Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới

08:10, 11/10/2016

Nguyễn Anh Tuấn
Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ,
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ

Trong những năm qua, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nam Định luôn được tăng cường và đổi mới, tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về công tác dân vận. Các cấp ủy Đảng đã nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Nhiều chủ trương, giải pháp về công tác dân vận của Đảng bộ được chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn của tỉnh với trọng tâm là “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện. Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu, nòng cốt thực hiện hiệu quả công tác dân vận”. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn và củng cố. Nội dung hoạt động của công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trong tỉnh, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận, Ban TVTU đã ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về sự phối hợp giữa các tổ chức trong thực hiện công tác dân vận của Đảng bộ. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định “Nâng cao chất lượng công tác dân vận, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận xã hội”. Ban TVTU đã xây dựng chương trình hành động “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; triển khai thực hiện các quyết định của Bộ Chính trị “về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã lãnh đạo cấp ủy cơ sở tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận. Đặc biệt nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết xây dựng chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát về công tác dân vận, trọng tâm là việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, công tác dân vận chính quyền và công tác tôn giáo. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm việc tiếp tục triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức… Vai trò tham mưu và phối hợp hoạt động của khối dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, các định hướng lớn của tỉnh ngày càng chủ động và đạt nhiều kết quả… Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng NTM đã vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu thực hiện, lựa chọn những phần việc cụ thể, tạo nên sự lan toả trong đông đảo các tầng lớp nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác tôn giáo được chú trọng và thực hiện có hiệu quả thông qua việc vận động, tranh thủ các chức sắc, đồng bào tôn giáo thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là “Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, tạo đột phá trong phát triển kinh tế… Tăng cường khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội”. Từ kết quả đạt được, công tác dân vận của Đảng bộ cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Xác định rõ vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới, qua đó nâng cao nhận thức và hành động cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nắm vững mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Nắm chắc tình hình, tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân để phản ánh và kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh có liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Hai là: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy Đảng xây dựng nghị quyết về công tác dân vận gắn với chương trình hành động thực hiện nghị quyết, các đề án, chuyên đề cụ thể, thiết thực, sát hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, địa phương và cơ sở. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy về công tác dân vận. Chú trọng công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, trọng tâm là thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể về trách nhiệm, phong cách; thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trên tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Ba là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với MTTQ và các đoàn thể nhân dân nhất là ở cơ sở, trọng tâm là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên, đoàn viên tham gia các chương trình, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở cơ sở gắn với xây dựng NTM, xây dựng thành phố trung tâm vùng. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; triển khai thực hiện có hiệu quả, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của hệ thống chính trị.

Bốn là: Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Vận động các chức sắc, chức việc và đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bài học kinh nghiệm về công tác dân vận của Đảng đã khẳng định “Công tác dân vận luôn gắn chặt với công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh của dân, do dân, vì dân”. Xác định rõ nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận tỉnh nhà phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com