Nâng cao năng suất lao động góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp

08:10, 27/10/2014

Cùng với các yếu tố: công nghệ sản xuất, năng lực quản lý, thị trường, chất lượng sản phẩm… năng suất lao động có ảnh hưởng quyết định tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức Lao động quốc tế mới đây đưa ra một báo cáo đánh giá về năng suất lao động của Việt Nam khá thấp so với khu vực. Theo các cơ quan chuyên môn đây cũng là tình trạng chung ở tỉnh ta. Do vậy, cùng với các giải pháp đồng bộ về quản lý, đổi mới thiết bị công nghệ… các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp để nâng cao năng suất lao động nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

Dây chuyền sản xuất bánh kẹo tại Cty TNHH Thương mại Hoà Bình, CCN An Xá (TP Nam Định).
Dây chuyền sản xuất bánh kẹo tại Cty TNHH Thương mại Hoà Bình, CCN An Xá (TP Nam Định).

Trong quá trình đầu tư xây dựng xưởng sản xuất sợi len tại KCN Hoà Xá, Cty CP Thuỷ Bình đã cử cán bộ đi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm xây dựng, bố trí thiết bị sản xuất, đào tạo nguồn lao động… tại nhiều Cty trong nước và các nước như Trung Quốc, Thái Lan… Năm 2008, với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, 2 dây chuyền sản xuất sợi len thành phẩm từ xơ và dây chuyền nhuộm hoàn tất với từng loại thiết bị hiện đại, đồng bộ theo công nghệ sản xuất của Nhật Bản, Trung Quốc của Cty đã chính thức hoạt động. Toàn bộ hệ thống xưởng sản xuất, các bộ phận kho nguyên liệu, thành phẩm… được quy hoạch gọn gàng; cự ly các máy dệt được bố trí đảm bảo tính liên hoàn, thuận tiện cho sản xuất; hệ thống cửa sổ, cửa thông gió được bố trí hợp lý vừa thoáng mát, nhiều ánh sáng, tiết kiệm được điện chiếu sáng. Tuy nhiên, những tháng đầu, công suất chỉ đạt trên 30%. Cty đã nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chính là do những bất hợp lý trong bố trí công nhân tại một số vị trí chưa phù hợp với trình độ tay nghề của từng người nên chưa phát huy được năng lực của người lao động và những ưu việt của các loại thiết bị sản xuất. Cty đã tổ chức rà soát toàn bộ nhân lực, tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn để hướng dẫn quy trình vận hành thiết bị; sắp xếp lại các vị trí trong dây chuyền sản xuất đảm bảo tính liên hoàn, hợp lý và phát huy tối đa sở trường của người lao động và tính năng của thiết bị. Để nâng cao tay nghề cho công nhân mới, Cty đã phân công thợ giỏi, thợ tay nghề cao kèm cặp thợ mới vào nghề, tay nghề thấp. Nhờ đó, từ năm 2010, công suất máy của Cty đã không ngừng được nâng lên các mức trên 70%, trên 80%...; và từ năm 2012 đến nay, Cty đã nâng được công suất máy lên trên 90%, sản phẩm bị lỗi, phế phẩm ở mức cho phép, bảo đảm mỗi tháng sản xuất được từ 100-120 tấn sản phẩm. Không chỉ cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước, 45% số lượng sản phẩm của Cty đã được xuất khẩu, trong đó có nhiều sản phẩm như: sợi đơn, sợi đôi, sợi lông cừu đã được khách hàng ở các nước khối EU, Nhật Bản tín nhiệm ký hợp đồng dài hạn. Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực may công nghiệp, vấn đề nâng cao năng suất lao động luôn được Cty CP May Nam Hà chú trọng. Giải pháp được Cty sử dụng trong nhiều năm qua là thực hiện đồng thời công tác đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng chuyên sâu; ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý kỹ thuật giác mẫu, cắt và kiểm tra sản phẩm, quản lý nhân công và điều hành sản xuất, triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân của Cty thường xuyên được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật, tay nghề qua các lớp tập huấn cả ngắn hạn và trung, dài hạn. Cty đã liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu nâng cao tay nghề cho cán bộ kỹ thuật và đội ngũ công nhân. Đồng thời, Cty cũng thực hiện liên tục công tác đào tạo tại chỗ theo phương thức “cầm tay chỉ việc” kết hợp lý thuyết và thực hành ngay trên dây chuyền sản xuất nên tay nghề của cán bộ, công nhân của Cty không ngừng được nâng cao mang tính chuyên nghiệp. Toàn bộ cán bộ quản lý cấp tổ trưởng, trưởng bộ phận sản xuất đã sử dụng thành thạo 6-7 loại thiết bị chuyên dụng trong chuyền may; công nhân trong chuyền may đã sử dụng thành thạo 2/3 loại thiết bị phổ thông là máy may (1 kim, 2 kim và nhiều kim), máy chần đề, máy vắt sổ. Nhờ đó, năng suất lao động của Cty không ngừng được nâng cao, bình quân tăng từ 20-25%/năm; 6 tháng đầu năm 2014, giá trị năng suất lao động bình quân của Cty đã được nâng lên mức xấp xỉ 20 USD/người/ngày, cao hơn cùng kỳ năm 2013 khoảng 2 USD và gấp trên 6 lần so với thời điểm thực hiện cổ phần hoá năm 2004 (3,3 USD/người/ngày). Năm 2005 Cty TNHH Thương mại Hòa Bình đầu tư xưởng sản xuất bánh kẹo tại KCN Hoà Xá. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm hoạt động, vì phải đầu tư từng bước, dây chuyền thiết bị không đồng bộ nên công suất của dây chuyền, năng suất lao động của Cty bị hạn chế. Trước tình hình đó, Cty đã quyết định di dời ra CCN An Xá với mặt bằng rộng hơn, đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, lắp đặt 5 dây chuyền tự động từ khâu vào nguyên liệu đến ra thành phẩm theo công nghệ của các nước I-ta-li-a, Đan Mạch. Sau gần 1 năm hoạt động tại cơ sở mới, công suất dây chuyền tăng lên gần 70% so với trước. Năng suất lao động được nâng cao đã góp phần quan trọng nâng công suất của Cty lên gần 70 tấn bánh kẹo các loại/tháng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 100 lao động với bình quân thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.   

Theo số liệu của UBND tỉnh, thời điểm tháng 9-2014, trên địa bàn tỉnh có 5.359 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với tổng số vốn đăng ký trên 39,3 nghìn tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó không ít các doanh nghiệp phát triển từ các cơ sở sản xuất cá thể. Từ cơ sở sản xuất nhỏ phát triển thành doanh nghiệp là một sự thay đổi lớn cả về “lượng” và “chất”, cơ hội phát triển lớn đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: thiếu hụt năng lực tài chính, nguồn nhân lực hạn chế, không đáp ứng quy mô sản xuất mới từ đó dẫn tới các hạn chế khác như: không cải thiện được chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, không tiếp cận, mở rộng được thị trường. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, vấn đề tăng năng suất lao động để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lại càng được chú trọng. Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN tập trung hoặc các doanh nghiệp có truyền thống, tiềm lực; vấn đề năng suất lao động ở các làng nghề nông thôn cũng đặt ra gay gắt. Các doanh nghiệp làng nghề đã phải đổi mới, thực hiện chuyên biệt hoá các khâu sản xuất để người lao động nâng cao tay nghề và tăng năng suất.

Với nỗ lực nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất CN-TTCN 9 tháng đầu năm 2014. Giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh (giá so sánh năm 1994) ước đạt 15.714 tỷ đồng; tăng 22% so với năm 2013, đạt 75,3% so với kế hoạch./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com