Nhọc nhằn nghề cào don, cào dắt

08:07, 05/07/2014

Vào mỗi buổi sáng, khi mặt trời còn chưa tỏ, nhiều người dân ven biển ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy lại rời nhà men theo bờ cát, bám cửa sông, ngâm mình dưới nước cào dắt, cào don. Gặp ngày may mắn, người dân cũng thu được 100-200 nghìn đồng.

Hằng ngày, ông Nguyễn Văn Thành và hơn chục người khác ở xóm 12, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) mang theo chiếc cào don làm bằng tre ra đoạn cửa cống Quần Vinh I để cào don, cào dắt. Hôm nào sớm thì hơn 9 giờ, muộn thì hơn 11 giờ, họ mới thu dọn dụng cụ, sản phẩm thu hoạch được chất lên chiếc xe thồ về bến. Được hôm thời tiết thuận lợi, gặp con nước, ông Thành cũng cào được 50-70kg don, dắt, với giá bán 2.500-3.000 đồng/kg, ông thu từ 150-200 nghìn đồng. Nhưng cũng có hôm vất vả cả buổi cũng chỉ được hơn chục cân. Dừng tay quệt những giọt mồ hôi đọng trên trán, ông Thành bộc bạch với chúng tôi, nghề cào don, cào dắt tuy nhọc nhằn, phải dậy sớm, ngâm mình dưới nước ít nhất 5 tiếng mỗi ngày, chân tay nứt nẻ nhưng bù lại cũng có thêm thu nhập. Nếu “may mắn” có ngày thu được 200-300 nghìn đồng. Việc rửa cát làm sạch don, dắt thực hiện ngay sau mỗi mẻ cào nên chân, tay của người dân cào don nhăn nheo, bợt đi. Cao điểm của mùa don, dắt bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 (dương lịch). Khác với nghề đi te, dụng cụ cào don gồm một cán tre dài 2,5m, thùng cào dài 1m. Dụng cụ cào được buộc đeo vào ngang hông, người cào một tay cầm cán tre, tay còn lại tì thắt lưng lấy thế cào giật lùi. Theo ông Thành, để cào don thành thạo, người nhanh cũng phải học nghề từ 5 ngày đến một tuần, người chậm có khi đến 2 tháng. Cũng có người bỏ nghề ngay từ mẻ cào đầu tiên vì không đủ kiên nhẫn. Ông Thành chia sẻ: “Nhìn thì đơn giản vậy thôi, nhưng để bắt được con don, con dắt cũng gian nan lắm. Hồi bé, ít người đi bắt, có ngày tôi cào được 4-5 bao, mỗi bao chừng 40-50kg. Nhưng bán thì ít, mà chủ yếu mang về cho lợn, gà ăn”. Đang hì hục cào don cách đó không xa, anh Trần Văn Thảo nói với lên: “Nghề này vất vả lắm, đi từ lúc trời mờ sáng, mặt trời đứng bóng mới được về”. Xòe đôi bàn tay chai sần, đầy vết sẹo bợt đi vì ngâm nước, anh Thảo nói vui đó là “kỷ niệm” của nghề cào don, dắt. Theo những người dân nơi đây, gần chục năm lại đây, con don, dắt cũng có giá trị hơn, nhưng đánh bắt cũng khó khăn hơn do don, dắt ngày càng ít đi. Thêm nữa, nghề cào don, dắt chỉ những người có sức khỏe tốt mới theo được. Nhiều hôm biển động, cào don, dắt cực kỳ vất vả, nhưng những người dân vùng ven biển vẫn bám trụ mong tìm kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

Ngược sang bãi biển Thịnh Long (Hải Hậu), chúng tôi gặp hơn chục người dân đang dầm mình dưới nước để cào don, dắt. Bãi này dài hơn cây số nằm ngay cửa Lạch Giang. Từ mờ sáng, anh Nguyễn Vũ Xuân, quê ở xã Hải Triều (Hải Hậu) chạy xe lên tận đây để cào don. Nói chuyện với chúng tôi anh cho biết, bãi cào don ở đây có cả dân tứ xứ. Nơi cào don, dắt thường là những bãi cát sát triền biển, độ sâu 0,5-1m so với mặt nước. Một lượt cào dài 10-20m. Anh Phạm Văn Tiến, ở tổ dân phố 22 (Thị trấn Thịnh Long) cho biết, nếu làm việc cần mẫn thì mỗi người sẽ đi không dưới 10 km/ngày. Cào trên cát khô đã khó, nhưng cào dưới nước còn khó và nặng hơn nhiều, người khỏe mạnh có thể tập trung cào liên tục trong 4-5 giờ đầu, thời gian sau công việc chỉ trôi theo quán tính. Một ngày “gập lưng” trên bãi, người cào dắt, cào don có khi còn vớ được mẻ ngao, trai. Nếu cào khỏe thì mỗi ngày được khoảng 50-70kg, còn không thì 15-20kg, mang vào bờ là đã có thương lái đến thu mua, tiền trao tận tay. Trong số những người dân cào don, cào dắt, có cả những người đã luống tuổi. Bác Trần Thị Xuyên, 57 tuổi ở xã Hải Hòa làm “nghề” cào dắt từ lúc còn trẻ. Bây giờ bình quân một ngày, bác Xuyên cào được 13-15kg dắt, bán được 30-50 nghìn đồng. Năm nào cũng vậy, cứ thu hoạch xong vụ lúa xuân là bác đi cào dắt, cào don.

Công việc của những người cào dắt, don tùy thuộc vào con nước. Nước lớn đi muộn hơn một chút, có khi đến hơn 1 giờ chiều mới kết thúc. Công việc nặng nhọc nhưng bữa ăn trưa của họ chỉ là cơm nắm chấm muối vừng hoặc vài miếng thịt kho, cá khô. Theo những người chuyên làm nghề cào dắt, cào don thì công việc này cần phải chịu khó và kiên nhẫn. Người có thâm niên như ông Thành, mặc dù đã thuộc lòng “con nước” nhưng cũng có hôm ra về tay trắng. Từ khi con dắt, con don có giá, nghề cào dắt, cào don cũng thu hút nhiều người làm hơn và don, dắt cũng ngày càng ít dần. Chị Nguyễn Thị Mai, ở chợ Cầu Đôi, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu), một đầu mối thu mua don, dắt, mỗi ngày mua gom được 2-3 tạ don, dắt, khi nhiều thì được 5 tạ. Thời điểm này, mùa cào dắt, don trên những bãi triều đang vào vụ. Những người làm nghề cào dắt, don lại trầm mình dưới nước để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Những bãi triều từ đoạn cuối cửa sông Đáy, cửa Lạch Giang, cửa Ba Lạt trở thành nguồn thu nhập cho nhiều người dân vùng ven biển./.

Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com