Đồng chí Lê Đức Thọ và Hội nghị Pa-ri

06:01, 25/01/2013

Hiệp định Pa-ri được ký kết ngày 27-1-1973, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là kết quả tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Trong suốt quá trình thương lượng đến khi Hiệp định được ký kết, cố vấn Lê Đức Thọ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Bộ Chính trị tin cậy giao phó, góp phần quan trọng cùng quân, dân ta “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định”, tháng 10-2011.
Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định”, tháng 10-2011.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ được tổ chức tại Thành phố Nam Định vào tháng 10-2011, chúng tôi vinh dự được các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao nói chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ, nhất là trên mặt trận ngoại giao, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ: Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ là một cán bộ lãnh đạo tài năng về nhiều mặt, là tấm gương sáng về lòng yêu nước thiết tha, về tinh thần quốc tế cao cả, đã có cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Từ năm 1968 đến 1973, thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 (khoá III), đồng chí Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ làm cố vấn đặc biệt về ngoại giao dự Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Cuộc đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kít-sinh-giơ, cố vấn của phía Mỹ nảy lửa và thật thú vị. Lúc đó, đơn vị chúng tôi đang chiến đấu ở mặt trận Trị - Thiên Huế. Trong cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt, chúng tôi thường xuyên theo dõi tin tức diễn ra tại Hội nghị Pa-ri và vô cùng khâm phục ý chí đấu tranh của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ. Ở đồng chí toát ra một trí tuệ mưu lược, giáp mặt đối phương với những lời lẽ sắc sảo, đanh thép, mạnh mẽ nhưng đầy sức thuyết phục, làm rực sáng chân lý chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Trên khắp các chiến trường quân dân miền Nam tiếp tục tấn công địch mạnh mẽ hơn nữa. Mặt trận Quảng Trị năm 1972, bộ đội hy sinh lớn nhưng đã góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu của địch. Sức mạnh chính trị, sức mạnh quân sự ở chiến trường và trận Điện Biên Phủ trên không ở bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm ấy là đòn quyết định buộc đế quốc Mỹ ngụy phải trở lại Hội nghị Pa-ri tiếp tục đàm phán. Đây là sự phối hợp chiến lược nhịp nhàng giữa đánh và đàm, đàm và đánh hỗ trợ cho nhau, buộc Mỹ - ngụy phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, quân đội Mỹ phải rút về nước.

Còn đồng chí Nguyễn Dy Niên chia sẻ: “Với đồng chí Lê Đức Thọ, điều tôi ấn tượng nhất là sự lãnh đạo của đồng chí ở hai giai đoạn: chống Mỹ cứu nước và Hội nghị Pa-ri; chống chiến tranh ở hai đầu biên giới và giải quyết vấn đề Căm-pu-chia. Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được tiến hành từ tháng 10-1968 đến tháng 1-1973. Cuộc đấu trí gần 5 năm này là cuộc thương lượng kéo dài nhất thế giới để chấm dứt một cuộc chiến tranh. Với đường lối chiến lược tài tình của Bác Hồ và của Trung ương Đảng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân miền Nam Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc phản công chiến lược mùa Xuân năm 1972 và trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 đã buộc Mỹ đến Pa-ri để nghị đàm với Việt Nam và ký kết hiệp định kết thúc chiến tranh. Ở đây có các cuộc thương lượng công khai và thương lượng bí mật. Thương lượng công khai để đấu lý và tranh thủ dư luận. Thương lượng bí mật để mặc cả, đây mới là thực chất. Phía Mỹ cử Kít-sinh-giơ, một học giả kỳ cựu và là một trong những khối óc lớn nhất của nước Mỹ thời bấy giờ dẫn đầu đoàn Mỹ đàm phán bí mật. Phía ta, Bác Hồ đích thân lựa chọn đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu đoàn đàm phán Việt Nam. Vào thời điểm đó đồng chí Lê Đức Thọ vừa được Đảng cử vào miền Nam đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Trung ương Cục sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Mới đặt chân đến mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc” chưa được bao lâu, đồng chí đã phải trở lại Hà Nội gấp. Với nhiệm vụ kết thúc cuộc chiến tranh bằng những văn kiện pháp lý quốc tế thì vai trò thương lượng của người đứng đầu ở bàn đàm phán có vị trí vô cùng quan trọng. Trong suốt 5 năm đàm phán ở Pa-ri, đồng chí được ví như vị tướng ở ngoài biên ải. Đồng chí thực hiện rất nghiêm túc đường lối chiến lược trong đàm phán mà Bác Hồ đã trực tiếp căn dặn và những chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra. Nhưng phần đóng góp của cá nhân đồng chí thật là to lớn. Đồng chí đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn luôn giành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình. Đã có lúc Kít-sinh-giơ phải thốt lên: “Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ”, “đàm phán với ông Thọ quả là cân não!”.

Khi nhắc đến những chiến công to lớn của cố vấn chiến lược tài ba Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pa-ri, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên xúc động kể: “Nhiều lúc tôi tự hỏi, đồng chí Thọ, không qua một trường lớp đào tạo ngoại giao nhưng tại sao trong ngoại giao đồng chí lại rất tài ba, đến kẻ thù cũng phải kính nể đồng chí. Có lẽ trong con người đồng chí đã hội tụ những tố chất của con người cách mạng luôn phấn đấu cho độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Đó là lòng nhiệt huyết, sự thông minh bẩm sinh, truyền thống gia đình và quê hương, sự rèn luyện tìm tòi, học hỏi và sáng tạo để tích lũy được kiến thức trong cuộc chiến tranh, trong cuộc sống, trong nhân dân và nhất là tiếp cận với trí tuệ của lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, của nhân loại và biến nó thành nguồn trí tuệ. Đó là một phương pháp khoa học hết sức logic, hết sức hệ thống. Có lẽ đồng chí nắm vững ngũ tri (5 điều biết: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến hóa). Đồng chí Lê Đức Thọ là nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm nên ông biết mình lắm, biết rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của Việt Nam ở chiến trường và những nơi khác. Đồng chí nắm vững thời thế lúc đó, khi phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lan rộng ra toàn thế giới và trong lòng nước Mỹ buộc chính quyền Mỹ phải sớm kết thúc đàm phán với Việt Nam. Trong suốt quá trình thương lượng, phía Mỹ không ít lần đưa ra những lời đe dọa. Đồng chí Lê Đức Thọ đã không ngần ngại đáp lại: “Chúng tôi đã đánh nhau với các ông 10 năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết, không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu”. Khi nghỉ giải lao, Kít-sinh-giơ hỏi đồng chí Lê Đức Thọ: “Ông có bao giờ mắng cán bộ mình như mắng tôi không?”. Đồng chí Lê Đức Thọ nói: “Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt, lật lọng, tráo trở đâu mà tôi mắng họ”. Ngũ tri và “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là điều mà Bác Hồ luôn căn dặn các nhà ngoại giao Việt Nam. Ở đồng chí Lê Đức Thọ những điều đó hình như đã nhập tâm, đã nhuần nhuyễn. Cái bất biến trong thương lượng của ông với Kít-sinh-giơ là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” nhưng muốn bảo vệ được cái “bất biến” đó thì cần phải biết cách “vạn biến” và trí tuệ của ông được thể hiện chính là ở đây và điều này cũng toát lên tài trí và sự khôn khéo của nhà ngoại giao tài ba Lê Đức Thọ.

Với tư cách là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cả 2 đoàn Bắc và Nam, cố vấn Lê Đức Thọ và các nhà ngoại giao của ta kiên trì, vững vàng nguyên tắc, sáng tạo thực hiện phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn kiên định lập trường: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chiến đấu bảo vệ Việt Nam là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam từ Nam đến Bắc”. Lẽ “bất biến” của cố vấn Lê Đức Thọ ở đây là yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam; công việc nội bộ Việt Nam là do người Việt Nam tự giải quyết, trên tinh thần hoà hợp dân tộc, hoà bình, thống nhất Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường, năng động với tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com