Tập trung diệt chuột, bảo vệ sản xuất vụ mùa

08:06, 25/06/2013

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), mỗi vụ chuột phá hại hàng trăm ha cây trồng ở các địa phương trong tỉnh, là nguyên nhân làm giảm năng suất, sản lượng lúa, hoa màu. Vụ xuân năm 2013 diện tích lúa bị chuột phá hại cao gấp 3 lần so với vụ xuân năm 2011 với 1.010ha, trong đó có 130ha thiệt hại nặng.

Nông dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) chăng ni-lon chống chuột phá lúa xuân 2013.
Nông dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) chăng ni-lon chống chuột phá lúa xuân 2013.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột phá hoại nhiều ở vụ xuân 2013 là do các địa phương chưa chú trọng đến công tác tổ chức diệt chuột. Thời tiết vụ đông xuân 2012-2013 ấm, ẩm; mưa nhiều và kéo dài nhiều ngày, các địa phương không cày ải được nên lúa chét, cỏ dại phát triển rất tốt, là môi trường thuận lợi để chuột cư trú, sinh sôi. Chuột là loài vật có khả năng sinh sản rất nhanh khi đầy đủ thức ăn và các điều kiện sống. Chuột con 6 tuần tuổi (trên 40 ngày) là có thể sinh sản. Mỗi con chuột cái trưởng thành trên dưới 20 ngày sinh sản 1 lứa, mỗi lứa 13-15 con. Mặc dù chuột sinh sản phát triển "siêu tốc" như vậy, nhưng nếu các địa phương tổ chức diệt chuột tích cực, đồng loạt thì chuột không thể phá hoại như vụ xuân 2013. Trước khi vào vụ xuân năm 2013 UBND tỉnh đã chỉ đạo, Sở NN và PTNT đã hướng dẫn các địa phương tổ chức diệt chuột đồng loạt khi lấy nước vào ruộng nhưng nhiều địa phương không tập trung chỉ đạo chiến dịch diệt chuột đồng loạt nên hiệu quả thấp. Có những địa phương diện tích gieo trồng liền kề nhưng không thống nhất thời gian gieo sạ, HTX này gieo sạ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ còn HTX bên cạnh lại gieo sạ sau Tết Nguyên đán nên chuột phá hoại ở cánh đồng sạ trước rồi quay lại phá tiếp cánh đồng sạ sau. Đồng chí Đặng Thành Lập, Chủ nhiệm HTXDVNN Nam Sơn, xã Nam Tiến (Nam Trực) phàn nàn: "Trước đây HTX hướng dẫn xã viên dùng thuốc vàng hoa lý đánh, chuột chết như "ngả rạ" nhưng từ vài năm nay dùng loại thuốc này diệt chuột không hiệu quả…". Lý giải vấn đề này, đồng chí Trần Văn Hội, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định: "Thuốc vàng hoa lý của Trung Quốc không phải loại thuốc trong danh mục ngành Bảo vệ thực vật khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng. Ngay cả sử dụng đúng loại thuốc quy định mà không tuân thủ cách đánh, cách dùng mồi cũng không diệt được chuột…". Một số loại thuốc có trong danh mục như phốt pho kẽm, klerat, Fokeba… đã sử dụng quá nhiều năm gần đây không “đánh lừa” được chuột. Chị Bùi Thị Băng Thanh, trưởng Phòng Kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh “bật mí”: "Trước món mồi lạ, mặc dù đói chuột cũng cho những con già, yếu ăn thử trước; nếu an toàn cả đàn mới ăn…". Chính sự tinh ranh của loài này mà kỹ thuật dùng thuốc diệt chuột cũng phải dùng mồi (không thuốc) đặt trước để chuột ăn quen, sau mới dùng mồi có thuốc. Trong mỗi đợt diệt chuột địa phương cũng phải thay đổi thuốc khác có trong danh mục của Chi cục Bảo vệ thực vật. Vụ lúa xuân 2013, đi đến đâu cũng thấy nông dân chăng ni-lon ngăn không cho chuột phá. Đây là cách làm tốn kém mà hiệu quả không cao. Về xã Yên Thành và một số địa phương khác của huyện Ý Yên trong vụ xuân 2013 không thấy ai ra đồng chăng ni-lon mà tất cả các cánh đồng gần như không bị chuột phá. Hỏi ra mới biết, Ban nông nghiệp xã đã tham mưu với UBND xã xây dựng phương án diệt chuột từ đầu năm 2010. Mỗi thôn có tổ diệt chuột 3-4 người với quy định nếu ruộng thiệt hại 5m2 trở lên tổ phải đền bằng năng suất thực thu nên từ 2010 đến nay nông dân yên tâm, tin tưởng ở dịch vụ này. Bác Lã Văn Hệ, tổ trưởng tổ diệt chuột thôn Đô Hoàng, xã Yên Thành (Ý Yên) cho biết, tổ diệt chuột đánh bắt quanh năm, kể cả lúc trên cánh đồng không có cây trồng. Cả thôn thống nhất, cứ thấy trên cánh đồng chớm bị chuột ăn thì cắm que cao, buộc giấy bóng đầu que là chúng tôi tìm đến diệt bằng được chuột…

Thời điểm này sản xuất vụ mùa đang sôi động, cũng là thời điểm diệt chuột. Việc tổ chức diệt chuột tập trung ngay trong lúc này là hiệu quả nhất để hạn chế sự phá hoại. Về lâu dài các địa phương nên làm như thôn Đô Hoàng và các xã của huyện Ý Yên, diệt chuột ít phải dùng hóa chất để đỡ tốn kém và đỡ ảnh hưởng tới môi trường./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com