Yên Hồng phát triển nghề mộc mỹ nghệ

07:12, 19/12/2013

Những năm qua, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Đằng Động xã Yên Hồng (Ý Yên) phát triển mạnh. Thôn hiện có 325 hộ thì có tới 280 hộ làm nghề mộc mỹ nghệ, tạo việc làm cho gần 500 lao động địa phương.  

Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của ông Nguyễn Đức Võ, thôn Đằng Động, xã Yên Hồng.
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của ông Nguyễn Đức Võ, thôn Đằng Động, xã Yên Hồng.

Đồng chí Đồng Văn Hài, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hồng cho biết: Nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ không phải là nghề truyền thống của địa phương mà được du nhập từ làng La Xuyên, xã Yên Ninh. Trước đây, một số lao động của thôn Đằng Động sang La Xuyên học nghề rồi đầu tư máy móc, nhận gia công sản phẩm cho các cơ sở sản xuất của xã Yên Ninh. Từ chỗ chỉ gia công từng phần, đến nay toàn bộ các công đoạn từ vẽ mẫu, xẻ, đục, chạm, khắc… đến khi hoàn thành bộ sản phẩm đã được người thợ Đằng Động đảm nhiệm với chất lượng cao. Là nghề mới du nhập nên làng nghề mộc mỹ nghệ ở thôn Đằng Động sớm phát triển theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn sản xuất sản phẩm: một số hộ chuyên sản xuất “hàng chạm” (vẽ mẫu, xẻ thành khối, đục moi tạo hình, chạm khắc theo mẫu); một số hộ chuyên sản xuất “hàng ngang” (đánh giấy ráp, lắp ráp hoàn thiện, sơn PU). Trong thôn đã hình thành 15 cơ sở sản xuất lớn với quy mô từ 5-8 lao động, là các đầu mối chuyên nhận làm “hàng chạm”, sau đó phân chia từng phần cho các hộ khác trong thôn gia công. Tiêu biểu như cơ sở của các ông: Đồng Văn Vinh, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Văn Phong có từ 10-15 thợ chính và 30 lao động nhận hàng về gia công tại gia đình. Doanh số mỗi cơ sở hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên. Bắt đầu mở xưởng làm nghề từ năm 2000, đến nay ông Nguyễn Văn Phong đã phát triển được 2 xưởng sản xuất có tổng diện tích trên 300m2, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại chỗ và 45 lao động nhận làm gia công tại nhà. Bình quân thu nhập của thợ chạm khắc gỗ lành nghề đạt từ 250-300 nghìn đồng/người/ngày, lao động phụ cũng thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Hằng tháng, cơ sở sản xuất của ông Phong tiêu thụ từ 10-12m3 gỗ, sản xuất 20-24 bộ sản phẩm. Ngoài các cơ sở chuyên làm “hàng chạm”, thôn Đằng Động có gần chục hộ chuyên nhận làm “hàng ngang”, mỗi hộ có từ 3-5 lao động như hộ các ông: Nguyễn Đức Võ, Đồng Văn Lực, Nguyễn Văn Thủy, Nguyễn Văn Đô… Ông Nguyễn Đức Võ, năm nay 54 tuổi, với gần 30 năm kinh nghiệm làm nghề cho biết: Để hoàn thành một bộ sản phẩm mộc mỹ nghệ không chỉ đơn giản là đục mộng, lắp ráp từng phần lại với nhau mà yêu cầu rất tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất, đồng thời phải giảm tối đa các tác động cong vênh, co ngót của gỗ, tăng tuổi thọ và thẩm mỹ của cả bộ sản phẩm. Nếu như “hàng chạm” là phần xương, thịt thì “hàng ngang” là phần hồn của sản phẩm. Ngoài sự tinh tế, tỉ mỉ và tài hoa cùng kinh nghiệm lâu năm, cơ sở làm “hàng ngang” cũng phải đầu tư các loại máy móc chuyên dụng như: máy vanh, máy chà, máy khoan, máy bào… để hoàn thiện sản phẩm. Bình quân hằng tháng, các cơ sở quy mô từ 4-5 lao động chỉ hoàn thành được từ 5-6 bộ sản phẩm. Có bộ sản phẩm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật tỉ mỉ, nhiều món phải mất 10 ngày mới hoàn thành. Tính ra, thu nhập của thợ làm hàng ngang đạt từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.   

Nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Đằng Động đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Yên Hồng. Năm 2013, nghề mộc mỹ nghệ của thôn Đằng Động đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt trên 35% tổng thu nhập toàn xã. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất ở thôn Đằng Động đều phát triển tự phát, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, chủ yếu là tận dụng khuôn viên gia đình, giao thông chưa thuận tiện do cách xa tỉnh lộ 485 (đường 57 cũ). Để hỗ trợ nghề mộc tại thôn Đằng Động phát triển bền vững, tạo việc làm cho nhiều lao động, xã Yên Hồng đang có chủ trương quy hoạch xây dựng khu sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, xã đã thành lập tổ quản lý làng nghề để các hộ làm nghề liên kết giúp nhau trong sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com