Phát triển hợp lý điểm công nghiệp nông thôn

07:05, 22/05/2014

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất CN-TTCN ở những làng nghề chưa đủ điều kiện xây dựng cụm công nghiệp, đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường sống, tỉnh chủ trương phát triển các điểm công nghiệp ở các địa phương có tiềm năng. Đây là hướng đi hiệu quả để vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, vừa bảo vệ môi trường nông thôn bền vững.

Cùng với phát triển sản xuất CN-TTCN ở các doanh nghiệp làng nghề, phát triển các điểm công nghiệp nông thôn (mỗi điểm công nghiệp có quy mô từ 1,5-2ha) ở các địa phương có tiềm năng là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, ngày 12-8-2011 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp nông thôn với các hỗ trợ, ưu đãi về: mặt bằng và hạ tầng (điện, nước, viễn thông); miễn từ 70-100% tiền thuê đất trong 5 năm đầu; hỗ trợ về lãi suất ngân hàng; đào tạo nghề; quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng... tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển các điểm công nghiệp nông thôn thu hút các hộ, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn. Ngoài 5 CCN tập trung ở các xã: Yên Xá, Yên Ninh, Thị trấn Lâm, trên địa bàn huyện Ý Yên hiện đã phát triển được 15 điểm công nghiệp ở các xã: Yên Trị, Yên Nghĩa, Yên Lợi, Yên Tiến, Yên Lương, Yên Cường. Toàn huyện hiện có 4.774 cơ sở sản xuất CN-TTCN, trong đó có 374 doanh nghiệp, 55 HTX và 4.400 hộ cá thể. Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa năm 2003, xã Yên Trị đã quy hoạch quỹ đất công gần 4ha để xây dựng điểm công nghiệp.

Sản xuất tại Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, điểm công nghiệp xã Giao Tiến (Giao Thủy).
Sản xuất tại Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến,
điểm công nghiệp xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Đến nay, điểm công nghiệp của xã đã thu hút được 10 doanh nghiệp, 23 tổ hợp, cơ sở đầu tư sản xuất các sản phẩm may mặc, quần, áo đồng phục, bảo hộ lao động, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, dán ép ni lông…, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng và gần 1.500 lao động từ các xã lân cận và các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa… Với 5ha đất công được quy hoạch gọn vùng để phát triển sản xuất CN-TTCN, đến nay, điểm công nghiệp của xã Giao Tiến (Giao Thủy) đã được lấp đầy 100%, thu hút 7 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư nhiều lĩnh vực ngành nghề như: Cty CP Chế biến lâm sản Hoàng Gia đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất gỗ ván sàn xuất khẩu; Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến chuyên sản xuất các loại máy xây dựng; cơ sở Huy Tới đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò Hoffman (Đức)… Điểm công nghiệp xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) có 3 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm. Thực hiện Đề án phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2015, huyện Trực Ninh chủ trương xây dựng 4 điểm công nghiệp tập trung tại các xã: Phương Định, Trực Chính, Trực Tuấn, Trung Đông. Ngoài 19 CCN tập trung, cùng với 121 làng nghề sản xuất CN-TTCN, các điểm công nghiệp đã trở thành những hạt nhân quan trọng thu hút đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn. Theo số liệu của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 157/209 xã có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm từ 10% trở lên giá trị sản xuất toàn xã. Năm 2013 giá trị sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn (giá hiện hành) đạt gần 26 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,94% tổng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh. Trong các năm 2012-2013 toàn tỉnh đã phát triển thêm được 6 điểm công nghiệp mới, ở các xã, thị trấn: Xuân Ninh, Xuân Kiên (Xuân Trường); Yên Định, Hải Đường (Hải Hậu); Hiển Khánh (Vụ Bản); Nam Hồng (Nam Trực) với 10 doanh nghiệp đăng ký và đang triển khai đầu tư. Tổng diện tích các điểm công nghiệp mới là 18,26ha, tổng vốn của các doanh nghiệp đăng ký là 1.325,5 tỷ đồng, dự kiến thu hút thêm 2.900 lao động. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các điểm công nghiệp mới đã hoạt động hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm như: Cty CP Đầu tư Hải Đường đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất hàng may mặc, tạo việc làm cho 400 lao động địa phương với mức lương bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng. Với những cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư đồng bộ của tỉnh, huyện tới các xã, thị trấn, các điểm công nghiệp nông thôn đã bước đầu tận dụng được ưu thế về mặt bằng, nguồn lao động tại chỗ… để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề phát triển các điểm công nghiệp ở khu vực nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Việc xây dựng và ban hành quy chế, quy định về hoạt động và quản lý các điểm công nghiệp tập trung, ngoài chủ trương phát triển các điểm công nghiệp nông thôn với quy mô tối thiểu từ 1,5-2ha đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể về diện tích tối đa, quy mô lao động và các hạng mục cơ sở hạ tầng... thì đạt tiêu chuẩn là điểm công nghiệp. Do đó, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lập quy hoạch xây dựng và quản lý hoạt động của các điểm công nghiệp mặc dù đã quy hoạch diện tích đất công dành cho phát triển sản xuất CN-TTCN được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tận dụng đất ở để xây dựng nhà xưởng, sản xuất ngay trong khu dân cư ảnh hưởng lớn tới đời sống và sinh hoạt của nhân dân như: ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, nước thải… Một số địa phương đã quy hoạch điểm công nghiệp nhưng chưa đầu tư hạ tầng giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước sạch, điện chiếu sáng và xử lý nước thải... Bên cạnh đó, ở một số điểm công nghiệp sử dụng nhiều lao động phát sinh phức tạp trong công tác quản lý hành chính, trật tự đối với số lao động ngoài huyện, ngoài tỉnh đến làm việc và trọ trên địa bàn. Để phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của các điểm công nghiệp nông thôn, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng CNH-HĐH, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương giao Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng, UBND các địa phương tham mưu với tỉnh hoạch định chiến lược xây dựng quy hoạch phát triển các điểm công nghiệp nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com