Khơi nguồn truyền thống, điện ảnh Việt cần tiếp tục đổi mới để hội nhập quốc tế

05:03, 15/03/2019

Ngày 15-3-1953, tại Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và nhiếp ảnh Việt Nam. Từ đó, ngày 15-3 hàng năm trở thành ngày Điện ảnh Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nguồn: bqllang.gov.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nguồn: bqllang.gov.vn

Nghệ thuật thứ bảy xâm nhập vào Việt Nam rất sớm. Ngay từ cuối thế kỷ 19, khoảng năm 1898, ở Hà Nội và phía Nam đã xuất hiện những buổi chiếu phim đầu tiên và được dân chúng rất mến mộ. Năm 1923, người Việt cùng người Pháp đã sản xuất bộ phim truyện đầu tiên có tên “Kim Vân Kiều”. Khoảng hai năm sau, chúng ta đã có những hãng phim tư nhân đầu tiên với tên tuổi của các nghệ sĩ kiêm nhà sản xuất, như: Nguyễn Lan Hương, Đàm Quang Thiện, Nguyễn Văn Nam ở miền Bắc. Phía Nam, các nhà làm phim, như: Nguyễn Văn Đinh, Nguyễn Phương Danh, Nguyễn Tấn Giầu... đã cho ra mắt những bộ phim: “Một buổi chiều trên sông Cửu Long”, “Trọn với tình”, “Thầy pháp râu đỏ”... Những bộ phim này gắn liền với đời sống của đồng bào vùng sông nước Nam Bộ. Một số nghệ sĩ khác, như: Khương Mễ, Mai Lộc, Nguyễn Thế Đoàn... đã tham gia kháng chiến, thành lập Điện ảnh khu 8. Nhiều bộ phim được hoàn thành trong điều kiện hết sức khó khăn, như: “Trận La Bang”, “Chiến dịch Trà Vinh”, “Hết đời đế quốc”... được quân, dân Nam Bộ đón nhận nồng nhiệt. Ở Hà Nội, năm 1953, Công ty Kim Chung đã làm bộ phim “Kiếp hoa” gây tiếng vang lớn. Những bộ phim làm cùng thời gian này, như: “Nghệ thuật và hạnh phúc”, “Phạm Công - Cúc Hoa”... đã làm nên tên tuổi các nghệ sĩ như Kim Xuân, Ngọc Thùy...

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, tại núi rừng Việt Bắc, các nhà điện ảnh Việt Nam đã cõng trên lưng chiếc máy chiếu phim để phục vụ đồng bào trung du, miền núi. Kỹ sư Phan Nghiêm đã mày mò chế tạo ra máy quay phim ghi lại những hình ảnh chân thực của Bác Hồ và các chiến sĩ. Những bộ phim tài liệu, như: “Hội nghị quân sự Trung Giã”, “Tiếp quản Thủ đô”... phản ánh kịp thời và chân thực hiện thực cao đẹp của quân dân ta. Tiếp nối truyền thống này, trong kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm nghệ sĩ làm công tác quay phim và chiếu bóng đã mang phim đến các chiến trường, những điểm nóng bỏng nhất phục vụ bộ đội và đồng bào vùng tuyến lửa. Hơn 200 liệt sĩ điện ảnh anh dũng ngã xuống đã nói lên những hy sinh lớn lao của ngành điện ảnh Việt Nam. Những bộ phim như: “Vợ chồng A Phủ”, “Lửa trung tuyến”, “Một ngày đầu thu”, “Con chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Người chiến sĩ trẻ”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”... đã phản ánh cuộc sống và chiến đấu của quân dân ta trong kháng chiến cứu quốc vô cùng phong phú. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ trong Nam đến ngoài Bắc, từ thiếu niên đến phụ nữ... đâu đâu cũng bừng lên ý chí đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập. Đề tài đấu tranh thống nhất đất nước, một đề tài mới mẻ, nhưng rất thời sự đã được các nhà làm phim thể hiện một cách độc đáo và mạnh mẽ trong bộ phim “Chung một dòng sông”. Cho đến nay, bộ phim luôn có giá trị như tuyên ngôn của các nhà điện ảnh lấy phương châm phục vụ Tổ quốc và nhân dân làm cương lĩnh sáng tạo.

Một buổi chiếu phim tài liệu cho học sinh ở Thành phố Nam Định. Ảnh: Viết Dư
Một buổi chiếu phim tài liệu cho học sinh ở Thành phố Nam Định. Ảnh: Viết Dư

Trong thời kỳ bao cấp, mặc dù khó khăn, nhưng các nghệ sĩ điện ảnh vẫn tràn đầy nhiệt huyết sáng tạo. Dư âm của cuộc kháng chiến vĩ đại, độ lùi của thời gian và không gian đã giúp các nghệ sĩ quan sát đề tài chiến tranh cách mạng đa diện hơn, sâu sắc hơn. Đặc biệt, bộ phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Hồng Sến với các diễn viên Lâm Tới, Thúy An đã đưa điện ảnh Việt Nam lên tầm quốc tế. Hình ảnh đôi vợ chồng với đứa con nhỏ trên vùng sông nước ngày đêm chống chọi với trực thăng Mỹ là hình ảnh biểu tượng bất khuất của người Việt Nam trong chiến tranh.

Lòng yêu nước đã thúc đẩy sức sáng tạo của các nghệ sĩ, điện ảnh Việt Nam nở ra những bông hoa muôn sắc. Những tác phẩm bất tử của Ngô Tất Tố và Nam Cao lần đầu được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa lên màn ảnh như “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”; đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng cho ra mắt chùm phim xuất sắc, như: “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”. Ở miền Nam, cùng với nhiều phim khác, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã hoàn thành bộ phim “Ván bài lật ngửa” gồm 8 tập, nói về quá trình hoạt động dũng cảm, mưu trí trong lòng địch của người chiến sĩ tinh báo Nguyễn Thành Luân.

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam luôn không ngừng phát triển, đổi mới. Các nhà làm phim không chỉ tập trung vào hai đề tài là chiến tranh cách mạng và lao động sản xuất, mà còn khai thác những đề tài khác. Sự xuất hiện của bộ phim “Vị đắng tình yêu” do Lê Xuân Hoàng đạo diễn đã gây nên cơn sốt trong giới sinh viên và tuổi trẻ cả nước. Lần đầu tiên, những trò tinh nghịch của tuổi học đường, ước mơ và tình yêu trong sáng được thể hiện sinh động trên màn ảnh.

Khi đề án chấn hưng điện ảnh được Chính phủ phê duyệt, chủ trương xã hội hóa điện ảnh đi vào cuộc sống đã cho ra đời hàng trăm hãng phim tư nhân, các nhà làm phim Việt kiều về nước cũng thổi vào điện ảnh Việt Nam một luồng gió mới. Điện ảnh Việt ngày càng chứng tỏ sức sống của mình với mỗi năm sản xuất được 50-60 phim truyện, hàng trăm phim tài liệu, hàng nghìn tập phim truyền hình cùng sự xuất hiện của những tài năng, nhà làm phim trẻ, mới và tâm huyết.

Đến nay, chủ trương xã hội hóa điện ảnh đã được nhìn nhận khá xác đáng. Tháng 1-2019, tại Hội nghị tổng kết của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nhiều đại biểu của ngành điện ảnh đã nêu ý kiến về việc mất cân bằng trong việc làm phim. Bởi đa số các hãng phim tư nhân đều đổ xô làm phim thương mại với hai thể loại chính: Phim hài và phim hành động. Nhiều hãng phim còn mua kịch bản nước ngoài, sau đó “Việt hóa”, nhưng tỷ lệ thành công không nhiều. Trong khi đó, các hãng phim Nhà nước với nhiệm vụ chính là làm phim tuyên truyền về con người Việt, văn hóa Việt lại không được quan tâm đúng mức, không nhận được phim đặt hàng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, Nhà nước cần có kế hoạch đặt hàng cụ thể để hai dòng phim chính thống và thương mại cùng phát triển. Hiện nay, hai bộ phim được Nhà nước đặt hàng là “Lính chiến” và “Truyền thuyết vể Quán Tiên” ca ngợi lòng dũng cảm, vẻ đẹp của người lính và các nữ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang gấp rút hoàn thành. Hy vọng những bộ phim mang vẻ đẹp con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục giao lưu, hội nhập với điện ảnh khu vực và quốc tế./.

Theo Đoàn Tuấn (Báo QĐND)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com