Khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo

07:06, 04/06/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 1-6, tại Nhà QH, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại một số luật liên quan.

Tránh lợi dụng kẽ hở chính sách, lợi ích nhóm

Qua thảo luận, nhiều đại biểu QH đánh giá cao việc Chính phủ chuẩn bị dự án luật này, tán thành với tờ trình dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Các đại biểu QH cho rằng, cần thiết phải ban hành luật này và đồng ý với đề nghị thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc tạo ra khoảng trống pháp lý khi triển khai thi hành Luật Quy hoạch - có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến tán thành với tên gọi như tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tên gọi của dự án luật còn dài, đề nghị cân nhắc điều chỉnh gọn hơn, đơn giản theo thông lệ quốc tế. Các đại biểu cũng đã cho ý kiến phân tích, làm rõ hơn các quy định cụ thể. Luật Quy hoạch được QH thông qua đã quy định các nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch, trong đó quy định quy hoạch phải bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, tuân thủ hệ thống quy hoạch quốc gia. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.

Các đại biểu đã phân tích cụ thể nội dung quy định tại điều 5 của Luật Quy hoạch, quy định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm có: quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Theo đó, phụ lục 2 quy định: Quy hoạch xây dựng là một trong 38 loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là hai quy hoạch thuộc quy hoạch xây dựng là trái với Luật Quy hoạch... Ngoài ra, một số đại biểu chỉ ra nhiều nội dung thuộc các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác như giao thông, cấp thoát nước, môi trường... cũng được quy định trong Luật Xây dựng là không phù hợp. Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bỏ toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng để tránh tình trạng quy hoạch chồng lấn, gây lãng phí nguồn lực. Thời gian tới, cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách. Bên cạnh đó, đề nghị bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, tuân thủ nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch quy định tại Luật Quy hoạch, tránh gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân...

Nhiều đại biểu phản ánh thời gian qua tình trạng điều chỉnh quy hoạch làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, gây bức xúc trong xã hội. Điển hình là việc điều chỉnh xây dựng các chung cư cao tầng trong nội đô, cho phép điều chỉnh chức năng công ích của nhiều diện tích đất trong quy hoạch dành cho giáo dục, y tế... làm biến dạng quy hoạch, phá vỡ kết cấu hạ tầng, đề nghị cần có quy định để làm rõ vấn đề này trong dự thảo luật. Cho ý kiến về nội dung dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nêu một trong những nguyên tắc quan trọng của hoạt động quy hoạch bảo đảm sự ổn định, tránh gây xáo trộn cho doanh nghiệp và người dân. Đây được xem là một trong những mục tiêu được đề ra khi ban hành Luật Quy hoạch. So với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định thêm hình thức điều chỉnh cục bộ với thủ tục đơn giản hơn. Tuy nhiên, trường hợp áp dụng phạm vi và mức độ điều chỉnh theo hình thức này lại chưa được quy hoạch cụ thể.

Nhất trí với tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự luật đã làm rõ được các loại quy hoạch, bỏ yêu cầu căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khi lập quy hoạch, thay bằng quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng hay quy hoạch tỉnh tương ứng. Đồng thời, chỉnh sửa, bổ sung các căn cứ về điều chỉnh quy hoạch, cung cấp thông tin, lấy ý kiến công khai quy hoạch hoặc bãi bỏ quy định trái với Luật Quy hoạch. Đề cập những nội dung liên quan quy hoạch đô thị và nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung như dự thảo là phù hợp. Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) thống nhất nguyên tắc việc rà soát các quy hoạch để sửa đổi, bổ sung phải lấy Luật Quy hoạch làm chuẩn. Mỗi loại quy hoạch có nhiệm vụ riêng, ở các cấp độ khác nhau. Theo đại biểu, cần làm rõ phạm vi, nội dung, đối tượng của quy hoạch xây dựng, xác định lại khái niệm quy hoạch xây dựng được nêu trong Luật Xây dựng, qua đó làm rõ phạm vi, nội dung, đối tượng của quy hoạch xây dựng mới xác định được mối quan hệ giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch ngành, quốc gia, quy hoạch tỉnh.

Giải trình một số nội dung quan trọng được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát theo tinh thần những gì trùng với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác thì loại bỏ, còn những nội dung, quy định hợp lý, không trùng lặp thì giữ lại. Các quy định của Luật Xây dựng nói rõ các loại quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch. Về đề xuất bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu bỏ ngay từ đợt này, không chờ sửa các luật khác liên quan. Quá trình điều chỉnh quy hoạch sẽ được rà soát chặt chẽ hơn, không để diễn ra tình trạng quy hoạch tùy tiện.

Bảo đảm quốc phòng - an ninh trong công tác đo đạc và bản đồ

Chiều cùng ngày, QH đã nghe nội dung Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Chăn nuôi; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ, các ý kiến của đại biểu QH cơ bản nhất trí với các điều khoản của dự án luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần xem xét, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm các vấn đề như quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước cũng như công tác cân đối tài chính dành cho việc đo đạc và bản đồ. Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, trong quá trình đo đạc, khai thác, sử dụng bản đồ bắt buộc phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm bí mật Nhà nước. Bởi hệ thống cơ sở dữ liệu về đo đạc và bản đồ thuộc loại tài liệu đặc biệt, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng cần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên xem xét, bổ sung các điều khoản quy định về nguyên tắc bảo đảm bí mật Nhà nước trong các hoạt động đo đạc và bản đồ.

Trong khi đó, một số ý kiến đại biểu lại bày tỏ lo ngại về việc áp dụng, “quy chuẩn” và “tiêu chuẩn” trong dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), dự thảo luật quy định: “quy chuẩn kỹ thuật” do Nhà nước ban hành và bắt buộc áp dụng, còn “tiêu chuẩn kỹ thuật” được tổ chức công bố và tự nguyện áp dụng. Để bảo đảm nguyên tắc kế thừa, chia sẻ và dùng chung các sản phẩm đo đạc và bản đồ, tránh lãng phí và gây bất cập cho các địa phương bắt nguồn từ việc đo đạc không theo quy chuẩn, cần tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm đo đạc và bản đồ. Đồng thời, tất cả các hoạt động đo đạc bản đồ cơ bản cũng như chuyên ngành buộc phải áp dụng “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” chứ không phải “tiêu chuẩn kỹ thuật”; trong trường hợp các lĩnh vực đo đạc và bản đồ thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì có thể áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật...

Thứ bảy ngày 2-6 và chủ nhật ngày 3-6, QH nghỉ.

Thứ hai, ngày 4-6-2018, QH làm việc tại hội trường. QH sẽ nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu QH. Phiên họp này sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin, để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com