Ðổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong tình hình mới (kỳ 1)

07:10, 27/10/2021

Thực tế trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập thể luôn đóng vai trò quan trọng. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) kiểu mới hoạt động trên địa bàn tỉnh không chỉ tăng về số lượng mà còn đa dạng về loại hình, phát triển rộng khắp ở các ngành, lĩnh vực.

Nông thôn mới xã Trực Nội, huyện Trực Ninh.
Nông thôn mới xã Trực Nội, huyện Trực Ninh.

I. Hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao

Triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 16-4-2003 về tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế HTX nông nghiệp, diêm nghiệp theo Luật HTX. UBND tỉnh đã cụ thể Nghị quyết bằng Chương trình hành động với các nội dung: Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý, cơ chế tự chủ trong tổ chức sản xuất kinh doanh của các HTX cùng với cơ chế hỗ trợ sản xuất sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao như sản xuất lúa giống, lúa đặc sản, cây màu, cây vụ đông. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành và các chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các HTX. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của HTX; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và HTX.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh cân đối nguồn và triển khai kịp thời đảm bảo yêu cầu hỗ trợ thiết thực phát triển kinh tế tập thể, HTX tại địa phương; nhất là chính sách bồi dưỡng cán bộ HTX; chính sách hỗ trợ sản xuất cây vụ đông, cây rau màu chất lượng cao; phát triển thị trường hàng nông sản; hỗ trợ nâng cấp hạ tầng sản xuất; xây dựng quy hoạch vùng gắn với kiên cố hóa hạ tầng; thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX; thí điểm mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo cánh đồng lớn, mô hình sản xuất công nghệ cao… Do đó, kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển đột phá, hiệu quả ngày càng rõ nét. Hiện toàn tỉnh có 475 HTX trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế; trong đó có 366 HTX nông nghiệp; 30 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 1 HTX xây dựng; 3 HTX thương mại; 20 HTX vận tải; 13 HTX khác và 42 Quỹ tín dụng nhân dân. Tổng số thành viên HTX đến nay là 375.350 thành viên, có xu hướng giảm đều hàng năm do các HTX đã cơ bản thực hiện chuyển đăng ký thành viên là cá nhân sang đại diện là hộ thành viên. Số lao động làm việc trong khu vực HTX hiện tại là 7.420 lao động. Tổng vốn hoạt động của các HTX đến nay ước đạt 3.312 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các HTX năm 2021 ước đạt 1.136 tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 27 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động ước đạt 19 triệu đồng. Trên lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay có một số HTX doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm và lãi đạt trên 400 triệu đồng/năm; tiêu biểu như các HTX: Minh Tân, Lê Lợi, Hợp Hưng (Vụ Bản); Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Đóng góp của khu vực HTX nông nghiệp hàng năm chiếm từ 1,5-2% tổng sản phẩm của địa phương. Số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả hàng năm đều tăng, đặc biệt giai đoạn sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Kết quả rà soát, đánh giá phân loại HTX năm 2020 theo quy định của Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17-4-2017, toàn tỉnh có 300 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả (loại khá và tốt) chiếm 85% tổng số HTX. Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên dự kiến số HTX hoạt động có hiệu quả ước giảm còn 292 HTX.

Kiểm tra chất lượng, năng suất lúa mùa tại HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản.
Kiểm tra chất lượng, năng suất lúa mùa tại HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản.

Trong điều kiện ở các địa phương người dân có nhu cầu nhưng chưa thành lập được HTX, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh đã tích cực trong việc vận động thành lập và hỗ trợ hoạt động cho các tổ hợp tác giúp nhau làm kinh tế giỏi; tổ chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống; tổ vệ sinh môi trường... Số liệu tổng hợp sơ bộ cho thấy toàn tỉnh hiện có 65 tổ hợp tác đăng ký hoạt động theo quy định, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm 10 tổ hợp tác trồng trọt, 24 tổ hợp tác thuỷ sản, 15 tổ hợp tác chăn nuôi và 16 tổ hợp tác tổng hợp. Hoạt động của tổ hợp tác chủ yếu tập trung vào hỗ trợ vốn, sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau về thông tin và thị trường tiêu thụ sản phẩm, cùng vươn lên làm giàu, đề cao tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống và thoát nghèo. Mô hình tổ hợp tác phù hợp với nhu cầu của người nông dân, lao động giản đơn, mang tính chất thời vụ hoặc vụ việc, hợp tác với nhau theo hợp đồng hợp tác. Cơ chế tổ chức quản lý tổ hợp tác từng bước được hoàn thiện, chặt chẽ hơn. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác đến năm 2021 dự kiến đạt 480 triệu đồng/năm.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com