Ý Yên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

08:04, 26/04/2013

Những năm qua, huyện Ý Yên đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác bằng nhiều phương thức như: xây dựng mô hình trình diễn; nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; mở các lớp tập huấn...

Từ năm 2012 đến nay, Trạm Khuyến nông, Phòng NN và PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trong huyện xây dựng 20 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; mở trên 500 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho trên 25 nghìn lượt người và tổ chức cho 600 lượt người tham quan các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc tổ chức cấy khảo nghiệm các giống lúa mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao như  QR1, QR2, JO2, RVT, Hoa ưu 109, Nam hương 10; các loại cây màu như: bí đỏ ngọt, dưa chuột Nhật, khoai tây Sinora..., Phòng NN và PTNT huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các mô hình và khuyến khích nông dân đưa các giống cây, con mới vào sản xuất. Căn cứ vào đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất của từng địa phương, năm 2013, Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đã hướng dẫn nông dân thực hiện các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: Mô hình sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn, gà ở các xã Yên Lợi, Yên Phong; Mô hình nuôi lợn hướng nạc khép kín đảm bảo vệ sinh môi trường ở các xã Yên Khánh, Yên Lợi; Mô hình nuôi cá diêu hồng ở xã Yên Trị; Khảo nghiệm các loại phân bón mới có thành phần chất hữu cơ cao như NPK 16-16-8+13S, NPK 5-10-13 trên các loại cây trồng ở các xã Yên Quang, Yên Khánh, Yên Cường… Mô hình nuôi lợn nái sinh sản hướng nạc, bảo đảm vệ sinh môi trường do Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân ra diện rộng.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ý Yên hướng dẫn các hộ dân ở xã Yên Khánh làm chuồng nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ý Yên hướng dẫn các hộ dân ở xã Yên Khánh làm chuồng nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp.

Năm 2010, lần đầu tiên mô hình được áp dụng ở trang trại của ông Nguyễn Việt Hùng, thôn Phương Xá, xã Yên Lợi. Với nền chuồng là lớp đệm lót sinh học làm bằng mùn cưa hoặc trấu được ủ lên men bằng chế phẩm sinh học có tác dụng tự xử lý chất thải của lợn, tiết kiệm được nước tắm cho lợn, nước rửa chuồng; chất thải của lợn được ủ lên men, hạn chế thải ra môi trường nên các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa ở lợn giảm đáng kể. Người chăn nuôi có lãi cao hơn so với cách nuôi thông thường do tiết kiệm chi phí trong quá trình nuôi. Từ hiệu quả của mô hình sử dụng đệm lót sinh học, đến nay hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở các xã Yên Thắng, Yên Lợi, Yên Chính, Yên Thọ và Yên Thành đều áp dụng phương pháp này. Việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp còn được triển khai đồng bộ trong các khâu: chọn giống, chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác, bảo vệ cây trồng, vật nuôi… giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất, giảm lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi an toàn theo hướng bền vững, ổn định và khoa học. Do đó, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng bình quân từ 20-40%/năm. Trong vụ xuân 2013, Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với Viện Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng) xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm Nano trong canh tác lúa và trồng lạc xuân ở các xã Yên Khánh, Yên Cường. Đây là chế phẩm công nghệ cao ở dạng bùn và dạng lỏng, tác động trực tiếp vào đất, có tác dụng cải tạo và diệt các mầm bệnh tồn tại trong đất, sinh ra các vi khuẩn có lợi cho cây trồng. Sử dụng định kỳ chế phẩm Nano sẽ giảm 40% lượng phân bón, năng suất cây trồng tăng từ 15-20% và không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quy trình, vật tư sản xuất cho 20ha lúa và lạc xuân đều được Viện Khoa học Quân sự hỗ trợ. Bước đầu, ngoài việc tiết kiệm công chăm bón, thuốc bảo vệ thực vật ở các diện tích sử dụng chế phẩm Nano cây trồng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe và kháng được một số bệnh thông thường như đạo ôn, khô vằn trên cây lúa và các loại sâu khoang, sâu xanh trên cây lạc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Ý Yên còn gặp khó khăn do thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn hỗ trợ mô hình ít, trình độ của nông dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá; việc liên kết "4 nhà", đặc biệt là giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học với người sản xuất chưa đồng bộ nên hiệu quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa cao. Một bộ phận nông dân vẫn lo ngại khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất cây trồng cao nhưng lại khó tiêu thụ sản phẩm dẫn đến “được mùa, mất giá”, người sản xuất vẫn không được hưởng lợi. Để giải quyết vấn đề này, cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com