Hiệp định Pa-ri - Sự khẳng định quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam

05:01, 26/01/2013

Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình là một văn bản mang tính pháp lý quốc tế, chỉ được thực hiện khi kết cục thắng - thua trên chiến trường của các bên tham chiến đã được phân định một cách rõ ràng. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (5-1954) dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (20-7-1954) và Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972) dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri (27-1-1973) là những minh chứng hùng hồn, mãi trường tồn trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, vấn đề lợi ích quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và thậm chí cả cách thức tổ chức thực hiện của các hiệp định trên có những điểm khác biệt nhau. Điều này có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của đất nước ta ở thời kỳ “hậu” của mỗi hiệp định cũng hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân của tình trạng khác biệt đó có nhiều cách luận giải, song vấn đề cốt lõi trực tiếp nhất chính là sức mạnh nội lực và vị thế của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế - yếu tố quyết định đến vấn đề tự quyết dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Giành được chính quyền không lâu, nhân dân Việt Nam lại phải tiến hành kháng chiến chống quân xâm lược Pháp lần thứ hai. Với sức mạnh của toàn dân tộc vào trận, đồng thời được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bè bạn, nhất là về vũ khí, phương tiện quân sự, bằng tư duy độc lập, sáng tạo trên nền tảng “cách đánh giặc” của tổ tiên, quân và dân ta đã tìm ra những cách đánh phù hợp và hiệu quả, từng bước phát triển quy mô tác chiến từ cấp trung đoàn lên đại đoàn và nhiều đại đoàn, chuyển thế cuộc kháng chiến từ cầm cự sang phản công và tổng phản công; đẩy quân Pháp vào thế bị động đối phó và cuối cùng làm nên một trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; buộc chúng phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị Pa-ri. Ảnh: TL
Quang cảnh Hội nghị Pa-ri. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, do quan hệ quốc tế phức tạp lúc đó, nên những quy định trong Tuyên bố chung của Hội nghị quốc tế này về giới tuyến quân sự, khu phi quân sự… đã “vô tình” tạo ra những “kẽ hở” nhạy cảm để ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Mỹ đã nhảy vào thay chân Pháp, xâm chiếm miền Nam. Vậy là, chúng ta chưa thực hiện được quyền tự quyết vận mệnh của dân tộc mình. Lường định trước diễn biến phức tạp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chúng ta phải chuẩn bị đánh một trận nữa với một đế quốc lớn hơn.

Vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, kinh tế, xã hội, quốc phòng còn chồng chất khó khăn, lại bước ngay vào cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ; do vậy, bên cạnh việc động viên nỗ lực cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, chúng ta tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút sự ủng hộ, giúp đỡ của chính phủ và nhân dân các nước anh em. Do vậy, từ năm 1955 đến 1975, các nước XHCN anh em mà Liên Xô và Trung Quốc là trụ cột đã viện trợ cho nhân dân ta khối lượng lớn vật chất thiết yếu trị giá 7.076 triệu rúp. Mặt khác, nhiều cán bộ chỉ huy các cấp và cán bộ khoa học kỹ thuật của quân đội ta được các nước bạn tiếp nhận sang đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ cho kháng chiến. Một số nước còn cử những đoàn chuyên gia kỹ thuật quân sự sang giúp huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ cho bộ đội binh chủng kỹ thuật của quân đội ta… Cuộc kháng chiến của ta còn được nhân loại tiến bộ và cả nhân dân Mỹ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất là, những vũ khí, trang bị quân sự mà các nước viện trợ được quân và dân ta sử dụng hết sức hiệu quả; những thắng lợi Ấp Bắc, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài (1963-1965), hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968), Tiến công chiến lược 1972 là những minh chứng hùng hồn. Đặc biệt, với đòn Mậu Thân 1968, chúng ta đã buộc giới cầm quyền Nhà Trắng phải đến Hội nghị Pa-ri để bàn bạc về vấn đề chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trải qua cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt suốt 4 năm 9 tháng với 202 phiên họp công khai và 24 lần tiếp xúc riêng nằm trong bối cảnh quan hệ quốc tế có lúc rất nhạy cảm, đến đòn quyết định năm Nhâm Tý (1972), chúng ta đã buộc Mỹ chấp thuận văn bản Hiệp định Pa-ri do phía ta soạn thảo và dự định ngày ký.

Tuy nhiên, để cố cứu vớt thể diện, Nhà Trắng đã quyết định mở cuộc tập kích không quân chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng điểm khác của miền Bắc - “Tung con át chủ bài cuối cùng” - với hy vọng sẽ “làm mềm xương sống Hà Nội”, buộc ta phải ký một hiệp định theo sự áp đặt của họ.

Sau kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta, hạ gục 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, gây chấn động thế giới, rung chuyển Nhà Trắng và nước Mỹ, sáng 30-12-1972, Ních-xơn phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, đề nghị Chính phủ ta trở lại bàn đàm phán Pa-ri. Ngày 27-1-1973, Mỹ chấp nhận ký kết Hiệp định Pa-ri theo văn bản ta dự thảo. Với 9 chương, 23 điều và 4 Nghị định thư kèm theo, nội dung chủ yếu của Hiệp định Pa-ri khẳng định: Mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; các bên thực hiện ngừng bắn, chấm dứt chiến sự không thời hạn; Mỹ chấm dứt mọi hoạt động chống Việt Nam dân chủ cộng hòa;... thừa nhận sự hiện diện hợp pháp của Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam, sự tồn tại và địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Tiếp đó, ngày 2-3-1973, đại diện 12 chính phủ, gồm: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Việt Nam cộng hòa và 4 nước trong Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế đã họp tại Pa-ri để ra Định ước ghi nhận và bảo đảm Hiệp định Pa-ri và các Nghị định thư về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được thi hành một cách nghiêm chỉnh và triệt để.

Phải khẳng định rằng, từ xưa đến nay, chưa bao giờ việc ký kết một văn kiện về quyền dân tộc cơ bản của nhân dân một nước lại được các dân tộc và nhân dân thế giới theo dõi chăm chú, chứng giám trang trọng như Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là minh chứng khẳng định vị thế, uy tín và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Pa-ri được ký kết, quân và dân ta đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chiến lược “Đánh cho Mỹ cút”, tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân Ất Mão (1975). Đây thực sự là cột mốc vàng đánh dấu quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam được thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn./.

Theo qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com