Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (*)

07:07, 11/07/2014

Phát biểu của đồng chí ĐOÀN HỒNG PHONG
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp

Kính thưa:

- Chủ tọa kỳ họp;
- Các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu tham dự kỳ họp;

Thưa toàn thể nhân dân.

Trước hết, thay mặt UBND tỉnh, tôi cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh đã đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong 6 tháng đầu năm 2014; đồng thời quan tâm đến những nội dung tại kỳ họp. Tôi xin được làm rõ hơn một số nội dung trong báo cáo và giải trình những ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh.

I. MỘT SỐ KẾT QUẢ nổi BẬT TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2014:

1. Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2014, bên cạnh những mặt thuận lợi, chúng ta cũng còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận, dịch bệnh và diễn biến phức tạp ở Biển Đông... Nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của MTTQ và hoạt động tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp; kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn giữ được sự ổn định, GDP tăng 10,4% so với cùng kỳ, một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển tích cực: Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, thu ngân sách... đều đạt trên 50% kế hoạch năm. Hoạt động văn hóa, y tế, TDTT, GD và ĐT tiếp tục đạt thành tích mới; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

2. Trong 6 tháng đầu năm, đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 9.340 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng tuyến Quốc lộ 37B đoạn từ Thị trấn Ngô Đồng đến Thị trấn Gôi; đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý; tỉnh lộ 489 đoạn từ Thị trấn Xuân Trường đến Thị trấn Ngô Đồng; đường 485 huyện Ý Yên. Tích cực đôn đốc chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ GPMB và thi công các công trình: Quốc lộ 38B, tỉnh lộ 488C, dự án phát triển giao thông đường thủy khu vực đồng bằng Bắc Bộ (WB6); Dự án Nhà thi đấu đa năng, bể bơi có mái che và các hạng mục để phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.

3. Chương trình mục tiêu xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM đến nay đã đạt trên 6.250 tỷ đồng; các hộ nông dân đã góp 2.809ha đất nông nghiệp (tương đương 5.618 tỷ đồng), hiến gần 200ha đất thổ cư (tương đương 1.000 tỷ đồng)... Trong 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đã có: 12 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 11 xã đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí; 14 xã đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí; 56 xã đạt từ 12-16 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí, tăng bình quân 8-9 tiêu chí/xã. Công tác DĐĐT được triển khai tích cực, 175/200 xã (87,5%) và 2.914/3.009 thôn, đội (96,8%) đã giao xong đất tại thực địa. Đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được 4.296km đường giao thông nông thôn; đào đắp được 5.319km đường giao thông nội đồng; xây mới và cải tạo, nâng cấp được 431 nhà văn hóa thôn, 50 chợ, 46 trụ sở xã, 1.407 phòng học, 73 bãi xử lý rác thải...

4. Tiếp tục quan tâm đầu tư, xây dựng Thành phố Nam Định trung tâm vùng. Thành phố Nam Định đã được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn là một trong những đô thị lớn, nằm trong tốp dẫn đầu về các tiêu chí: Sáng - xanh - sạch - đẹp - cấp, thoát nước tốt - xử lý rác thải - hạ tầng cấp điện.

5. Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục đạt được thành tích mới: Tỉnh Nam Định đứng thứ 5 toàn quốc về số lượng học sinh giỏi trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2013-2014; trong đó có 5 em đoạt giải nhất, xếp thứ nhất toàn quốc.

6. Các cấp, các ngành tiếp tục tập trung cao cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại và giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Chúng ta đã chủ động đấu tranh, phòng ngừa các hành động lợi dụng biểu tình, gây rối an ninh trật tự có liên quan đến vấn đề về Biển Đông; đảm bảo an ninh, an toàn cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế như trong báo cáo đã nêu, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân để sớm khắc phục, nhất là sự quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp.

II. NHIỆM VỤ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2014:

6 tháng cuối năm 2014, kinh tế cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng của tình hình Biển Đông và biến đổi khí hậu dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp. Do đó, chúng ta phải tập trung các nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014. Để đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; thay mặt UBND tỉnh, tôi yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực đã được đề ra trong báo cáo. Tôi nhấn mạnh vào một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó có bao hàm cả các vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm thảo luận tại kỳ họp như: Về môi trường và xử lý rác thải; quản lý di tích, lễ hội; quản lý đê điều và các công trình thủy lợi; xử lý xe quá tải, quá khổ; xây dựng NTM đối với các xã, thị trấn nằm ngoài 96 xã, thị trấn trong kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm, cụ thể như sau:

1. Tạo điều kiện tối đa cho phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 27-5-2014 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2014-2015. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng theo hướng chỉ đạo ngành Ngân hàng, có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để mở rộng quy mô, tăng trưởng tín dụng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường tiền tệ. Tổ chức thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đối thoại kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp. Đổi mới phương thức và cách thức thu hút vốn đầu tư; tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với nhà đầu tư Hàn Quốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện tại Hải Hậu. Sớm tìm kiếm, thu hút được nhà đầu tư có đủ năng lực để tiếp nhận, tiếp tục đầu tư lấp đầy KCN Mỹ Trung. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút các nhà đầu tư lớn vào đầu tư hạ tầng các KCN của Khu kinh tế Ninh Cơ, lấp đầy các khu, CCN đã có và đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn.

2. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Triển khai mạnh mẽ chính quyền điện tử, coi đây là bước đột phá trong cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng hoạt động cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Thực hiện chủ trương các cấp, các ngành đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và nhanh chóng hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai và đầu tư.

3. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng NTM. Tăng cường công tác tuyên truyền và nhân rộng các mô hình tốt trong sơ kết 3 năm xây dựng NTM. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đóng góp của nhân dân cho NTM; không khởi công mới các công trình khi chưa đủ thủ tục, chưa có vốn. Đối với các xã, thị trấn nằm ngoài kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015: Giao UBND các huyện, thành phố rà soát, hoàn thiện quy hoạch, lập Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Đối với các xã, thị trấn có nhu cầu và có khả năng thực hiện sớm việc xây dựng NTM thì bắt đầu từ năm 2015, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ cho các xã, thị trấn này theo cơ chế như giai đoạn 2010-2015 với mức 8 tỷ đồng/xã, thị trấn để xây dựng NTM. Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và từng bước triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Quyết tâm giành thắng lợi vụ đông cả về diện tích, cơ cấu, năng suất và sản lượng. Tăng cường công tác quản lý đê điều và khai thác các công trình thủy lợi, kịp thời ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang đê điều và khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, công trình thủy lợi. Chủ động phòng, chống lụt bão, giảm thiệt hại ở mức cao nhất cho nhân dân.

4. Triển khai thực hiện tốt Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013. Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2014. Tích cực thực hiện dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Xây dựng Đề án nhân rộng mô hình xử lý rác thải tiên tiến bằng lò đốt rác để thay thế cho việc xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải tại các xã, thị trấn nhằm tiết kiệm chi phí và đất đai.

5. Hoàn thành Quy hoạch chi tiết phát triển hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý. Lập Quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ. Chỉ đạo các huyện, thành phố hoàn thành việc bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiến hành nghiên cứu và kêu gọi đầu tư, triển khai bước đầu trong đầu tư dài hạn xây dựng tuyến đường bộ mới nối từ Khu kinh tế Ninh Cơ với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình theo kết luận chỉ đạo của Ban TVTU.

Tập trung huy động và khai thác triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công các công trình trọng điểm: Đường 488C; Quốc lộ 38B; Dự án đường nối cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A; tỉnh lộ 488 đoạn từ 488C đến Thị trấn Thịnh Long; tỉnh lộ 490C đoạn từ Km51 đến Km55; dự án WB6; dự án cầu vượt đường sắt Ninh Bình... Hoàn thành đưa vào sử dụng nhà thi đấu đa năng và các công trình phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014. Tích cực tranh thủ sự hỗ trợ vốn của Trung ương để tiếp tục triển khai dự án Bệnh viện 700 giường.

6. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển đô thị và xây dựng Thành phố Nam Định hiện đại, bền vững, từng bước đáp ứng đầy đủ 6 chức năng trung tâm vùng và vai trò hạt nhân phát triển của khu vực Nam đồng bằng sông Hồng.

7. Tăng cường các biện pháp quản lý để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN; phấn đấu thu vượt dự toán NSNN năm 2014. Các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2015.

8. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Duy trì và phát triển thành tích đã đạt được của ngành GD và ĐT, Y tế, VH, TT và DL. Tích cực chỉ đạo công tác quản lý di tích, quản lý lễ hội theo tình hình thực tế hiện nay. Tăng cường liên hệ với các bộ, ngành Trung ương đề nghị UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt” là Di sản phi vật thể nhân loại. Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, tạo dấu ấn tốt đẹp cho đại biểu, vận động viên và Ban Tổ chức về tỉnh Nam Định - Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

9. Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT và kiềm chế tai nạn giao thông, giảm cả ba tiêu chí về ATGT; xử lý nghiêm tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ. Tăng cường đối thoại, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc trên địa bàn các huyện Ý Yên, Nam Trực. Hoàn thành công tác tuyển quân năm 2014. Tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nắm bắt và theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông để triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ và chủ động các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.

Kính thưa chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân!

III. VỀ Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI:

Tôi xin báo cáo, trả lời theo các nhóm ý kiến sau:

1. Nhóm ý kiến về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, NTM:

1.1. Cử tri các huyện đề nghị tỉnh tạo điều kiện cung cấp nguồn giống tốt cho sản xuất nông nghiệp vì hiện nay đang phụ thuộc vào giống lúa của Trung Quốc bị sâu bệnh nhiều, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lương thực.

Nhu cầu giống lúa hằng năm của tỉnh ta khoảng 5.500 tấn/năm, trong đó nhu cầu giống lúa lai khoảng 1.000 tấn, lúa thuần khoảng 4.500 tấn. Toàn bộ lượng giống lúa thuần được sản xuất trong nước nên chúng ta hoàn toàn chủ động về nguồn giống này; riêng giống lúa lai vẫn còn khoảng 50-70% phải nhập từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, do một số giống lai trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của nông dân trong tỉnh. Để khắc phục những hạn chế của bộ giống lúa lai, thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Sở NN và PTNT tích cực du nhập, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh để thay thế các giống có năng suất thấp, hay bị sâu bệnh. Đặc biệt tỉnh đang triển khai Chương trình hỗ trợ cho Cty TNHH Cường Tân đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, chọn tạo giống, mua bản quyền giống lúa tốt cho tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Cty Syngenta xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai (đã đi vào hoạt động). Do đó, những năm tới sẽ có thêm nhiều giống lúa để khảo nghiệm, đánh giá và đưa vào cơ cấu gieo trồng của tỉnh.

Trước mắt, trong vụ mùa năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, các xã, thị trấn không đưa giống Bắc thơm 7 (một số nơi gọi là tám Trung Quốc) vào gieo cấy và thay thế bằng giống khác theo hướng dẫn của ngành NN và PTNT để giảm thấp nhất thiệt hại do bệnh bạc lá gây ra.

1.2. Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị tỉnh hỗ trợ các hộ dân có diện tích lúa bị chết do rét đậm, rét hại trong sản xuất vụ xuân năm 2014.

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 10 đến 20-2-2014 đúng vào cao điểm gieo cấy vụ xuân đã làm cho nhiều diện tích lúa mới cấy bị thiệt hại. Ngay sau đợt rét đậm, rét hại, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT cùng các địa phương tổ chức đánh giá, phân loại, tổng hợp thiệt hại và UBND tỉnh đã báo cáo Chính phủ và Bộ NN và PTNT đề nghị hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khi nhận được kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ, UBND tỉnh sẽ phân bổ cho các huyện, thành phố để hỗ trợ cho nông dân.

1.3. Cử tri các huyện Xuân Trường, Trực Ninh đề nghị tỉnh ưu tiên dành toàn bộ tiền từ nguồn cấp quyền sử dụng đất để các xã, thị trấn xây dựng NTM.

Về việc này, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 8601 ngày 27-6-2014 hướng dẫn các địa phương phân cấp nguồn thu để lại cho xã để đầu tư các công trình; trong đó có đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện theo phân cấp nguồn thu cho ngân sách xã đã được HĐND tỉnh quyết định vào năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015. Việc điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết tiền thu cấp quyền sử dụng đất cho các xã, thị trấn sẽ được nghiên cứu, xem xét báo cáo HĐND tỉnh vào năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020.

2. Nhóm ý kiến về đất đai và môi trường.

2.1. Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn chuyển đổi đất hai lúa kém hiệu quả sang hình thức sản xuất khác.

UBND tỉnh giao Sở TN và MT căn cứ vào Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để nghiên cứu, soạn văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện.

2.2. Cử tri huyện Mỹ Lộc đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Trạm bơm Quán Chuột.

UBND tỉnh đã giao UBND Thành phố Nam Định lập dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Thành phố Nam Định và hiện đang tìm kiếm nguồn kinh phí đầu tư cho dự án.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị vận hành Trạm bơm Quán Chuột phải: Tăng cường nạo vét, khơi thông các cống thoát nước; đưa nước thải qua các hồ xử lý trước khi thải vào kênh chính; việc bơm đổ nước ra sông Hồng phải bơm sau thời điểm trạm bơm của Cty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định bơm hút nước sông Đào vào Trạm xử lý nước sạch. Như vậy, khi bơm nước từ Trạm bơm Quán Chuột đổ ra sông Hồng sẽ được hòa loãng, giảm nồng độ các thông số, giảm thiểu tác hại đến nguồn cấp nước của Cty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định.

2.3. Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị tỉnh sớm ban hành quy định về khoảng cách từ bãi chứa, xử lý rác thải đến khu dân cư gần nhất khi các địa phương áp dụng công nghệ lò đốt rác thải.

Việc ban hành quy định về khoảng cách từ lò đốt rác đến khu dân cư thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy định này.

2.4. Cử tri các huyện Nam Trực, Vụ Bản đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để làm hồ sơ địa chính sau DĐĐT cho các hộ dân.

Theo Nghị quyết số 146 ngày 10-12-2010 của HĐND tỉnh khóa XVI và Quyết định số 31 của UBND tỉnh về việc quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu cho các cấp ngân sách thời kỳ ổn định 2011-2015 thì tỷ lệ điều tiết số thu tiền sử dụng đất sau khi trích 30% lập Quỹ phát triển đất theo quy định, phần còn lại điều tiết cho cấp huyện là 20%, cấp xã là 50%; trong đó, cấp huyện, cấp xã phải dành 10% để chi cho công tác quy hoạch, đo đạc địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các công việc liên quan đến quản lý đất đai.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Nam Trực, Vụ Bản chỉ đạo các xã, thị trấn phải sử dụng nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất đã điều tiết cho các cấp ngân sách để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên.

3. Nhóm ý kiến về Tài chính - Ngân hàng:

3.1. Cử tri các huyện tiếp tục đề nghị tỉnh ban hành quy định để điều chỉnh nâng mức thu phí vệ sinh (rác thải) trên địa bàn nông thôn để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; đồng thời xem xét điều chỉnh nâng mức thu phí trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp ban hành từ năm 2007 hiện không còn phù hợp.

- Theo Nghị quyết số 54 ngày 8-12-2006 của HĐND tỉnh thì: Mức thu phí vệ sinh tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đối với các hộ dân là không quá 5.000 đồng/hộ/tháng; đối với các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, trường học, nhà trẻ, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp không quá 50 nghìn đồng/đơn vị/tháng; với các cửa hàng, khách sạn, nhà hàng kinh doanh ăn uống, nhà máy, bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, nhà ga, bến tàu, bến xe không quá 100 nghìn đồng/đơn vị/tháng.

Các mức thu trên phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16-10-2006; đồng thời cũng phù hợp với tình hình thực tế và thu nhập của người dân tại nông thôn bởi vì: Nếu so với mức thu phí vệ sinh đang áp dụng trên Thành phố Nam Định là 6.000 đồng/hộ/tháng thì mức thu 5.000 đồng/hộ/tháng trên địa bàn nông thôn không phải là thấp. Do vậy, trước mắt, UBND tỉnh chưa trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh mức thu trên.

- Đối với phí trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tiến hành khảo sát, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng Đề án điều chỉnh mức thu phí trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2014.

3.2. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh quan tâm tạo điều kiện để ngư dân sớm được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt đánh bắt xa bờ kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ thì: Chủ tàu, doanh nghiệp, HTX được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi để đóng tàu công suất lớn hoạt động đánh bắt xa bờ, đóng tàu làm dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ. Lãi suất cho vay đối với hoạt động này là không quá 5%/năm, trong đó chủ tàu, doanh nghiệp, HTX chỉ phải trả với mức lãi suất tối đa 3%/năm, phần còn lại do NSNN hỗ trợ; thời hạn cho vay là 11 năm, trong đó 1 năm ân hạn không tính lãi suất; tài sản thế chấp là tài sản hình thành theo phương án sử dụng vốn và có bảo hiểm tài sản.

Để triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, Chính phủ đã giao cho Bộ NN và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn; dự kiến sẽ ban hành trong tháng 7-2014. Khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực, UBND tỉnh sẽ tích cực chỉ đạo ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt chính sách tín dụng của Chính phủ đối với ngư dân; trong đó có ngư dân huyện Hải Hậu.

3.3. Cử tri huyện Trực Ninh, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng đề nghị tăng mức phụ cấp cho lực lượng Công an viên tại các xã, thị trấn và được tham gia BHXH.

Thực hiện Nghị định số 92 và Nghị định số 73 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã; tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khoá XVII, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh mức phụ cấp đối với Công an viên thường trực ở xã, thị trấn theo đơn vị hành chính (đối với xã, thị trấn loại 1 mức phụ cấp là 1,0 mức lương cơ sở, loại 2 là 0,95 và loại 3 là 0,9 mức lương cơ sở/người/tháng) và hiện nay cán bộ nêu trên đã được thực hiện chế độ BHYT theo đúng quy định của Chính phủ.

Hiện nay, do ngân sách tỉnh còn khó khăn, nhận trợ cấp trên 70% từ ngân sách Trung ương nên chưa thể bố trí được kinh phí để tăng mức phụ cấp cho công an viên nói riêng và cán bộ không chuyên trách ở xã nói chung.

4. Nhóm ý kiến về đầu tư, giao thông, xây dựng:

4.1. Cử tri huyện Mỹ Lộc phản ánh trong quá trình thi công xây dựng Quốc lộ 10 (đoạn qua xã Mỹ Tân), dự án có mượn hơn 6.000m2 đất của 117 hộ dân để phục vụ thi công nhưng khi kết thúc công trình không có ý kiến bàn giao lại hay đền bù hỗ trợ cho các hộ dân.

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVI, Ban GPMB Quốc lộ 10 tỉnh Nam Định đã có Văn bản số 1007/GPMB ngày 17-4-2004 trả lời chất vấn cử tri về nội dung này.

Căn cứ văn bản trả lời chất vấn của Ban GPMB Quốc lộ 10 và báo cáo của Sở GTVT thì các nội dung cử tri phản ánh đã được giải quyết và đã thông báo cho UBND huyện Mỹ Lộc, UBND xã Mỹ Tân biết để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban quản lý các dự án 18 - Bộ GTVT.

Tuy vậy, để giải trình làm rõ ý kiến của cử tri, UBND tỉnh giao Sở GTVT làm việc cụ thể lại với UBND huyện Mỹ Lộc ngay trong tháng 7-2014 về việc này; báo cáo kết quả cụ thể về UBND tỉnh để xem xét trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

4.2. Cử tri các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường Đen và đưa tuyến đường này thành tỉnh lộ.

UBND tỉnh đã có Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 2-7-2014 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đường Đen thành đường tỉnh, có tên là Đường tỉnh lộ 487 và giao Sở GTVT khảo sát, lập dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đường này trong thời gian tới.

4.3. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư vuốt dốc các đường nhánh giao cắt với đường 488C (đoạn xã Hải Lý đến xã Hải Giang) để đảm bảo ATGT cho nhân dân; đề nghị tỉnh tăng cường các biển báo về ATGT trên Quốc lộ 21 và Quốc lộ 37B, làm thêm gờ giảm tốc tại một số vị trí trọng yếu để hạn chế tai nạn giao thông.

- Về việc đầu tư vuốt dốc các đường nhánh giao cắt với đường 488C: Dự án nâng cấp tỉnh lộ 488C đang trong giai đoạn hoàn thiện. UBND tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án GTNT3 phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo ATGT.

- Về việc tăng cường các biển báo ATGT trên Quốc lộ 21 và Quốc lộ 37B, làm thêm gờ giảm tốc tại một số vị trí trọng yếu để hạn chế tai nạn giao thông: UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 965/QĐ-UBND ngày 3-6-2014 về việc phê duyệt danh mục, kinh phí bảo trì các tuyến đường, công trình đường bộ, theo đó kinh phí bố trí đảm bảo ATGT là 2,5 tỷ đồng. UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí mất ATGT, lập phương án để xử lý ngay, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ 21, Quốc lộ 37B và các tuyến đường khác.

4.4. Cử tri huyện Trực Ninh đề nghị tỉnh có quy định thu phí bảo trì đường bộ đối với các xe ba bánh; Đề nghị tỉnh cấp giấy chứng nhận đóng phí bảo trì đường bộ thay cho biên lai thu tiền như hiện nay để dễ bảo quản và thuận tiện cho việc kiểm tra, xuất trình khi tham gia giao thông.

Theo quy định tại Thông tư 197 ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thì: Không thực hiện áp dụng mức thu phí đối với mô tô ba bánh; đồng thời quy định bắt buộc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô bằng biên lai, vì đây là phí và lệ phí. Theo Sở GTVT báo cáo: Hiện nay, Sở GTVT đã đề xuất với Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương xem xét nghiên cứu tem thu phí dán cho xe mô tô sao cho thuận tiện và chịu được mưa gió trong vòng 12 tháng.

4.5. Cử tri huyện Vụ Bản phản ánh nút giao thông giữa Quốc lộ 21 (vị trí Km số 15) với đường đi các xã Minh Thuận, Tân Khánh xảy ra nhiều vụ tai nạn do tàu hỏa gây ra.

Ngày 20-5-2014, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cục Đường sắt Việt Nam, Sở GTVT, Xí nghiệp thông tin tín hiệu điện Hà Ninh và UBND huyện Mỹ Lộc tổ chức kiểm tra tại nút giao thông giữa Quốc lộ 21 (vị trí Km số 15) với đường đi các xã Minh Thuận, Tân Khánh và đã thống nhất kết luận: Nút giao trên cơ bản đủ điều kiện phục vụ giao thông, nhưng còn thiếu biển báo và có 2 hộ dân vi phạm hành lang giao thông. UBND tỉnh giao Sở GTVT tổ chức làm việc với Xí nghiệp thông tin tín hiệu điện Hà Ninh để yêu cầu bổ sung thêm biển báo và phát quang cây ven đường để đảm bảo ATGT. Giao UBND huyện Mỹ Lộc tập trung giải tỏa ngay trong tháng 7-2014 đối với 2 hộ dân vi phạm hành lang đường bộ tại nút giao trên.

4.6. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và nhà đầu tư để triển khai dự án. Tuy nhiên, do những nguyên nhân như: Vướng mắc về loại than sử dụng dẫn đến diện tích bãi thải xỉ thay đổi nên phải điều chỉnh dự án... đã làm chậm tiến độ triển khai dự án. UBND tỉnh đang tích cực giúp đỡ nhà đầu tư, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án, đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc có liên quan. Ngay sau kết thúc họp HĐND tỉnh kỳ này, Tổng Giám đốc tập đoàn Taekwang Power Holding đã đăng ký làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh để bàn đẩy nhanh tiến độ dự án.

5. Nhóm ý kiến về văn hoá xã hội, tổ chức cán bộ.

5.1. Cử tri huyện Ý Yên đề nghị tỉnh có cơ chế để thu hút lực lượng trẻ được đào tạo cơ bản tham gia công tác ở cơ sở.

Cơ chế thu hút những người có trình độ đại học chính quy về công tác ở xã, phường, thị trấn đã được tỉnh ta quy định trong nhiều văn bản như: Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 74 năm 2007 của HĐND tỉnh, Quyết định số 646 năm 2008 của UBND tỉnh. Năm 2013, trong Quyết định số 29 của UBND tỉnh về Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn cũng đã có quy định cụ thể: “Đối với những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy có chuyên ngành phù hợp với chức danh công chức cần tuyển và có nguyện vọng làm công chức cấp xã thì được thực hiện bằng hình thức xét tuyển, không qua thi tuyển”. Tính đến nay, Hội đồng tuyển dụng của các huyện, thành phố đã tuyển dụng được 333 sinh viên trẻ tuổi có trình độ đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, số công chức này bước đầu đã phát huy tốt năng lực và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

5.2. Cử tri các huyện Xuân Trường, Trực Ninh đề nghị tỉnh xem xét bố trí chức danh cán bộ giao thông thuỷ lợi cấp xã hoạt động chuyên trách, vì hiện nay chức danh này do Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm nhiệm.

Thực hiện Nghị định số 92 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1181/QĐ-UBND ngày 15-6-2010 về việc giao số lượng, chức danh và bố trí cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; theo đó chức năng làm nhiệm vụ giao thông, thuỷ lợi ở cấp xã do công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng

và Môi trường đảm nhiệm. Chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân ở cấp xã không kiêm nhiệm cán bộ giao thông thuỷ lợi. UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chỉ đạo UBND huyện Xuân Trường, Trực Ninh tổ chức rà soát để thực hiện theo đúng quy định.

5.3. Cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục đề nghị tỉnh xem xét bổ sung biên chế kế toán và nhân viên y tế cho các trường mầm non.

Toàn tỉnh hiện nay có 263 trường mầm non công lập với tổng số giáo viên mầm non là 7.388 giáo viên. Hiện nay ngân sách tỉnh đang tập trung để giải quyết chế độ cho giáo viên trong các trường mầm non công lập.

Theo Đề án Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2015 đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 141 ngày 9-7-2010 thì tính đến hết năm 2015 chưa tính tới việc bổ sung bố trí nhân viên kế toán và nhân viên y tế trường học cho các trường mầm non công lập của tỉnh.

UBND tỉnh sẽ nghiên cứu để báo cáo HĐND tỉnh xem xét bố trí nhân viên kế toán và nhân viên y tế cho các trường mầm non công lập trong thời gian thích hợp theo khả năng ngân sách đảm nhận được.

5.4. Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị tỉnh quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên mầm non được hưởng các chế độ chính sách theo Quyết định 60 của Thủ tướng và Thông tư liên tịch 09 của liên Bộ GD và ĐT - Tài chính - Nội vụ.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 09, UBND tỉnh đã Quyết định chuyển xếp lương đối với 4.644 giáo viên mầm non hợp đồng trong các trường mầm non theo trình độ đào tạo và theo thời gian công tác trong ngành đã được đóng BHXH.

Nguồn kinh phí để chi trả tăng thêm đối với số giáo viên mầm non đã được UBND tỉnh trình và đang chờ bộ, ngành Trung ương thẩm định để cấp bổ sung. Sau khi ngân sách Trung ương cấp bổ sung kinh phí, tỉnh sẽ thực hiện cấp bổ sung có mục tiêu về ngân sách huyện, thành phố để chi trả cho các đối tượng theo chế độ. Một số chế độ khác như nâng bậc lương thường xuyên, thâm niên nghề giáo viên, BHXH... UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, UBND huyện, thành phố căn cứ vào nguồn kinh phí để từng bước thực hiện.

5.5. Cử tri huyện Nghĩa Hưng đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định về phân công, phân cấp công tác tổ chức cán bộ, công chức, viên chức, lao động để thay thế Quyết định số 88 của UBND tỉnh ngày 11-1-2007 đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp với Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức.

UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ tổ chức nghiên cứu, rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 88 ngày 11-1-2007 của UBND tỉnh cho phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức trong quý IV-2014.

5.6. Cử tri Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc đề nghị tỉnh quan tâm để các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia và Lào sau ngày 30-4-1975 và hiện đã hoàn thành hồ sơ thì sớm được hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ CHQS tỉnh: Đến nay, toàn tỉnh đã rà soát, xét duyệt, báo cáo Quân khu 3 được 31.715 hồ sơ của giai đoạn 1 và 2. Quân khu đã xét duyệt ra Quyết định cho 25.811 đối tượng được hưởng chế độ, với tổng số tiền trên 105 tỷ đồng. Tỉnh Nam Định được Quân khu đánh giá là đơn vị thực hiện tốt Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, vẫn còn 5.904 hồ sơ đang được Quân khu 3 xét duyệt, song do số lượng hồ sơ trên địa bàn Quân khu nhiều nên việc xét duyệt chưa bảo đảm thời gian theo kế hoạch.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh giao Bộ CHQS tỉnh tích cực làm việc với Quân khu 3 để xem xét, xét duyệt hồ sơ để các đối tượng này sớm được hưởng chế độ theo quy định.

5.7. Cử tri huyện Xuân Trường đề nghị tỉnh tăng cường tuyển dụng các bác sĩ có trình độ chuyên môn về công tác tại bệnh viện đa khoa huyện.

UBND tỉnh rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo Sở Y tế thực hiện nội dung công việc này. Theo Sở Y tế báo cáo, đến nay ngành Y tế đã thực hiện tốt một số nội dung để thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh, cụ thể là:

- Tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển (hai tháng một lần xét tuyển): Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tuyển dụng được 45 bác sĩ/178 chỉ tiêu, trong đó đã phân công 2 bác sĩ về Bệnh viện đa khoa huyện Xuân Trường công tác.

- Các bác sĩ mới ra trường đến liên hệ xin việc sẽ được tiếp nhận ngay, ký hợp đồng, hưởng lương tập sự, hưởng tiền thu nhập tăng thêm như các bác sĩ đang công tác chính thức tại đơn vị. UBND tỉnh hỗ trợ 15% bù lương tập sự ngay từ ngày đầu tiên.

- Trong quá trình công tác, bác sĩ tại các đơn vị được ưu tiên cử đi đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp được tỉnh hỗ trợ từ 7-30 triệu đồng.

- Theo chỉ tiêu hằng năm các bác sĩ này cũng được ưu tiên cử đi thi nâng ngạch bác sĩ chính; được ưu tiên sắp xếp, bổ nhiệm các vị trí quản lý, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp theo nhiệm vụ của đơn vị.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế tăng cường liên hệ với các Trường Đại học Y, Dược để động viên, khuyến khích các bác sĩ sau khi tốt nghiệp về công tác tại tỉnh nhà.

5.8. Cử tri huyện Vụ Bản đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm lập hồ sơ đề nghị công nhận quần thể di tích văn hóa Phủ Dầy là di tích quốc gia đặc biệt.

Quần thể di tích Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản được Bộ VH, TT và DL xếp hạng là khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21-2-1975.

Đến đầu năm 2014, sau khi nhận được đề nghị của UBND huyện Vụ Bản về việc xếp hạng quần thể di tích Phủ Dầy là di tích quốc gia đặc biệt, Sở VH, TT và DL đã khảo sát, nghiên cứu để hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ theo quy định (Đến nay công tác khảo sát, nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành). UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở VH, TT và DL tổ chức thẩm định hồ sơ; nếu đủ các tiêu chí sẽ đề nghị Bộ VH, TT và DL hiệp y trình Hội đồng Di sản Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

5.9. Cử tri các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực đề nghị tỉnh sớm ban hành quy chế quản lý di tích trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở VH, TT và DL thì đến nay Quyết định số 1100 của UBND tỉnh ban hành năm 1999 về “Quy chế quản lý và phát huy tác dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh ở tỉnh Nam Định" vẫn phù hợp với Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật được sửa đổi bổ sung năm 2009 và vẫn đang phát huy được tác dụng trong việc quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh giao Sở VH, TT và DL tổ chức nghiên cứu, rà soát để tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 1100/1999/QĐ-UB cho phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình quản lý di tích hiện nay.

5.10. Cử tri huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ đề nghị Đài PT-TH tỉnh nâng cao chất lượng phát sóng và chất lượng các chương trình truyền hình.

- Để đảm bảo chất lượng phủ sóng trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh đã tranh thủ sự ủng hộ của Đài THVN và Đài THVN đã quyết định đầu tư, sẽ khởi công xây dựng Tháp ăng-ten cao 160m tại Trung tâm PT-TH Nam Định vào ngày 14-7-2014, dự kiến thời gian hoàn thành trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Khi Tháp ăng-ten hoàn thành sẽ giải quyết được vấn đề chất lượng phủ sóng trên địa bàn toàn tỉnh.

- Về chất lượng các chương trình truyền hình: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2012, Đài PT-TH tỉnh đã tăng thời lượng phát sóng từ 9 giờ lên 17 giờ/ngày, đến năm 2013 đã tăng lên 18 giờ/ngày; đã mở thêm nhiều chuyên mục mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu thưởng thức của nhân dân tỉnh nhà. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Đài PT-TH tỉnh phải tăng cường liên kết, trao đổi chương trình truyền hình với các đài: VTV, VOV, VTC, HTV, ANTV, Truyền hình Thông tấn, AVG và dự kiến một số chương trình mới sẽ được ra mắt công chúng truyền hình vào cuối năm nay.

5.11. Cử tri huyện Hải Hậu đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho cựu TNXP được hưởng chế độ một lần theo quy định bị mất giấy tờ và không có điều kiện xác nhận của đơn vị cũ.

Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 08 ngày 16-4-2012 của liên Bộ LĐ-TB và XH - Nội vụ - Tài chính có quy định: “Trường hợp TNXP không còn một trong các giấy tờ quy định (được gọi là giấy tờ gốc) thì phải nộp bản khai có chứng thực của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi tham gia TNXP (bản chính). Như vậy đối tượng không còn giấy tờ gốc khi làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần không cần phải xin giấy xác nhận của đơn vị cũ.

UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì với Sở Tư pháp khi tiến hành kiểm tra việc niêm yết công khai và việc thực hiện thủ tục hành chính tại cấp huyện, cấp xã cần lưu ý kiểm tra việc thực hiện chính sách này cho cựu TNXP.

Kính thưa chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân!

Ngoài những nội dung kiến nghị, chất vấn và trả lời làm rõ ở trên:

- Đối với các nội dung còn lại có liên quan đến việc đề nghị tỉnh bố trí kinh phí để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa đê, kè, đường giao thông, trạm y tế xã, công trình cấp nước sạch, xây dựng bãi chôn lấp rác thải... UBND tỉnh xin tiếp thu, nghiên cứu, xem xét đầu tư khi có điều kiện cân đối ngân sách và bố trí được kinh phí.

- Đối với những vấn đề mang tính chất chỉ đạo chuyên ngành của lĩnh vực TN và MT như: Quản lý khai thác cát sông; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân Khu kinh tế mới Điện Biên, xã Giao An; xử lý vi phạm về môi trường ở trại chăn nuôi cạnh sông Sò; khắc phục ô nhiễm môi trường tại làng nghề bún Phong Lộc, phường Cửa Nam và sông An Lá, xã Nam Vân..., UBND tỉnh xin tiếp thu đưa vào chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đồng thời yêu cầu Sở TN và MT gửi báo cáo trả lời chất vấn đến các vị đại biểu HĐND tỉnh.

- Đối với những vướng mắc của các ngành BHXH, LĐ-TB và XH như: Vướng mắc trong việc chi trả lương hưu qua bưu điện; sai sót trong việc cấp, đổi thẻ BHYT; tháo gỡ vướng mắc về chế độ cho người có công bị mất hết giấy tờ hoặc không có thân nhân... UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan gửi báo cáo trả lời chất vấn đến các vị đại biểu HĐND tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ bố trí lịch làm việc với các sở, ngành liên quan để bàn cách tháo gỡ vướng mắc cho nhân dân.

- Đối với đề nghị có liên quan đến việc quy định cụ thể về các loại quỹ đóng góp trong nhà trường: UBND tỉnh giao Sở GD và ĐT gửi báo cáo trả lời chất vấn đến các vị đại biểu HĐND tỉnh; đồng thời giao Sở GD và ĐT có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các loại quỹ đóng góp, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.

- Đối với kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở KH và ĐT: UBND tỉnh giao Sở KH và ĐT gửi báo cáo trả lời chất vấn đến các vị đại biểu HĐND tỉnh; đồng thời giao Sở KH và ĐT quán triệt và thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 37 ngày 27-5-2014 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2014-2015 với phương châm "Các cấp, các ngành đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư".

- Đối với những kiến nghị, đề nghị không thể giải quyết được do không phù hợp với các quy định Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Đề nghị cho tái lập lại Phòng Thủy sản; đề nghị cho cán bộ HTX nông nghiệp công tác trước năm 2003 được tự đóng BHXH từ năm 2003 trở về trước để đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH; đề nghị tỉnh nâng độ tuổi của Trưởng các thôn, xóm ở vùng nông thôn lên quá 60 tuổi... UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan gửi báo cáo trả lời chất vấn đến các đại biểu HĐND tỉnh để thông báo, giải thích cho cử tri được biết.

- Đối với những nội dung đã được trả lời nhiều lần như: Đề nghị tăng kinh phí cho cán bộ không chuyên trách xã; tăng kinh phí hỗ trợ xây dựng NTM; xem xét hỗ trợ giống, kỹ thuật, cơ giới hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đề nghị quản lý giá, chất lượng thuốc... UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan báo cáo kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri bằng văn bản đến các vị đại biểu HĐND tỉnh. Để tránh lặp lại các ý kiến này tại các kỳ họp sau, UBND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh căn cứ vào các báo cáo giải trình và kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị cử tri của các sở, ngành liên quan để thông báo cho cử tri được biết.

- Đối với các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Thành phố Nam Định như: Việc tắc nghẽn thoát nước tại mương dân sinh giữa kênh xả và đường 10 cũ; kiến nghị sạt lở mái kè và sân tiêu năng của cửa xả ra sông Hồng, UBND tỉnh giao UBND Thành phố Nam Định tiếp thu để giải quyết theo thẩm quyền.

- Đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của ngân sách xã như kinh phí hỗ trợ cho MTTQ, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng: UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định.

Kính thưa chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân.

Tại kỳ họp này, tôi đề nghị HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát các cấp, các ngành theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền, nhất là đối với người đứng đầu, để có ý kiến, yêu cầu đích thực cho các cấp, các ngành và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm thực hiện công vụ có hiệu quả hơn. Tôi cũng mong cử tri và nhân dân trong tỉnh tiếp tục ủng hộ, sát cánh cùng UBND tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cần tiếp tục phát huy việc hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình để xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng theo cơ chế xây dựng NTM.

Thay mặt UBND tỉnh, một lần nữa tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri toàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị thực hiện nghiêm những Nghị quyết của kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII đề ra và tiếp thu, tập trung giải quyết những kiến nghị của cử tri liên quan đến địa phương, đơn vị mình, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được HĐND tỉnh thông qua.

Cuối cùng tôi xin kính chúc các đồng chí và các vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân sức khoẻ, hạnh phúc.

Chúc kỳ họp thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!

------------------------------
(*) Đầu đề của Báo Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com