Quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng NTM

08:05, 24/05/2014

Để phục vụ Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí cho công tác lập các quy hoạch liên quan, bao gồm quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất. Đến cuối năm 2011, 100% số xã, thị trấn đã hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM; đến 20-12-2013 hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015.

Kiểm tra cột mốc chỉ giới theo quy hoạch tại xóm 17, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).
Kiểm tra cột mốc chỉ giới theo quy hoạch tại xóm 17, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).

Đến nay, 100% số xã, thị trấn xây dựng NTM đợt 1 giai đoạn 2011-2015 đều tiến hành công bố công khai các quy hoạch NTM tại trụ sở UBND xã. Riêng việc triển khai cắm mốc chỉ giới đỏ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và thiếu văn bản hướng dẫn. Hiện tại việc cắm mốc chỉ giới được thực hiện theo Thông tư 15/2010/TT-BXD ngày 27-8-2010 của Bộ Xây dựng, tuy nhiên văn bản này chỉ quy định về cắm và quản lý mốc giới đối với các quy hoạch đô thị (thành phố và thị trấn, thị xã), các quy hoạch của địa bàn nông thôn (các xã) chưa có hướng dẫn cụ thể. Để bảo đảm quản lý chặt các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu cho tỉnh hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, xã căn cứ quy hoạch xây dựng NTM đã được duyệt triển khai xây dựng Quy định về quản lý quy hoạch NTM, bao gồm quy định về ranh giới quy hoạch xây dựng, quy định những vùng cấm xây dựng, phạm vi và hành lang bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực có khả năng xảy ra sạt lở tai biến; xác định khu đất dự trữ phát triển dân cư, các khu vực bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và các khu vực chức năng khác… Đặc biệt, các xã cần xác định công tác quy định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng đối với hệ thống giao thông trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm và tiên quyết đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý sau quy hoạch NTM. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các địa phương đã tích cực thực hiện công tác cắm mốc chỉ giới đỏ sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Tại huyện Nghĩa Hưng, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác cắm mốc ngay trong giai đoạn 2011-2012; giải quyết khó khăn về kinh phí, huyện đã tiến hành hỗ trợ mỗi xã 30 triệu đồng đúc cọc và chôn cọc, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn, ban quản lý dự án phối hợp với địa phương triển khai cắm mốc các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng đảm bảo theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Các cọc mốc chỉ giới có khoảng cách 100m được đặt so le giữa 2 bên tuyến đường. Đồng chí Phạm Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, trong vòng 2 năm 2011 và 2012, xã đã chỉ đạo các thôn xóm tiến hành cắm 405 cột mốc chỉ giới đỏ với tổng mức kinh phí hơn 50 triệu đồng, tập trung chủ yếu ở các tuyến đường giao thông nội đồng chính sau DĐĐT, đường trục xã, đường huyện”. Đây là cơ sở quan trọng giúp xã triển khai tốt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ xây dựng NTM. Xã vừa triển khai hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình nhà cao tầng trường THCS xã 10 phòng học, xây tường bao, sân bê tông, mái chống nóng; sửa chữa các phòng học của trường mầm non, xây dựng trụ sở UBND xã, xây rãnh thoát nước hai bên đường khu trung tâm xã; xây dựng và sửa chữa 7 NVH xóm và các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng các xóm, đội. Các công trình đều bảo đảm quy hoạch đã được phê duyệt. Đến nay, xã đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia và tiêu chí NVH thôn, xóm. Theo đồng chí Trần Văn Dương, Trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: “Đến nay, 100% số xã của toàn huyện đã hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới được hơn 70% khối lượng cột mốc phải cắm theo quy hoạch NTM. Phòng Công thương đang tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổng hợp, rà soát thống kê lại hệ thống mốc chỉ giới đỏ đã cắm trên địa bàn; hướng dẫn sửa chữa, cải tạo, khôi phục lại các cột mốc bị hư hỏng, đổ nghiêng và thay thế các cột mốc đã hỏng và bị mất…”. Song song với công tác cắm mốc chỉ giới đỏ, Phòng Công thương huyện cũng quản lý chặt công tác cấp giấy phép xây dựng ở các thị trấn, chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến việc cấp phép xây dựng trên địa bàn mình quản lý, đảm bảo theo đúng quy hoạch NTM đã phê duyệt. Năm 2013, huyện đã cấp 170 giấy phép xây dựng ở các Thị trấn Liễu Đề, Quỹ Nhất, Rạng Đông và các xã. Ngoài ra, Phòng Công thương còn phân công cán bộ chuyên môn chủ động phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép đảm bảo theo quy định pháp luật. Hằng quý, tổ chức đoàn kiểm tra công tác cấp phép xây dựng ở các xã, thị trấn. Vì thế, thời gian qua, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, công tác quản lý xây dựng sau quy hoạch NTM được đảm bảo thực hiện tốt, vi phạm về trật tự xây dựng được xử lý kịp thời, không để phát sinh phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, để quản lý các quy hoạch NTM đã được phê duyệt trên toàn tỉnh vẫn còn những khó khăn trong triển khai. Trong đó, công tác xây dựng Quy định về quản lý quy hoạch NTM cũng gặp không ít khó khăn trên thực tế. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh ta hiện có 16 đô thị bao gồm Thành phố Nam Định là đô thị loại I, còn lại đều là đô thị loại 5. Hiện chỉ Thành phố Nam Định có Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của thành phố đã được phê duyệt theo Quyết định số 900B/QĐ-UBND ngày 13-6-2011 của UBND tỉnh. Thị trấn Thịnh Long đang được triển khai lập quy hoạch chung, dự kiến Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cũng được trình và phê duyệt trong tháng 5-2014. Các thị trấn còn lại hầu hết được lập quy hoạch chung từ trước khi Nghị định 38/2010/NĐ-CP ngày 7-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và Thông tư 19/2010/TT-BXD ngày 22-10-2010 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được ban hành. Do đó, các thị trấn trong số 96 xã, thị trấn xây dựng NTM đợt 1 của tỉnh ta đều chưa xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị các huyện rà soát để tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị của các thị trấn theo quy hoạch NTM để trình phê duyệt, và xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Riêng với các xã, do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết của Bộ Xây dựng nên việc xây dựng quy chế quản lý quy hoạch NTM gặp khó khăn.

Thời gian tới, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương về quy định cắm mốc chỉ giới và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn xã làm căn cứ để UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện tiếp tục hướng dẫn các địa phương về quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch được duyệt... Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tổ chức tốt công bố, công khai toàn bộ nội dung quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng. Các địa phương tiếp tục thực hiện cắm và quản lý mốc giới xây dựng ngoài thực địa theo quy hoạch xây dựng NTM thuộc phạm vi địa giới hành chính. Hoàn thành việc nộp và lưu trữ hồ sơ theo quy định, quản lý, cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn xã phải đảm bảo theo đúng quy hoạch, tuân thủ các quy định hiện hành và trên cơ sở phân cấp của địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, các hoạt động xây dựng, quản lý sử dụng đất để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về quy hoạch xây dựng. Thường xuyên rà soát các quy hoạch trên địa bàn để kịp thời bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com