Biểu quyết thông qua các Nghị quyết và thảo luận một số dự án Luật

07:11, 11/11/2016

Ngày 9-11, kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc.

Trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020) và biểu quyết thông qua Nghị quyết với đa số đại biểu QH tán thành. 

Theo đó, phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84 đến 85% tổng thu ngân sách Nhà nước. Tổng chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25 đến 26% tổng chi ngân sách Nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách Nhà nước. Ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách Trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách Nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối ngân sách Nhà nước tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép…

Nghị quyết nêu 9 nhóm giải pháp và nhiệm vụ cần thực hiện, đáng chú ý là: Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính và cơ chế tài chính quốc gia nhằm tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách Nhà nước, nhất là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; hạn chế đến mức thấp nhất cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn...

Trước đó, đầu giờ làm việc buổi sáng, QH đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch. Theo đó, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Luật Quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thật sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển. Dự thảo Luật Quy hoạch được thiết kế gồm 6 chương, 68 điều.

Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch, nhiều đại biểu quan tâm việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Theo đó, cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch. Một số đại biểu đề nghị Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về lập quy hoạch tổng thể quốc gia vì có nhiều quốc gia nhờ quy hoạch tốt mà thực hiện thành công CNH, HĐH. 

Thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nhiều đại biểu quan tâm những quy định về đối tượng áp dụng (Điều 2). Có đại biểu cho rằng, đối tượng áp dụng như quy định của dự thảo Luật là quá rộng, nhất là khi nguồn lực hiện nay của Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ tất cả. Vì vậy, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, quy định ưu tiên chọn lựa hỗ trợ nhóm doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về nội dung này, có đại biểu nhất trí quy định của dự thảo Luật, theo đó đối tượng áp dụng gồm doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí xác định DNVVN. Có ý kiến đề nghị, bổ sung đối tượng áp dụng bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể vì số lượng hộ kinh doanh hiện nay là khá lớn, có đóng góp cho nền kinh tế.

Một số đại biểu cho rằng, Luật này được ban hành sẽ tồn tại song song với nhiều luật khác, trong đó có những quy định về hỗ trợ DNVVN. Đáng chú ý, trong Luật Đầu tư đã có những quy định ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn. Dự án Luật Hỗ trợ DNVVN lại quy định hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp. Như vậy, cần làm rõ có phải là doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ “kép” hay không? Có đại biểu nêu rõ, thực tế các cơ quan chức năng, địa phương triển khai chưa tốt việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của DNVVN, doanh nghiệp còn thiếu thông tin, lúng túng, bị động khi muốn tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Vì vậy, dự thảo Luật cần có nội dung khắc phục những hạn chế nêu trên. 

Đầu giờ làm việc buổi chiều, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Báo cáo cho biết, việc ban hành Nghị quyết nêu trên không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại, mà còn tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội; nhất là nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tiếp đó, các đại biểu QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh (ĐTKD) có điều kiện của Luật Đầu tư. Theo Tờ trình, danh mục ngành, nghề ĐTKD có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư gồm 267 ngành, nghề thuộc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, thi hành Luật Đầu tư thời gian qua đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện, do một số ngành, nghề quy định tại danh mục này không còn cần thiết và phù hợp; một số ngành, nghề ĐTKD có điều kiện quy định tại danh mục còn chưa rõ ràng, thiếu cụ thể và chính xác cả về tên gọi cũng như nội dung, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho cả cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc áp dụng và tuân thủ điều kiện ĐTKD.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh vệ, phần lớn các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật chưa sát thực tế. Trong đó, quy định lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an có 6 nhiệm vụ, lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng có 3 nhiệm vụ là chưa phù hợp. Lực lượng cảnh vệ thuộc hai Bộ nêu trên cùng thực hiện nhiệm vụ như nhau, cho nên cần quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của hai lực lượng như nhau, để tạo cơ sở pháp lý cho hai Bộ phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ; tránh đùn đẩy trách nhiệm. Đề cập đến đối tượng bảo vệ, đại biểu Đỗ Văn Chiến (Tuyên Quang) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay tình hình khủng bố, phá hoại diễn biến phức tạp, dự thảo Luật nên quy định mở rộng đối tượng và địa bàn được bảo vệ.

Đề cập việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhiều đại biểu đồng tình Tờ trình và Báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đối tượng áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử như Tờ trình là quá rộng. Nên nghiên cứu, chỉ áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử với một số nước; sau đó, tổng kết, rút kinh nghiệm rồi tiến tới mở rộng đối tượng cấp thị thực điện tử. Theo các đại biểu, trong khi hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam chưa đủ mạnh, việc kết nối mạng rất dễ dẫn đến lỗ hổng an ninh mạng, vì vậy, việc cấp thị thực điện tử cần theo lộ trình hợp lý hơn…

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục, ngành, nghề ĐTKD có điều kiện của Luật Đầu tư, đại biểu Vũ Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, Tờ trình về Luật chưa nêu rõ tính cấp bách, chưa thực hiện đầy đủ quy trình ban hành văn bản pháp luật. Một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật nên quy định rõ hơn để bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bình đẳng phát triển sản xuất, kinh doanh...

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-11, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với 444/454 đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 89,88% tổng số đại biểu QH.

Theo Nghị quyết, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương là 1.120.000 tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng, vốn trong nước 820 nghìn tỷ đồng, trong đó phát hành 260 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (bao gồm 60 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng; Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880 nghìn tỷ đồng.

Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo mức quy định sau: Dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành Trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.

Theo Nghị quyết, bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 43.119 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng.

Bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Bố trí 80 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia. QH sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cụ thể cho từng dự án quan trọng quốc gia sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình QH quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.

Nghị quyết cũng nêu rõ các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm trong từng dự án theo quy định của Chính phủ.

Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trường hợp cần thiết ứng trước, phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước. Mức vốn ứng trước của từng dự án không vượt quá mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải bảo đảm có nguồn thanh toán các khoản vốn ứng trước.

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chung chưa phân bổ chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách Nhà nước được đảm bảo theo kế hoạch và được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và phải báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Bố trí phần vốn ngân sách Nhà nước và tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình, dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.

Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Bảo đảm chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án để khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, không bảo đảm quy định của pháp luật, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác; chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về đầu tư công đã được QH, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quyết định. Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay.

Buổi chiều QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) và họp riêng để nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com