Phát triển công nghiệp dân doanh - Những kết quả bước đầu

09:11, 10/11/2010

Toàn tỉnh hiện có 1344 doanh nghiệp dân doanh (DNDD) gồm 782 Cty TNHH, 322 Cty cổ phần, 240 doanh nghiệp tư nhân và hàng nghìn hộ sản xuất CN-TTCN, tổng vốn đăng ký kinh doanh gần 3937 tỷ đồng với nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực như: cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… Những năm qua các DNDD đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.

Mỗi năm, xưởng thiết bị chế biến thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải (Trực Ninh) xuất xưởng 400-500 máy chế biến lương thực, thực phẩm tạo việc làm cho 100 lao động. Ảnh: Dương Đức
Mỗi năm, xưởng thiết bị chế biến thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải (Trực Ninh) xuất xưởng 400-500 máy chế biến lương thực, thực phẩm tạo việc làm cho 100 lao động.
Ảnh: Dương Đức

Chương trình phát triển CN-TTCN, làng nghề giai đoạn 2006-2010 của BCH Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) đã thực sự khuyến khích phát triển kinh tế dân doanh, kinh tế HTX, hộ cá thể và tổ sản xuất. Các cơ chế, chính sách về thủ tục hành chính, nguồn vốn vay thuận lợi, sử dụng đúng mục đích nên đã tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả. Đội ngũ doanh nhân đã đổi mới tư duy, phương pháp làm việc và khai thác tốt thị trường nên từng bước khẳng định vai trò là chủ thể trên đường hội nhập kinh tế hiện nay. Nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN theo quy mô hộ gia đình đã và đang tiến tới thành lập doanh nghiệp và nhiều  doanh nghiệp đã từng bước nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng và hiệu quả cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong 9 tháng năm 2010, toàn tỉnh có 61 doanh nghiệp mới thành lập, tập trung chủ yếu tại thành phố Nam Định và các huyện Ý Yên, Trực Ninh. Nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai các dự án đầu tư với số vốn từ 2 đến 15 tỷ đồng như: Cty TNHH Hợp Long (Hải Hậu), Cty may Nam Tiệp (TP Nam Định), Cty TNHH cơ khí đúc Thắng Lợi (CCN An Xá), Cty cổ phần gạch Đức Lâm, Cty cổ phần gạch Vạn Xuân (Vụ Bản)… Cty cổ phần tập đoàn TVT (Vụ Bản) đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ trị giá 60 tỷ đồng, hiện nay đã đầu tư 30 tỷ đồng. Cty cổ phần Haprosimex (Giao Thủy) đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu… Tính riêng 9 tháng năm 2010, mặc dù sản xuất công nghiệp dân doanh còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới song giá trị sản xuất vẫn đạt hơn  5259 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 78,99% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Trong đó, có 24/25 ngành sản xuất có bước tăng trưởng so với cùng kỳ như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 26,8%; sản xuất đồ uống tăng 41,4%; dệt tăng 16,5%; sản xuất sản phẩm da và các sản phẩm liên quan đến da tăng 21,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 24,6%; sản xuất kim loại tăng 29,6%... Các địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp dân doanh tăng cao so với cùng kỳ là thành phố Nam Định tăng 21,3%; huyện Nghĩa Hưng tăng 20,3%; huyện Nam Trực tăng 18,6%. Đến hết tháng 9-2010, toàn tỉnh đã có 20 CCN được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, với tổng số vốn 562,1 tỷ đồng, diện tích 338,9 ha. Đến nay, đã có 374 dự án đầu tư vào các CCN, trong đó có 164 doanh nghiệp, 2 HTX, 208 cơ sở, hộ gia đình, với tổng nguồn vốn đăng ký 2181,98 tỷ đồng, trong đó tổng nguồn vốn các dự án đã thực hiện là 1293 tỷ đồng. Các đơn vị đầu tư vào các CCN chủ yếu là DNDD, tạo việc làm cho trên 11 nghìn lao động. Tiêu biểu như Cty TNHH Mai Thanh, ở CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) chuyên sản xuất ống nhựa cao cấp, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động và hàng trăm lao động mùa vụ với thu nhập 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Cty cơ khí đúc Thắng Lợi ở CCN An Xá (TP Nam Định) đổi mới công nghệ đúc hút chân không, xây dựng phòng kiểm định và đầu tư lắp đặt nhiều trang thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. 9 tháng năm 2010, doanh thu của Cty ước đạt 15,7 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ, thu hút 85 lao động với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng…

Kết quả bước đầu trong sản xuất công nghiệp dân doanh đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất kinh doanh ở các DNDD còn nhiều hạn chế bởi thiếu vốn, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, giá nguyên vật liệu tăng cao… Các dự án đầu tư mới còn ít, nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng sản xuất cầm chừng. Các dự án đã và đang đầu tư chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, ít dự án lớn để tạo ra những yếu tố đột biến… Để công nghiệp dân doanh phát triển, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành và các địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Sự phối hợp hiệu quả của các ngành, nhất là ngành điện ưu tiên cung cấp điện cho các khu, CCN, làng nghề, và các doanh nghiệp. Thúc đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các khu, CCN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư mới; khuyến khích liên doanh, liên kết, thuê lại mặt bằng của các doanh nghiệp chưa sử dụng hết quỹ đất được giao. Tích cực vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục, triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và quốc gia. Đối với các DNDD cần chủ động khắc phục khó khăn, đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường./. 

Thanh Thủy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com