Phiên họp thứ 40 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Bỏ quy định đặt tên không vượt quá 25 chữ cái

08:08, 19/08/2015
Sáng 18-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
 
Về dự án Bộ luật Dân sự, liên quan đến vấn đề quyền đặt tên (Điều 26), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bỏ quy định “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” do chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp. “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
 
Tán thành với việc không hạn chế đặt tên bao nhiêu chữ, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc đặt tên phải phù hợp với dân tộc, địa phương, địa bàn, tập quán, nếu không phù hợp thì cơ quan hộ tịch cần hướng dẫn cho người dân. Bộ trưởng dẫn chứng pháp luật các nước quy định đặt tên chặt chẽ, không có tình trạng đặt tên phản cảm, tên lai căng nước ngoài như thời gian qua ở nước ta. “Ở nước Nga rộng mênh mông nhưng nhìn thấy chữ đệm biết ngay tên của bố”, Bộ trưởng nói.
 
Liên quan đến nội dung điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản, dự thảo Bộ luật quy định: Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì Tòa án có thể sửa đổi hợp đồng theo yêu cầu của các bên hoặc chấm dứt hợp đồng theo yêu cầu của một bên.
 
Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến không tán thành việc bổ sung quy định về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản với lý do Tòa án không thể can thiệp vào sự tự do ý chí, tự nguyện giao kết hợp đồng của các bên.
 
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng: Trong trường hợp này, nên để cho chủ thể quyết định, các bên có quyền thỏa thuận thay đổi, điều chỉnh, miễn là phù hợp với pháp luật.
 
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Tống Anh Hào nêu quan điểm, nếu giao cho Tòa án điều chỉnh nội dung 2 bên đã thỏa thuận thì rất khó cho việc thực hiện, bởi vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của các bên. Theo Phó Chánh án, nếu các bên không thỏa thuận được, Tòa án không có quyền sửa đổi hợp đồng mà chỉ có thể tuyên đình chỉ hợp đồng.
 
Cũng trong sáng qua, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).
 
Về Ban quản lý và khai thác cảng (Điều 142), dự thảo Bộ luật Hàng hải quy định: Ban quản lý và khai thác cảng (chính quyền cảng) là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao.
 
Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc: Dự thảo chưa làm rõ bản chất của Ban quản lý cảng. Theo quy định của dự thảo thì tổ chức này vừa có chức năng quản lý Nhà nước, vừa có chức năng đầu tư xây dựng, khai thác cảng. Như vậy có thể dẫn tới chồng chéo với chức năng quản lý Nhà nước của Cảng vụ hàng hải và chính quyền địa phương.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ: Hiến pháp 2013 vừa thông qua không có mô hình chính quyền cảng, vì vậy không nên thành lập cơ quan này, bởi dẫn đến sự chồng chéo với chức năng chính quyền địa phương.
 
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng cho rằng: Nếu đặt tên lại “chính quyền cảng” sẽ phải báo cáo cấp có thẩm quyền, như vậy quy trình dài, cần cân nhắc. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ tác động của Bộ luật này đối với việc bảo đảm an ninh hàng hải, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển; chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế trên biển, dịch vụ logicstick…
 
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Ban quản lý và khai thác cảng được Nhà nước giao một số quyền chứ không phải là cơ quan quản lý, hoạt động độc lập, không có sự chồng chéo với các cơ quan khác.
 
Nêu rõ thời gian qua, một số địa phương đã cấp phép quá nhiều cảng dẫn đến đầu tư không hiệu quả, cạnh tranh không lành mạnh, manh mún, nhất là dịch vụ hậu cần. Việc áp dụng mô hình này nhằm tạo bước đột phá để tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác cảng biển, khắc phục những hạn chế về đầu tư manh mún, khắc phục đầu tư dàn trải như một số cảng biển hiện nay. Đây cũng là mô hình thành công của nhiều nước trên thế giới.
 
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cho rằng, nội dung hoạt động hàng hải rất rộng nhưng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Bộ luật chỉ giới hạn nên phần lớn vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải chưa được điều chỉnh, dẫn đến việc quản lý, xử lý rất khó khăn, như: hiện tượng buôn bán dầu ở trên biển. Thiếu tướng bày tỏ mong muốn, Bộ luật điều chỉnh rộng hơn để có công cụ cho lực lượng thực thi pháp luật hoạt động tốt hơn.
 
Chiều qua (18-8), trước khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc, UBTVQH đã thảo luận lần đầu về dự thảo Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi).
 
Dự thảo Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) quy định đại biểu QH có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp QH, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của QH.
 
Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu QH gửi văn bản đến Tổng thư ký QH, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch QH.
 
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quy định này chưa đề cao được trách nhiệm của đại biểu QH.
 
“Đại biểu của nhân dân mà họp thấy hội trường vắng hoe. Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài. Có những đại biểu chức trách không lớn lắm vẫn dự họp không thường xuyên. Do đó, quy định này cần chặt chẽ hơn”, ông Giàu đề nghị.
 
Về quy định việc điểm danh tại phiên họp toàn thể được thực hiện bằng hệ thống điểm danh điện tử, đại biểu QH không điểm danh thay đại biểu QH khác, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, nội dung này chưa cụ thể.
 
“Trường hợp thẻ vẫn cắm ở đó thì khi bật lên hệ thống cũng tự điểm danh hoặc cũng có khi đại biểu nhờ người khác cắm thẻ điểm danh hộ. Do đó, dự thảo cần có chế tài chặt chẽ hơn”, ông Giàu nêu ý kiến.
 
Ông Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng quy định lý do vắng mặt tại kỳ họp phải được gửi bằng văn bản đến Tổng thư ký QH là chưa phù hợp mà trước tiên phải gửi trưởng đoàn đại biểu.
 
Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho rằng quy định về gửi lý do xin vắng mặt chưa khả thi.
 
Ông Dũng đề nghị phân loại vắng mặt bao lâu: một buổi, một ngày, dài ngày hay toàn kỳ họp để người xin vắng báo cáo Trưởng đoàn, Tổng thư ký kỳ họp hay Chủ tịch QH.
 
Nhấn mạnh việc bố trí đi nước ngoài vào kỳ họp QH là không được, trừ trường hợp đoàn cấp cao, cấp Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị quy định trách nhiệm của đại biểu dự họp cho rõ.
“Đại biểu QH và những người liên quan đến kỳ họp mà không thực hiện đúng nội quy thì phải thế nào chứ! Kỳ họp phải nghiêm túc, toàn tâm, toàn ý, chất lượng”, Chủ tịch QH nói. 
 
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị Nội quy bổ sung quy định: Phiên họp toàn thể chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu QH tham dự.
 
Quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, tăng cường kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tham dự đầy đủ kỳ họp của đại biểu QH, khắc phục tình trạng vắng số lượng lớn đại biểu QH trong nhiều phiên họp toàn thể.
 
Đồng thời, quy định trên cũng tạo điều kiện để thực hiện khả thi hơn quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức QH về nguyên tắc xác định kết quả biểu quyết tại kỳ họp. Về nguyên tắc, khi không quy định tỷ lệ bắt buộc này, QH phải tiến hành phiên họp trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp số đại biểu dự họp chỉ có từ 50% trở xuống thì khi đó QH sẽ không thể tiến hành phiên họp biểu quyết, vì chắc chắn không đạt được tỷ lệ tán thành cần thiết.
 
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, trong điều kiện QH nước ta có nhiều đại biểu QH kiêm nhiệm, nếu quy định như vậy sẽ có thể xảy ra trường hợp phải dừng phiên họp toàn thể do không đủ 2/3 số đại biểu tham dự. Như vậy sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm thực hiện đúng chương trình kỳ họp QH.
 
“Dự thảo Nội quy giữ như quy định hiện hành, tức không quy định tỷ lệ đại biểu tham dự là một điều kiện tiến hành phiên họp toàn thể”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết./.
 
Theo dangcongsan.vn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com