Huyện ủy Nghĩa Hưng tập trung lãnh đạo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế

08:11, 19/11/2020

Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng hiện có 72 tổ chức cơ sở đảng, 481 chi bộ cơ sở với 8.724 đảng viên. Từ nhiều năm nay, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy được đổi mới theo hướng hiệu quả, thiết thực. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành hoạt động thường xuyên, hành động tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tạo sự chuyển biến tích cực trong giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đang từng bước phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước.
Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đang từng bước phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước.

Đồng chí Sái Hồng Thanh, TUV, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, Thường trực, Ban Thường vụ và BCH Đảng bộ huyện luôn trăn trở tìm bước phát triển đột phá cho huyện trong 5 năm tới. Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy đã ban hành chương trình công tác trọng tâm toàn khóa gồm 3 nhóm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; 7 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện liên quan đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện tập trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước đột phá nhằm phát triển khu, cụm công nghiệp; khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển.

Với lợi thế huyện ven biển, nằm phía tây nam của tỉnh, có diện tích tự nhiên trên 25 nghìn km2, dân số gần 18 vạn người, nhiệm kỳ 2015-2020 Đảng bộ Nghĩa Hưng đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Huyện đã hoàn thành xây dựng và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng huyện Nghĩa Hưng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Rạng Đông đến năm 2040; quy hoạch chung khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040; rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung các thị trấn, quy hoạch nông thôn mới; các quy hoạch ngành, lĩnh vực, làm cơ sở để thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển của huyện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, trên địa bàn huyện đã thu hút được một số nhà đầu tư để đầu tư mới và mở rộng các khu, cụm, điểm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Tiêu biểu như: Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông đang được đầu tư, xây dựng giai đoạn I có quy mô diện tích gần 520ha, tổng kinh phí khoảng 4.700 tỷ đồng. Hiện nay, nhà đầu tư đang triển khai xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp và đã bàn giao 40ha đất cho tập đoàn Toray (Nhật Bản). Huyện hiện có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động gồm: Nghĩa Sơn, Nghĩa Thái, Nghĩa Minh, Nghĩa Lạc với tổng diện tích khoảng 50ha, thu hút trên 12 nghìn lao động và nhiều điểm công nghiệp hoạt động hiệu quả tại các xã: Nghĩa Lạc, Nghĩa Bình, thị trấn Rạng Đông. Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đảm bảo kết nối thuận lợi với các trục giao thông của tỉnh, của quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, thu hút đầu tư. Trong đó, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh được tập trung đầu tư trên địa bàn và hoàn thành đưa vào sử dụng gồm đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; Tỉnh lộ 487; đang tập trung thi công giai đoạn I tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 488C; tập trung giải phóng mặt bằng 60 hộ của dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Hiện huyện đã thu hút được 34 dự án, với tổng mức đầu tư trên 9.150 tỷ đồng gồm 31 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó có các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Bunda đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu tại xã Nghĩa Minh với quy mô khoảng 20ha, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng và đã thu hút được gần 8.000 lao động; Công ty cổ phần May Sông Hồng đầu tư xây dựng nhà máy may tại xã Nghĩa Thái với quy mô trên 6ha, tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, thu hút trên 2.200 lao động; Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đầu tư tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 200 triệu USD...

Trên nền tảng những thành tựu kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020,  giai đoạn 2020-2025, Huyện ủy Nghĩa Hưng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch được phê duyệt theo quy định. Triển khai lập quy hoạch phân Khu đô thị Rạng Đông và quy hoạch phân khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng quy hoạch phân khu hai bên đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường bộ ven biển đoạn qua huyện Nghĩa Hưng; hai bên kênh nối Đáy - Ninh Cơ đoạn qua xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc; điều chỉnh quy hoạch chung của các xã, thị trấn cho phù hợp với sự phát triển trong thời gian tới. Phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm lấp đầy giai đoạn I Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông để tiếp tục thực hiện giai đoạn II. Tiếp tục đầu tư các cụm công nghiệp tại các thị trấn: Liễu Đề, Quỹ Nhất và các xã: Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc với diện tích quy hoạch khoảng 70ha. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai một số dự án trọng điểm của tỉnh, của Trung ương có tính chiến lược sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: Giai đoạn II đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Nghĩa Hưng; Tỉnh lộ 488C... Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mạnh kinh tế biển; thu hút mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng kinh tế biển; xã hội hóa thu hút đầu tư để triển khai xây dựng khu chức năng phía nam và hình thành đô thị Rạng Đông theo quy hoạch được phê duyệt với hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ hỗn hợp, khu vui chơi giải trí, khách sạn, resort, sân golf... gắn với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư, nhất là các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa một cách thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com