Phiên họp thứ 40, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Thảo luận về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân

08:08, 12/08/2015

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, sáng 11-8, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Không được ủy quyền trả lời chất vấn

Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thành viên UBTVQH. Trong dự án luật này, một trong những vấn đề được cho ý kiến nhiều là về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn (các Điều 16, 27, 61, 70).

Qua thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tại Điều 80 của Hiến pháp và Điều 32 của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp UBTVQH trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, UBTVQH cho trả lời bằng văn bản. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoạt động của Quốc hội, HĐND ở nước ta và phù hợp với quy định tại Điều 80 của Hiến pháp, dự thảo Luật đã quy định về việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn theo hướng UBTVQH, Thường trực HĐND xem xét trên cơ sở cân nhắc một cách toàn diện các vấn đề có liên quan. Đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp, nếu đại biểu chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn thì tiếp tục chất vấn lại về nội dung đã chất vấn; người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được ủy quyền cho người khác trả lời thay (các Điều 16, 27, 61 và 70 của dự thảo luật).

Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng, về chất vấn và trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND, phiên họp UBTVQH, phiên họp Thường trực HĐND như trong dự thảo trình Quốc hội là chưa thể hiện đúng quy định của Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, quy định tại Điều 16 của dự luật là rất hẹp so với Hiến pháp. Tại Điều 80 của Hiến pháp quy định rất rộng là có quyền chất vấn các chủ thể chứ không nói về thời gian, không gian, do đó luật cần ghi nhận quyền này.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đều đồng tình với quan điểm trên. Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, nếu theo quy định của Hiến pháp thì được chất vấn cả ngoài kỳ họp Quốc hội nhưng dự luật chưa đề cập đến nội dung này.

Giải thích làm rõ thêm vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, quyền và đối tượng chất vấn đã được quy định rõ trong Hiến pháp. Theo ông, “ở đây có hai quyền, thứ nhất là chất vấn không đơn thuần để nắm thông tin, mà để quy trách nhiệm. Thứ hai, chất vấn là để nắm thông tin, người bị chất vấn phải trả lời”.

Quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước

Những vấn đề nào đưa ra trưng cầu ý dân? Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân? Cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân? Thế nào là một cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ?... là những vấn đề được quan tâm khi UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.

Trong đó, về những vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân (Điều 6), cơ quan thẩm tra cho rằng, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu thực tế, vào điều kiện, hoàn cảnh tại từng thời điểm. Mặt khác, Hiến pháp cũng đã quy định việc xác định vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, trong luật chỉ nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân mà không nên quy định cứng, giới hạn các vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 7), cơ quan thẩm tra đề nghị UBTVQH cho giữ quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương. Bởi Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. Nếu chỉ thực hiện việc trưng cầu ý dân trong phạm vi một địa phương cụ thể thì có thể dẫn đến kết quả mang tính cục bộ, phiến diện, không phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân cả nước. Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì không thực hiện trưng cầu ý dân mà áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế - kỹ thuật có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân...

Những đề xuất trên của cơ quan thẩm tra được nhiều thành viên UBTVQH đồng tình. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, dự luật quy định một cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ là quá rộng. Cụ thể, dự luật quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, nếu theo quy định này, chỉ cần 25% số cử tri có tên trong danh sách đi bầu thì cuộc trưng cầu ý dân đã là hợp lệ. Theo ông, dự luật nên quy định ít nhất 70% số cử tri có tên trong danh sách đi bầu.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cũng phân tích quy định như dự luật có thể xảy ra hai vấn đề, một là số phiếu hợp lệ có thể chiếm rất ít, hai là tỷ lệ như vậy sẽ không mang tính đại diện. "Do đó, nên quy định cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ khi trên 60% tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.

Buổi chiều, UBTVQH tiếp tục thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com