ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam), người dân địa phương chỉ gia công, lại nhiều đầu mối dẫn đến lợi nhuận bị chia sẻ, đến tay người sản xuất còn không đáng kể. Theo thống kê của Sở Công thương, hiện nay nhóm làng nghề đang gặp khó khăn nhất trong tỉnh là các nghề: thêu ren; sơn mài; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp; dệt chiếu như: các làng nghề đan cót Ngọc Đông, Duyên Lãng của xã Trực Thanh và thêu ren ở xã Trung Đông (Trực Ninh); các làng nghề sơn mài, tre nứa chắp ở các xã Liên Minh, Vĩnh Hào (Vụ Bản)… Một số nguyên nhân cơ bản là sản phẩm bị cạnh tranh khốc liệt bởi các loại vật liệu mới; xu hướng thị trường không sử dụng đại trà các sản phẩm truyền thống. Trong quá trình xây dựng đề án phát triển làng nghề, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng nóng vội, chạy theo thành tích. Các khâu khảo sát, rà soát, định hướng phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cùng với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về mặt bằng, nguồn vốn, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm… chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán khoa học. Vì thế, nhiều làng nghề mặc dù đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng chục, thậm chí hàng trăm năm vẫn đang gặp khó khăn. Ngay cả nhóm làng nghề được đánh giá là ổn định như: mộc mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, đan nón… thì chỉ các làng nghề mộc phát triển tương đối bền vững; các nghề khác vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại làng nghề mộc Đông Hữu, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại làng nghề mộc Đông Hữu, xã Hải Anh (Hải Hậu).

Trong 10 huyện, thành phố chỉ có duy nhất huyện Hải Hậu thành lập và duy trì được các Ban điều hành làng nghề của các xã. Thành phần bao gồm cả cán bộ quản lý và đại diện người sản xuất. Tuy nhiên, vai trò điều hành, hỗ trợ, liên kết của các Ban điều hành các làng nghề mặc dù luôn được sự hỗ trợ của huyện và các phòng chức năng chưa hiệu quả do năng lực của thành viên, thêm nữa đây là mô hình mới nên kinh nghiệm hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, mối liên kết, hỗ trợ giữa các làng nghề với doanh nghiệp (trong tỉnh, trong nước), với các CCN tập trung, các điểm công nghiệp còn chưa chặt chẽ. Nhiều địa phương tình trạng cạnh tranh về nguồn lao động giữa các hộ sản xuất trong làng nghề với các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm, điểm công nghiệp vẫn thường xuyên xảy ra. Vì thế, ở nhiều làng nghề đang gặp khó khăn, lực lượng lao động chính lại là những người đã quá tuổi lao động hoặc tận dụng thời gian để làm nghề. Từ đó kéo theo tình trạng: chất lượng sản phẩm ngày càng đi xuống, sản phẩm hàng hóa ít, ngày công lao động thấp… nên lượng lao động, yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của làng nghề… đã thiếu lại càng ít. Ngoài ra môi trường đang là một vấn đề lớn đối với sự phát triển của làng nghề nông thôn. Bên cạnh các yếu tố tích cực, môi trường ở nhiều làng nghề truyền thống như: cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của các huyện: Ý Yên, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Nam Trực… đã đến mức báo động “đỏ”, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ sản xuất, lao động làm nghề mà còn hủy hoại môi trường của cả vùng xung quanh.
  Phát triển làng nghề, ngành nghề ở nông thôn là quyết sách đúng đắn, là động lực mạnh mẽ để nhiều địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM. Tuy nhiên, qua 5 năm tập trung cao độ cho mục tiêu này, kết quả đạt được và những vấn đề tồn tại đang đặt ra yêu cầu để các làng nghề phát huy tối đa vai trò, tiềm năng, lợi thế để cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành để có những giải pháp chiều sâu hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com