Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

07:03, 13/03/2019

Sáng ngày 12-3, tiếp tục Chương trình làm việc phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật; xin ý kiến đại biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tại các phiên họp lần thứ 31 và 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật của Chính phủ; xem xét, thảo luận về Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật đã được chỉnh lý; gửi, tiếp thu ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về dự thảo Luật đã được chỉnh lý.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp.

Báo cáo về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường công lập, trường dân lập (đối với giáo dục mầm non) và trường tư thục. Trường tư thục được phân loại theo nguồn gốc chủ sở hữu vốn, gồm trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư; theo tính chất hoạt động, gồm trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường theo hướng chỉ chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 46). Đối với mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục, không phân biệt trường công lập, trường tư thục. Về quan điểm chung, theo tinh thần của Hiến pháp, Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên tập trung chăm lo giáo dục đại trà một cách chuẩn mực và bồi dưỡng tài năng; đảm bảo công bằng trong quyền tiếp cận giáo dục, từng bước phổ cập giáo dục, trong đó quan tâm giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Theo đó, Dự thảo Luật không quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) chất lượng cao để bảo đảm môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong các cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời quy định khuyến khích phát triển mô hình trường dân lập, tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao nhằm huy động sự chia sẻ, tham gia của cộng đồng, của xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học (Điều 17). Về mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong xã hội luôn tồn tại các loại hình trường và cơ sở giáo dục khác nhau. Theo đó, Dự thảo Luật giữ nguyên quy định về trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương theo tinh thần Nghị quyết của Đảng (Điều 33). Về quy định mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa GDPT, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã sắp xếp, bổ sung các quy định cụ thể về các yêu cầu cơ bản của chương trình, sách giáo khoa GDPT; về việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành sách giáo khoa. Các nội dung chi tiết và trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục của Luật và phù hợp với thực tiễn (Điều 31).

Liên quan đến quy định chương trình, sách giáo khoa GDPT bảo đảm thống nhất trong toàn quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình GDPT và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Đối với các quy định liên quan đến nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vấn đề chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm luôn được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng. Hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương. Vì vậy, Dự thảo Luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp (Điều 77). Việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo, về đặc thù ngành giáo dục và quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hoá trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới trên nguyên tắc quy định bởi Luật này. Về việc quy định rõ về yêu cầu, tiêu chuẩn và chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong cơ sở giáo dục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đây là một ý kiến xác đáng. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh quy định về hiệu trưởng, quy định được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học và đạt chuẩn hiệu trưởng (Điều 55). Đối với giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong các cơ sở giáo dục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định ở văn bản dưới luật để phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của cơ sở giáo dục theo từng loại hình, từng cấp học.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã tiếp thu theo hướng những vấn đề ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm sẽ được quy định cụ thể trong Luật; những vấn đề khác sẽ được quy định trong văn bản dưới luật để đảm bảo tính linh hoạt và khả thi. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); cho rằng các nội dung của dự thảo luật đã tiếp thu được tối đa các ý kiến góp ý từ phiên họp trước, bám sát các Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa hơn nữa các nội dung quy định của dự thảo Luật. Quan tâm đến nội dung quy định về sách giáo khoa, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhận định, đây là vấn đề lớn, có nhiều sự quan tâm của các đại biểu và cử tri cả nước. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, hiện nay vấn đề sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, nhiều loại sách tham khảo buộc học sinh phải mua đang gây phản ứng không tốt trong xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định mỗi một môn học đều có một hoặc một số sách giáo khoa và cơ sở giáo dục lựa chọn dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh cũng gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến việc quy định như vậy có thể phù hợp với bậc học cấp 3 nhưng lại chưa cần thiết đối với bậc học mầm non và bậc tiểu học, có thể sẽ gây lãng phí. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại quy định này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất, nên xây dựng một bộ sách giáo khoa chính thống do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các chuyên gia, các tổ chức xã hội… có thể tham gia biên soạn các loại sách tham khảo theo đúng tinh thần xã hội hóa, để người học lựa chọn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là một nội dung quan trọng, trong thời gian tới cần phải đưa vào hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận thêm.  Ngoài ra, trước thực trạng xã hội có nhiều vụ việc tiêu cực về hành vi ứng xử của giáo viên đối với học sinh, một số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung thêm các điều cấm chung; đồng thời quy định rõ nghĩa vụ và quy chế đạo đức của giáo viên vào ngay dự thảo Luật.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa trước khi thảo luận các nội dung lớn của dự thảo Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 4-4 tới. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cùng phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện toàn diện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)./.

Theo quochoi.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com