Đổi mới quản lý đề tài nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

07:12, 19/12/2013

Nhằm phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học toàn diện, những năm qua, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH và NV) được Sở KH và CN khuyến khích các đơn vị thực hiện, góp phần tạo luận cứ khoa học để các cấp ủy Đảng, chính quyền vận dụng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thầy, trò Trường THCS Kim Thái (Vụ Bản) nghiên cứu mô hình
Thầy, trò Trường THCS Kim Thái (Vụ Bản) nghiên cứu mô hình "Máy dọn rác trên ao, hồ, sông điều khiển từ xa sử dụng năng lượng mặt trời" phục vụ giảng dạy và học tập.

Hằng năm, Sở KH và CN đều xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ khoa học và định hướng cho các đơn vị lựa chọn, triển khai đề tài nghiên cứu bám sát vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời khuyến khích các ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực KHXH và NV. Để hoạt động nghiên cứu ứng dụng các đề tài, nội dung nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH và NV được thực hiện hiệu quả, Sở KH và CN phân công cán bộ chuyên môn có trình độ, am hiểu kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực KHXH và NV để hướng dẫn quy trình thực hiện đề tài nghiên cứu; tiếp nhận và giải quyết những vấn đề cần trao đổi giữa đơn vị nghiên cứu và đơn vị thử nghiệm cũng như ứng dụng, nhân rộng kết quả, sản phẩm của các đề tài vào thực tế. Bên cạnh đó, Sở KH và CN tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký đề tài và kinh phí thực hiện đề tài để các đơn vị, cá nhân yên tâm chuyên sâu vào nghiên cứu, đồng thời thực hiện quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu thông qua quá trình rà soát, đánh giá của các Hội đồng khoa học. Do đó, các ngành, địa phương đã xác định được vị trí, vai trò quan trọng của việc nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KHXH và NV nói riêng trong mục tiêu phát triển của ngành, địa phương và ngày càng thu hút nhiều đối tượng tham gia. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã dành trên 9 tỷ đồng ngân sách để triển khai 38 đề tài thuộc lĩnh vực KHXH và NV... Trong đó có 5 đề tài nghiên cứu về vấn đề chính trị, tư tưởng; 5 đề tài nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; 5 đề tài lĩnh vực y tế, sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội; 3 đề tài về vấn đề bình đẳng giới và chuyển dịch cơ cấu lao động; 5 đề tài về văn thư lưu trữ, hành chính, tư pháp và 3 đề tài phát triển GD và ĐT. Bằng các phương pháp nghiên cứu khác nhau như điều tra xã hội học, sưu tầm, phục dựng, thử nghiệm, khảo cứu các nguồn tư liệu lưu trữ và khảo sát điền dã thực tế để so sánh, đối chiếu, tái hiện và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật,... các đề tài nghiên cứu khoa học đã phản ánh chi tiết từng khía cạnh của vấn đề và thể hiện bằng những luận cứ xác đáng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, làm sống lại các di sản văn hoá, lễ hội độc đáo đang có nguy cơ bị mai một trong đời sống nhân dân. Tiêu biểu như các đề tài nghiên cứu "Lễ hội và các giải pháp quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định"; "Nghiên cứu địa danh và những biến đổi của địa danh tỉnh Nam Định trong 2 thế kỷ XIX và XX (1800-2000)”; “Dấu ấn văn hóa thời Trần với cộng đồng cư dân Nam Định” do Hội VHNT Nam Định thực hiện. Bằng việc nghiên cứu giá trị di sản văn hóa Trần trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, kiến trúc, tôn giáo, xã hội học, triết học... qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thời Trần, qua các thời kỳ lịch sử, các đề tài nghiên cứu khoa học đã cung cấp các luận cứ xác đáng chứng minh phủ Thiên Trường xưa là nơi phát tích của Vương triều Trần, có địa thế chiến lược trong công cuộc giữ nước, dựng nước suốt hai thế kỷ XIII, XIV với hào khí Đông A, góp phần đưa nền văn minh Đại Việt đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị” gắn liền với tên tuổi các vị Anh hùng dân tộc: Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và ảnh hưởng của văn hóa Trần đối với sự phát triển mọi mặt đời sống của cộng đồng dân cư Nam Định trong những giai đoạn sau. Đề tài nghiên cứu được đánh giá cao với tầm ảnh hưởng rộng lớn bởi ngoài việc tạo luận cứ quan trọng để các ngành chức năng vận dụng vào công tác giảng dạy, tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là công trình mang ý nghĩa văn hóa thể hiện lòng tôn kính của thế hệ con cháu với tiên tổ nhà Trần trong dịp đại lễ kỷ niệm “750 năm Thiên Trường - Nam Định”. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bình đẳng giới đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với nhóm đề tài về giáo dục, trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu các nhu cầu của giáo viên và học sinh trong tỉnh, nhiều đề tài tập trung vào các vấn đề cấp thiết của cuộc sống nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giảng dạy cho cán bộ quản lý, giáo viên; nâng cao khả năng học tập, thực hành, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS, tiểu học như: Nghiên cứu phân luồng học sinh sau THPT do Sở GD và ĐT thực hiện; "Nghiên cứu đề xuất phương pháp dạy thực hành theo năng lực thực hiện - triển khai ứng dụng tại một số cơ sở dạy nghề tỉnh Nam Định" do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định thực hiện... Trong lĩnh vực y dược học, các đề tài nghiên cứu đã tìm ra phương pháp điều trị mới mang lại hiệu quả ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí và thời gian cho bệnh nhân và phục vụ ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm. Tiêu biểu như đề tài nghiên cứu "Ứng dụng mô hình sàng lọc đái tháo đường thai kỳ của WHO cho phụ nữ mang thai tỉnh Nam Định 2012-2013"; "Nghiên cứu xây dựng và áp dụng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại 2 xã Tam Thanh và Thành Lợi huyện Vụ Bản" do Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định thực hiện; "Hoàn thiện quy trình chiết saponin toàn phần từ rễ cây đinh lăng" do Cty CP Nam Dược thực hiện...

Nghiên cứu khoa học lĩnh vực KHXH và NV có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giao lưu văn hoá mạnh mẽ, tiềm ẩn nguy cơ “hoà tan”, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc, quê hương bản địa. Thực tiễn đó đang cần những đề tài nghiên cứu KHXH và NV về các vấn đề xã hội đang nảy sinh ở nông thôn, kịp thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu giúp các nhà quản lý thực hiện thành công các mục tiêu phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com