Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương 2017

07:11, 15/11/2016

Với 82,15% đại biểu tán thành, sáng 14-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Theo đó, tổng số thu và chi cân đối ngân sách Trung ương năm 2017 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 729.730 tỷ đồng (bảy trăm hai mươi chín nghìn, bảy trăm ba mươi tỷ đồng). Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng (bốn trăm tám mươi hai nghìn, bốn trăm năm mươi tỷ đồng).

Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 902.030 tỷ đồng (chín trăm linh hai nghìn, không trăm ba mươi tỷ đồng), trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng (hai trăm năm mươi tư nghìn, sáu trăm ba mươi tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết quy định việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 theo từng lĩnh vực và chi tiết từng bộ, cơ quan Trung ương; quy định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết
về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Nghị quyết nêu rõ, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 được giữ ổn định trong suốt thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Trường hợp đặc biệt phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách tác động tăng thu ngân sách địa phương lớn, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước.

Nghị quyết giao Chính phủ: Giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2017 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước trước ngày 31-12-2016; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển, ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư. Trong quá trình điều hành, bổ sung vốn đầu tư và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu có tỷ lệ điều tiết giảm trong giai đoạn 2017-2020, tạo điều kiện cho các địa phương này phát huy vai trò động lực kinh tế cho cả nước.

Chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2017; đồng thời phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để nâng mức đóng góp của ngân sách địa phương trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Nhà nước ban hành.

Đối với các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù do HĐND cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Điều 30 Luật Ngân sách Nhà nước, phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách địa phương được giao hằng năm và nguồn tài chính khác để thực hiện.

Cũng trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 14-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thủy lợi.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủy lợi cho biết, nhiệm vụ phát triển thủy lợi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và xác định phát triển thủy lợi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đưa đến những tác động nặng nề cho toàn cầu nói chung và cho Việt Nam nói riêng.

Kể từ khi Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi được ban hành, Pháp lệnh đã cơ bản đi vào cuộc sống; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi từ đó đã có ý thức chấp hành pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; công tác kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi đã phát sinh một số bất cập, trong đó nổi lên là: Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi chỉ quy định áp dụng đối với công trình đã xây dựng và được đưa vào khai thác. Các luật như Luật Đê điều năm 2006 là luật chuyên ngành về lĩnh vực đê điều mà đê điều là công trình thủy lợi đặc thù có nhiệm vụ ngăn nước lũ, nước biển dâng, Luật này chỉ quy định áp dụng đối với các tuyến sông, tuyến bờ biển có đê; các tuyến sông, tuyến bờ biển, hải đảo chưa có đê hoặc không thể xây dựng đê thì Luật này không điều chỉnh. Luật Tài nguyên nước năm 2012 có đề cập đến một số nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại do nước gây ra, nhưng không có nội dung liên quan đến lĩnh vực thủy lợi.

Bên cạnh đó, một số hoạt động về lĩnh vực thủy lợi, như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hiện tại chưa được điều chỉnh ở các văn bản pháp luật, các hoạt động về thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng chưa được đề cập.

Nguồn lực để phát triển thủy lợi hiện chủ yếu do Nhà nước đầu tư, trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ là trở lực lớn, chưa có quy định về huy động nguồn lực của xã hội theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chưa có quy định thống nhất về mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi. Chưa quy định quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi…

“Để khắc phục được các bất cập nêu trên; đồng thời, nhằm thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng trong các Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc khóa X, khóa XI và XII về phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, việc xây dựng để ban hành Luật Thủy lợi là thực sự cần thiết”, Tờ trình nêu vấn đề.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Thủy lợi; đồng thời khẳng định, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định thực tiễn thực thi trên 20 năm của Pháp lệnh; nội dung dự thảo về cơ bản đã thể chế hóa được quan điểm đổi mới của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác thủy lợi như quan điểm xã hội hóa công tác thủy lợi, chuyển từ cơ chế quản lý “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” để hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, phục vụ đa ngành, đa mục tiêu; đáp ứng yêu cầu quản lý thủy lợi hiện nay…

Đề cập đến những vấn đề cụ thể, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật để bảo đảm việc quản lý được toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, không chồng chéo với các luật đã ban hành.

Vấn đề về dịch vụ thủy lợi là một vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Các đại biểu nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” để bảo đảm hiệu quả khai thác, sử dụng nước, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm.

Liên quan đến quản lý Nhà nước về vấn đề thủy lợi, nhiều ý kiến nhấn mạnh, quản lý thủy lợi là vấn đề quan trọng của quốc gia, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với thủy lợi có tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện ở vai trò đầu tư khai thác công trình thủy lợi, điều tiết khai thác, sử dụng và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi… Do đó, việc quản lý thủy lợi và các hoạt động liên quan đến nước cần bảo đảm sự thống nhất; có quy định phân công rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi…

Ngoài ra, vấn đề về bảo đảm an toàn hồ đập; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quy hoạch thủy lợi… cũng là những nội dung lớn được nhiều đại biểu đề cập.

Dự án Luật Thủy lợi được xây dựng gồm có 9 chương, 72 điều quy định về: Điều tra cơ bản, Chiến lược, Quy hoạch thủy lợi. Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Quản lý, khai thác công trình thủy lợi. An toàn công trình thủy lợi. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động về thủy lợi gồm. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi...

Buổi chiều, Quốc hội họp riêng, thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và nghe báo cáo về tình hình Biển Đông./.

Tin, ảnh: chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com