Hướng đi của các doanh nghiệp xuất khẩu

08:05, 28/05/2013

Tỉnh ta có tiềm năng sản xuất hàng xuất khẩu với trữ lượng hàng hóa lớn, chủng loại sản phẩm phong phú. Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh ngày càng đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực như: dệt may, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm… Trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, nhiều sản phẩm trong các làng nghề đã được xuất khẩu sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhóm các nước khu vực ASEAN… Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản lượng lương thực hằng năm đạt gần 950 nghìn tấn, ngoài tiêu dùng trong tỉnh, còn khoảng 400 nghìn tấn cho xuất khẩu gồm các loại gạo tám thơm, gạo nếp, gạo tẻ chất lượng cao. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của tỉnh đạt khoảng 115 nghìn tấn/năm; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt gần 100 nghìn tấn, gần 100 nghìn tấn sản phẩm cây vụ đông và gần 400 nghìn tấn rau quả các loại… là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Nhuộm màu cho sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định.
Nhuộm màu cho sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 85 doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu, trong đó nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có bước tăng trưởng khá. Giá trị hàng hoá xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 13,6%/năm, năm 2012 đạt 380,8 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ, vượt 15,4% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giữa các ngành hàng không đồng đều, trong đó dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 75% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng chưa cao so với tiềm năng như sản phẩm rau, quả chế biến xuất khẩu mỗi năm chỉ đạt 600-700 tấn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đa số các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về nhân lực, vốn, thiết bị, công nghệ, chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trực tiếp, chủ yếu uỷ thác qua các đơn vị trung gian nên lợi nhuận không cao. Ngoài hàng dệt may, các mặt hàng khác như: thủ công mỹ nghệ, lương thực, thực phẩm, hàng nông sản, thuỷ sản, cơ khí… chủ yếu mới ở dạng gia công và sơ chế. Mặt khác, hoạt động xúc tiến thương mại của các cơ quan chuyên môn và bản thân doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh… Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị xuất khẩu, UBND tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp kích cầu của Chính phủ; chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ, chính sách thuế, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới… Trong năm 2012, Sở Công thương đã triển khai thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2030 với những giải pháp cụ thể về định hướng ngành hàng, phát triển thị trường xuất khẩu gắn với quy hoạch phát triển CN-TTCN, nông nghiệp hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và sự hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ, cơ cấu sản phẩm. Cty CP Lâm sản Nam Định là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về chế biến gỗ và gỗ xuất khẩu; 90% sản phẩm của Cty được xuất sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. Đặc biệt, Cty đã thành công trong việc chế biến và xuất khẩu nhiều mặt hàng từ gỗ rừng trồng như keo, quế, cao su và thông... Ông Bùi Đức Thuyên, Chủ tịch HĐQT Cty cho biết, yếu tố tạo nên thành công của Cty là việc lựa chọn sản phẩm và thị trường, ngay cả trong điều kiện khó khăn, Cty luôn chủ động đầu tư cho công tác thiết kế, thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, Cty còn xây dựng các tiêu chí tiết kiệm nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và tạo sự ổn định, hiệu quả trong sản xuất. Cty tham gia vào các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế, tìm đối tác để thâm nhập vào thị trường các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Quý I-2013, kim ngạch xuất khẩu của Cty đạt gần 6 triệu USD… Cty Bao bì kim loại CFC (TP Nam Định) chuyên xuất khẩu hàng nông sản. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, Cty đã chủ động từ khâu nhập nguyên liệu, ký hợp đồng với 10 HTX trong tỉnh tiêu thụ dưa chuột bao tử, ngô ngọt, cà chua…; xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp - HTX - nông dân; hỗ trợ những HTX ký kết trồng cây nguyên liệu xuất khẩu cho Cty một phần chi phí tiền giống và nhận bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Ngoài ra, Cty còn ký hợp đồng với một số HTX ở tỉnh ngoài để mở rộng diện tích trồng cây dưa chuột xuất khẩu trong vụ đông năm 2011 lên 60ha, vụ xuân năm 2012 tiếp tục mở rộng thêm 30-40ha… Bên cạnh việc xuất khẩu sản phẩm rau, củ, quả, Cty còn sản xuất bao bì kim loại vừa đáp ứng yêu cầu đóng gói sản phẩm của Cty, hạ giá thành hàng hoá xuất ra, vừa phục vụ thị trường bao bì của địa phương với giá cạnh tranh. Hiện tại, sản phẩm bao bì kim loại, dưa chuột bao tử, trung tử, cà chua, ngô ngọt, dứa… của Cty đã định vị được tại thị trường các nước ASEAN, châu Phi và Nga.

Bằng những nỗ lực của tỉnh, ngành chức năng và doanh nghiệp, quý I-2013, giá trị hàng hoá xuất khẩu của tỉnh đã đạt 92,2 triệu USD, tăng 16,8% so cùng kỳ, đạt 23% kế hoạch năm. Một số mặt hàng xuất khẩu những năm trước gặp khó khăn, có xu hướng giảm, nay đã tăng trưởng khá như hàng may mặc tăng 17,1%, hàng lâm sản tăng 10,3%, khăn các loại tăng 5,8%, thịt đông lạnh tăng 0,8%, tôm đông lạnh tăng 0,7%... Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, ngoài các cơ chế khuyến khích của Nhà nước và của tỉnh, các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nhập nguyên liệu, sản xuất, chế biến, đặc biệt là các mặt hàng có nhiều tiềm năng như nông sản, thuỷ sản… theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, ATTP, tiến tới xuất khẩu trực tiếp để tăng giá trị xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com