Ngân hàng NN và PTNT Trực Ninh tạo động lực cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh

08:04, 18/04/2013

Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Trực Ninh luôn tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đến ngày 31-12-2012, tổng dư nợ của Ngân hàng NN và PTNT Trực Ninh đạt 438 tỷ đồng, với hơn 5.900 doanh nghiệp và hộ cá thể được vay, trong đó có 5.820 hộ nông nghiệp nông thôn vay 358 tỷ đồng, chiếm 82% tổng nguồn vốn cho vay. Với nguồn vốn trên, các doanh nghiệp, hộ nông nghiệp đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo. Đến nay đã có trên 100 gia trại, trang trại trên địa bàn huyện được vay hơn 4 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Ông Nguyễn Xuân Tào, chủ trang trại ở xã Trực Chính đã vay 200 triệu đồng để đầu tư cải tạo chuồng trại nuôi hơn 4.000 con gà đẻ. Doanh nghiệp tư nhân chế biến lâm sản của ông Nguyễn Đoàn Phó (CCN Thị trấn Cổ Lễ) vay 3 tỷ đồng để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Anh Lại Quang Minh, Giám đốc Cty CP Xây dựng Minh Tiến ở xã Trực Mỹ cho biết, Cty được Ngân hàng NN và PTNT Trực Ninh tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi với lãi suất 11%/năm để xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất gạch tuynel tại xã Trực Thanh giá trị đầu tư 40 tỷ đồng, công suất 10 triệu viên/năm, tạo việc làm cho hơn 100 lao động.

Giao dịch tại Ngân hàng NN và PTNT Trực Ninh.
Giao dịch tại Ngân hàng NN và PTNT Trực Ninh.

Để thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông thôn, Ngân hàng NN và PTNT Trực Ninh đã cho vay hộ gia đình làm kinh tế. Đã có 390 hộ vay 30 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh, 100 hộ ở làng nghề Cổ Chất, xã Phương Định vay 16 tỷ đồng để phát triển nghề dệt truyền thống; hơn 150 hộ sản xuất cơ khí vay 23 tỷ đồng, hơn 200 hộ sản xuất chế biến gỗ tại xã Trung Đông, Thị trấn Cổ Lễ vay 40 tỷ đồng mở rộng sản xuất kinh doanh. Để tạo thuận lợi cho các hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, ngân hàng tập trung phát triển hệ thống tổ vay vốn tại các thôn, xóm, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân. Đến nay, mạng lưới hoạt động của ngân hàng đã phát triển mạnh với 1 chi nhánh huyện, 3 phòng giao dịch khu vực tại Trực Cát, Chợ Đền, Ninh Cường và 384 tổ vay vốn trên địa bàn toàn huyện. Hoạt động của các tổ vay vốn ủy thác ngày càng phát huy hiệu quả. Với phương châm "đi vay để cho vay", đến hết năm 2012, tổng dư nợ tại các tổ vay vốn đạt 231 tỷ đồng với 4.520 hộ dư nợ, trong đó dư nợ tại tổ vay vốn ủy thác qua Hội Nông dân đạt 221 tỷ đồng với 4.299 thành viên; qua Hội Phụ nữ là 10 tỷ đồng với 221 thành viên. Các tổ vay vốn phát huy lợi thế bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đôn đốc thu lãi, đảm bảo các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, đồng thời vận động các hộ có điều kiện trả vốn gửi quỹ tiết kiệm tín dụng để có nguồn vốn hỗ trợ các hộ khác. Cán bộ ngân hàng thường xuyên tham gia các cuộc họp, thảo luận và đối thoại trực tiếp, giải đáp thắc mắc của các hộ vay vốn, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn theo các chương trình vay phù hợp, đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho vay vốn, tiến hành kiểm tra định kỳ điều kiện vay vốn thực tế tại từng hộ sản xuất kinh doanh. Đối với món vay nhỏ, ngắn hạn, chỉ trong vòng 2 ngày, đã có thể hoàn tất thủ tục hồ sơ và giải ngân ngay. Đối với các món vay lớn, dài hạn, thời gian giao dịch đến lúc giải ngân đã được rút gọn xuống chỉ còn 4-5 ngày. Vì thế, năm 2012, tại các tổ vay vốn có thời điểm tổng vốn luân chuyển đạt 60 tỷ đồng/tháng với trung bình hơn 600 lượt khách hàng giao dịch; tại chi nhánh huyện đạt hơn 100 tỷ đồng với hơn 700 lượt khách hàng giao dịch.

Thời gian tới, Ngân hàng NN và PTNT Trực Ninh tập trung điều hành cơ chế kinh doanh theo hướng chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Thực hiện niêm yết công khai các mức lãi suất về huy động và cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tập trung cho vay ở các xã xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nông sản... Đẩy mạnh công tác huy động vốn; xử lý linh hoạt các mức huy động lãi suất ở từng thời điểm, bảo đảm đúng quy định, phù hợp thị trường. Tăng cường tìm hiểu khách hàng; tiếp thị khách hàng truyền thống, tiềm năng; tạo uy tín, xây dựng thương hiệu bằng đổi mới công tác phục vụ, chỉnh đốn tác phong làm việc, kỹ năng giao tiếp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc khách hàng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com