Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và xã hội

07:03, 11/03/2013

Ngày 8-3-2013, Sở NN và PTNT đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo sở, lãnh đạo công đoàn ngành NN và PTNT; trưởng, phó các phòng, ban và lãnh đạo các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc sở…

Phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp, các đại biểu tham dự hội nghị đã sôi nổi phát biểu ý kiến đánh giá chung và đóng góp một số nội dung cụ thể vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với tên gọi của Hiến pháp và khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới. Các ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung trong các phần: Lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và một số nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của ngành NN và PTNT cũng như những vấn đề mà các cá nhân, cơ quan và tổ chức quan tâm. Về các ý kiến đóng góp cụ thể: Ở phần Lời nói đầu của Hiến pháp, câu “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử…” nên thay bằng cụm từ “Trải qua hàng nghìn năm lịch sử…” sẽ hợp lý hơn. Ở Điều 65 “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” cần phải bổ sung thêm cho đầy đủ và rõ ràng hơn. Ở điều 2 của chương 1 về chế độ chính trị đề nghị bỏ cụm từ “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” là đã đầy đủ rồi vì giữ lại cụm từ này sẽ dài dòng và không cần thiết. Ở nội dung của điều 3, đề nghị thay cụm từ “về mọi mặt” bằng từ “toàn diện” và thêm cụm từ: quyền làm chủ của nhân dân theo đúng pháp luật. Ở nội dung điều 4 nói về Đảng Cộng sản Việt Nam, bố cục ở phần 1 cần đưa cụm từ “Lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” lên trước, sau đó mới nói về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở điều 8, cần đưa cụm từ “Thực hành tiết kiệm” lên trước cụm từ “chống lãng phí, chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch…” như thế sẽ hợp lý hơn. Đối với điều 17 gồm có 2 ý nên được gộp lại chỉ còn 1 ý, bổ sung thêm cụm từ “và xã hội” và viết gọn lại là “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và xã hội, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá”. Ở điều 21 dự thảo Hiến pháp chỉ ghi có 1 câu quá ngắn gọn là: Mọi người có quyền sống. Như vậy chưa đầy đủ và cụ thể, đề nghị được bổ sung thêm cho hoàn chỉnh. Đối với nội dung điều 31 của chương 2 về quyền con người, cần phải được bổ sung thêm câu “trong thời gian quy định của pháp luật” vào sau câu “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo”…

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị được Sở NN và PTNT tổng hợp đầy đủ để báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh theo đúng kế hoạch và thời gian quy định./.

Phạm Quốc Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com