Quốc hội biểu quyết thông qua 8 dự thảo Luật và thảo luận 4 dự án Luật

08:11, 28/11/2014

Ngày 26-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ ba mươi mốt. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua các dự thảo: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); thảo luận dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua các dự thảo Luật: Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; thảo luận dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Với 84,91% tổng số đại biểu QH tán thành, QH đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương và 76 điều. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ QH đã báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, làm rõ hơn một số vấn đề qua thảo luận còn ý kiến khác nhau. Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6), Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo thống nhất với các bộ, ngành hữu quan thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn sáu ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật.

Tiếp đó, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 213 điều, với 85,51% tổng số đại biểu QH tán thành. Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ QH đã làm rõ thêm về một số vấn đề qua thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau. Về đề nghị bổ sung nội dung về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với NTM trong khái niệm về doanh nghiệp xã hội, Ủy ban Thường vụ QH cho biết: Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với nông dân, NTM đáp ứng các tiêu chí nêu trên là doanh nghiệp xã hội sẽ được hưởng ưu đãi, khuyến khích theo quy định.

Các đại biểu QH thảo luận dự án Luật KTNN (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu QH đề nghị quy định thời hạn tối đa đối với một cuộc kiểm toán để bảo đảm minh bạch, tạo thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán. Về công khai báo cáo của cuộc kiểm toán (Điều 58), ngoài các báo cáo kiểm toán trong lĩnh vực bảo mật, một số đại biểu QH đề nghị bổ sung quy định báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Cho ý kiến thảo luận về nhiệm kỳ của Tổng KTNN và Phó Tổng KTNN, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và một số đại biểu đề nghị quy định nhiệm kỳ của Tổng KTNN theo nhiệm kỳ của QH; khi hết nhiệm kỳ, Tổng KTNN tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi QH bầu Tổng KTNN. Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị giữ nhiệm kỳ của Tổng KTNN và Phó Tổng KTNN là bảy năm như Luật hiện hành.

Đầu phiên họp buổi chiều, QH đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với 423 đại biểu tán thành, đạt 85,11% tổng số đại biểu QH. Tiếp đó, QH thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với 366 đại biểu tán thành, đạt 73,64% tổng số đại biểu QH. QH cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế với 425 đại biểu tán thành, đạt 85,51% tổng số đại biểu QH.

Đại biểu  Nguyễn Anh Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến tại Hội trường.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến tại Hội trường.

Thảo luận về dự án Luật ATVSLĐ, các đại biểu cho rằng, hiện nay, nội dung về Luật này được quy định trong quá nhiều văn bản luật của các bộ, ngành khác nhau: Bộ luật Lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Công đoàn, Luật Hợp tác xã... và nhiều văn bản do Chính phủ ban hành. Các văn bản này tuy khá đầy đủ, nhưng phân tán, tạo ra một hệ thống phức tạp, chồng chéo, gây khó khăn khi thực thi. Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp chưa nghiêm, mang tính chất chống đối, dẫn đến số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) ngày càng tăng. Vì vậy, việc xây dựng một đạo luật riêng về ATVSLĐ thống nhất về một mối là điều cần thiết.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật là việc mở rộng phạm vi áp dụng cho cả người lao động (NLĐ) ở khu vực chưa có quan hệ lao động. Các đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng với cả khu vực lao động tự do là cần thiết. Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) và một số đại biểu khác cho biết, hiện nay cả nước có hơn 60 nghìn doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa kể các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu vực nông nghiệp. Đây chính là khu vực có máy móc thiết bị chưa hiện đại, quy trình sản xuất chưa chặt chẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ, trong khi đó 60% số NLĐ tham gia sản xuất ở khu vực này. Do vậy, đề nghị cần có một chương riêng về ATVSLĐ ở các khu vực chưa có quan hệ lao động, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích NLĐ ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn ATVSLĐ, hạn chế nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cao.

Băn khoăn về tính khả thi của việc mở rộng lực lượng thanh tra ATVSLĐ tới cấp huyện, các đại biểu Hà Thị Vân (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, lực lượng này chưa đủ năng lực, kỹ thuật bảo đảm công tác thanh tra chuyên ngành cũng như sẽ làm phình bộ máy. Vì vậy, đề nghị tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng thanh tra các bộ, ngành, nhất là các sở, ngành địa phương nhằm nâng cao năng lực bám sát cơ sở đạt hiệu quả. Gắn với phân cấp, quản lý ATVSLĐ kiểm tra tốt trong cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, sáng hôm qua, 27-11, các đại biểu QH đã thông qua hai dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi).

Đây là hai dự án Luật đã được các đại biểu QH cho ý kiến từ kỳ họp trước, được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản tổ chức, bộ máy của hai lực lượng QĐND và CAND nhằm thể chế hóa Hiến pháp và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng QĐND và CAND chính quy, tinh nhuệ, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Với 363 đại biểu tán thành (bằng 73,04% tổng số đại biểu QH), QH đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành, tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Dự án Luật được thông qua đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu QH về quy định đối với cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; trần quân hàm Chỉ huy trưởng Quân sự cấp tỉnh theo hướng trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất là Trung tướng, Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá để thống nhất với quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an cấp tỉnh.

Dự án Luật CAND (sửa đổi) được thông qua với 357 đại biểu tán thành (chiếm 71,83% tổng số đại biểu QH).

Sau khi ban hành, Luật CAND (sửa đổi) sẽ mở đường cho việc hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng CAND, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Luật được thông qua đã quán triệt các kết luận chỉ đạo liên quan đến thẩm quyền, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, phong, thăng, giáng chức quân hàm trong lực lượng CAND hiện nay.

Luật cũng quy định chặt chẽ việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm tướng CAND; thống nhất cấp bậc hàm tương đương giữa Công an, Quân đội tại các tỉnh, thành phố đặc thù trực thuộc Trung ương.

Đáng chú ý, Luật CAND (sửa đổi) nâng cao vai trò, địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an xã nhằm phát huy kết quả hoạt động tích cực của lực lượng này trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội thời gian qua.

Về trần quân hàm, Luật CAND (sửa đổi) thống nhất chức danh Thứ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có trần quân hàm Thượng tướng. Cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng. Trần quân hàm Trưởng Công an cấp quận tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội là Thượng tá.

Cũng trong buổi sáng, QH đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo cần hướng đến mục tiêu xử lý thỏa đáng những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.

Cụ thể như tình trạng thời gian qua, một số văn bản được ban hành mà không rõ mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách, dẫn đến những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết hoặc nội dung dự thảo không đúng với chủ trương, định hướng của người có thẩm quyền ban hành văn bản.

Có đại biểu đề nghị việc xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải nâng cao được chất lượng văn bản pháp luật của các bộ, ngành; tránh tình trạng nhiều chính sách vẫn dành thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản.

Bên cạnh đó, phải khắc phục tình trạng tồn tại nhiều năm qua là luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời với hiệu lực của luật dẫn đến nợ đọng văn bản hướng dẫn, chậm giải quyết.

Liên quan đến vấn đề trưng cầu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng luật, có đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải xây dựng cơ chế lấy ý kiến phù hợp, dễ triển khai để việc lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp thực sự có hiệu quả và thực chất.

Chiều 27-11, QH đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề đã được đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Xung quanh luật này, vẫn còn 2 vấn đề mà đại biểu QH còn nhiều băn khoăn. Thứ nhất là vấn đề mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật. Thứ hai là việc nên giao cho Bộ LĐ-TB và XH hay Bộ GD và ĐT quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cho biết, với vấn đề thứ nhất, đa số ý kiến của đại biểu tán thành việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật và sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đưa trình độ cao đẳng về bậc giáo dục nghề nghiệp là chưa phù hợp với quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ đã lý giải bằng 4 luận điểm.

Thứ nhất, việc hợp nhất các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp thành ba trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng là nhằm thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng như tạo thuận lợi cho việc quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 6-6-2014.

Thứ hai, việc sắp xếp lại các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp là dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về đào tạo nghề nghiệp. Với mục tiêu phát triển năng lực thực hành và kỹ năng nghề nghiệp cho người học, các trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng (cả chuyên nghiệp và nghề) được nhiều quốc gia trên thế giới xếp vào bậc giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, nghiệp vụ trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, dịch vụ. Còn ở Việt Nam, các trình độ trung cấp, cao đẳng hiện đang bị phân tách thành 2 bộ phận do 2 bộ quản lý. Trong đó, Bộ LĐ-TB và XH quản lý hệ thống dạy nghề với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Còn Bộ GD và ĐT quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Hơn thế, cao đẳng hiện đang được xếp là một trình độ đào tạo thuộc giáo dục đại học. Trong khi đó, về bản chất, các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề đều thực hiện đào tạo theo định hướng thực hành nghề nghiệp và đều chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, dịch vụ.

Việc phân tách trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung đối với các trình độ đào tạo trung cấp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề như hiện nay dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo trong tổ chức đào tạo cũng như dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, xuất phát từ tình hình thực tiễn, việc hợp nhất các trình độ nhằm một mặt khắc phục những bất cập nêu trên, tạo sự thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân; mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương trình độ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về đào tạo nghề nghiệp.

Thứ ba, việc đổi mới này nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ quan có thẩm quyền liên quan, kể cả Chính phủ, các bộ liên quan, Uỷ ban Thường vụ cũng như các trường, các chuyên gia, nhà khoa học.

Thứ tư, việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh và hợp nhất các trình độ đào tạo như quy định trong dự thảo Luật không tạo ra xung đột pháp lý mà vẫn bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Do đó, Uỷ ban Thường vụ đề nghị QH chấp thuận cho giữ quy định sẽ hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề.

Về cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, vì còn ý kiến khác nhau nên Uỷ ban Thường vụ đã gửi Phiếu xin ý kiến đại biểu QH về vấn đề này. Kết quả, trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114 phiếu (chiếm tỉ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB và XH làm đầu mối quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 99 phiếu (chiếm tỷ lệ 29,4%) đề nghị giao cho Bộ GD và ĐT; 96 phiếu (chiếm tỷ lệ 28,6%) đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và có 27 phiếu (chiếm tỷ lệ 8%) ý kiến khác.

Như vậy, ý kiến đại biểu QH về vấn đề này chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% đại biểu QH nhất trí.

“Lãnh đạo QH và lãnh đạo Chính phủ đã trao đổi và thấy rằng, vấn đề này chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi ở thời điểm này. Vì vậy, sau khi trao đổi, thống nhất với các cơ quan liên quan, Uỷ ban Thường vụ đề nghị QH cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật Dạy nghề hiện hành là: giao cho Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ”, đại diện Uỷ ban Thường vụ QH cho biết.

Cũng trong chiều 27-11, QH đã thảo luận về dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com