Đổi thay ở xã… “2 nhất”

08:05, 21/05/2012

Từ lâu, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) được biết đến với danh hiệu “2 nhất”, là ít dân nhất và là địa phương duy nhất của tỉnh không có đất cấy lúa. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Phúc đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nuôi thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Từ một xã “độc canh” diêm nghiệp

Với 800 hộ, trên 2.000 nhân khẩu, Nghĩa Phúc là xã ít dân nhất của huyện Nghĩa Hưng và của tỉnh. Chuyện “nhất” thứ 2, Nghĩa Phúc là xã duy nhất của huyện không có đất cấy lúa, trồng màu. Nghề truyền thống và cũng là nghề chính của xã là “độc canh” diêm nghiệp. Cũng như các hộ dân trong xã, một ngày mới đối với gia đình chị Bùi Thị Mai, xóm 3, bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc công việc làm muối khi trời chạng vạng tối. Nơi vùng chân sóng, từ bao đời nay, hạt muối mặn mòi, kết tinh hương vị của biển là sản phẩm thẫm đẫm mồ hôi, công sức của những diêm dân xã Nghĩa Phúc, trở thành nghề “cha truyền, con nối”. Không có đất trồng lúa, không ngành nghề khác, mọi nguồn thu của gia đình chị Mai đều trông vào hạt muối; thời tiết thuận thì đủ ăn, còn mưa nhiều, lũ lụt khổ trăm đường. Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nghề muối “lên ngôi”, tạo nguồn thu ổn định cho diêm dân nơi đây. Chị Mai cho biết: Thời kỳ đó, người ta bảo diêm dân là nghề “làm chơi, ăn thật”, bởi người dân cứ việc lấy nước biển vào ruộng rồi ngồi chờ cho đến khi nước kết tinh thành muối thì xúc lên chờ thương lái đến mua… Thực ra nghề muối vất vả, nặng nhọc, chẳng ai làm giàu bằng nghề. Hơn 20 năm làm cát, gánh muối, gắn bó với nghề muối, cuộc đời chị Mai cùng trải qua những thăng trầm của hạt muối. Chị tâm sự: “Nắng thì người ta chạy vào nhà, diêm dân lại nô nức ra ruộng muối. Nghề này vất vả chẳng giống ai, trời càng nắng, nhiệt độ lên 37-39oC, diêm dân lại càng mừng (!)”. Thế nên, bữa cơm trưa của bà con diêm dân Nghĩa Phúc thường là 9h sáng, tranh thủ nghỉ ngơi, đến khi mặt trời đứng ngọn tre lại tất bật với đồng muối dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa”. Thời gian làm muối mỗi năm chỉ từ 3-5 tháng. Những tháng ngày nông nhàn bà con phải đi làm thuê: đào ao, bốc gạch ngói… xoay đủ nghề để kiếm sống.

Gia đình anh Phạm Văn Trường, xóm 4, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng từ nghề nuôi thuỷ sản và kinh doanh dịch vụ.
Gia đình anh Phạm Văn Trường, xóm 4, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng từ nghề nuôi thuỷ sản và kinh doanh dịch vụ.

Đến hiệu quả từ hướng đi đúng

Xác định rõ những khó khăn, tồn tại, ngay từ đại hội nhiệm kỳ 2000-2005, Đảng bộ xã Nghĩa Phúc đã tập trung thảo luận bàn hướng phát triển kinh tế; trọng tâm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, phát triển ngành nghề, khuyến khích các hộ nông dân chủ động cải tạo vườn tạp trồng màu. Hiện nay, diện tích sản xuất muối của xã là hơn 53ha, diện tích đất canh tác bình quân chỉ có 0,7 sào/khẩu. Năm 2011, sản lượng muối của xã đạt 4.000 tấn, năng suất bình quân đạt 75 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 5,8 tỷ đồng. Bên cạnh nghề sản xuất muối, thời gian qua, xã đã chuyển đổi được hơn 22ha đất vườn tạp trong khu dân cư sang trồng màu. Năm 2011, ngoài làm muối, các hộ dân còn trồng ngô, lạc, đậu tương và các loại rau; sản lượng các loại rau, màu đạt gần 100 tấn, đạt giá trị thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng; thu nhập từ chăn nuôi đạt 2,9 tỷ đồng; sản lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản đạt trên 160 tấn, thu nhập đạt 2,6 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế ở Nghĩa Phúc có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng CN-TTCN, dịch vụ, thương mại. Toàn xã hiện có trên 150 hộ kinh doanh dịch vụ, cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, xã có chính sách hỗ trợ về mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật… Năm 2011, toàn xã có 376 lượt hộ được vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cán bộ, đảng viên trong xã luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong phong trào thi đua lao động sản xuất. Tiêu biểu là gia đình đồng chí Lê Văn Được, Chủ tịch UBND xã là người tiên phong phát triển nuôi thủy sản, đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2011, với diện tích 2.000m2 mặt nước, anh Được đã nuôi cá bống bớp, đạt hơn 10 tạ cá thương phẩm, trừ chi phí, thu lãi trên 100 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Văn Trường, Bí thư chi bộ xóm 4 là tấm gương về làm kinh tế giỏi từ nuôi thủy sản và kinh doanh dịch vụ. Ngoài việc tổ chức thu mua muối cho diêm dân địa phương, anh Trường còn đầu tư xây dựng ao, đầm nuôi ngao và cá vược, cá mú. Năm 2011, gia đình anh đã “bao tiêu” hơn 2.000 tấn muối cho diêm dân trong xã, thu mua hơn 1,2 tấn cá thương phẩm, thu lãi trên 500 triệu đồng.

Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân trong từng thôn, xóm đang từng ngày khởi sắc. Xóm 6, xã Nghĩa Phúc là xóm đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng được công nhận danh hiệu làng văn hóa và 13 năm liên tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh. Ông Bùi Văn Lâm, xóm trưởng xóm 6 cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, chi bộ xóm 6 đã chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trồng rau màu, nuôi thuỷ sản. Đến nay, 100% số hộ trong xóm đã tham gia chuyển đổi sản xuất, diện tích đất màu trong khu dân cư được các hộ trồng cà chua, bí xanh, đậu tương, lạc, ngô. Một số hộ cải tạo diện tích ao đầm nuôi tôm, cá bống bớp, cá mú, cá vược cho hiệu quả cao gấp nhiều lần làm muối. Nhiều hộ dân trong xóm đầu tư chuồng trại, ao đầm phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, như gia đình các anh: Đỗ Quyết Thắng, Bùi Thiên Tạo, Vũ Văn Khoa, Nguyễn Xuân Thành… Đến nay hầu hết các hộ trong xóm có cuộc sống khá giả, số gia đình khá, giàu đạt 58%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6%.

Từ những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm, tỷ lệ hộ giàu tăng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc. Nhiều năm liên tục, Đảng bộ xã Nghĩa Phúc đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Toàn xã hiện có 8/8 xóm có nhà văn hóa; trên 80% số hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com