Xây dựng xã hội học tập

06:12, 14/12/2012

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua, nêu rõ: "Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...".  Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) khi xem xét, thảo luận về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định: "Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập...". Điều đó cho thấy, vấn đề xây dựng xã hội học tập có vai trò hàng đầu trong việc "tạo nền móng" cho đổi mới giáo dục Việt Nam.

Xây dựng xã hội học tập (XHHT) nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, liên tục, học mọi lúc, mọi nơi, học suốt đời. Xây dựng XHHT là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục. Trên thế giới, xây dựng XHHT đang là một trào lưu lớn.

Bắt đầu từ năm 1972, Ủy ban quốc tế về giáo dục thế kỷ 21 đưa ra ý tưởng xây dựng XHHT với tiêu đề "học để tồn tại", từ đó, các cuộc hội thảo đưa ra hành động mới nhằm "hướng tới XHHT", tạo một quan niệm mở để đổi mới hoặc cải cách giáo dục. Trong bối cảnh hiện nay, học tập suốt đời và xây dựng XHHT đã trở thành xu thế tất yếu, mục tiêu mang tính thời đại và giải pháp trọng yếu nhất để phát triển giáo dục đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Ở nước ta, truyền thống hiếu học đã được hun đúc từ nghìn đời nay. Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước  cũng luôn quan tâm đến giáo dục, coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 xác định: "Bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành XHHT". Đặc biệt, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tiếp tục khẳng định "... Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập...".

Học sinh Trường Tiểu học Giao Hải (Giao Thủy) đọc sách trong thư viện trường. Ảnh: Hồng Minh
Học sinh Trường Tiểu học Giao Hải (Giao Thủy) đọc sách trong thư viện trường. Ảnh: Hồng Minh

Thực tế quá trình triển khai xây dựng XHHT ở nước ta những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Công tác xóa mù chữ (XMC) đã có những tiến bộ đáng kể với tỷ lệ người biết chữ tăng dần, các biện pháp nâng cao chất lượng của công tác XMC ở nhiều địa phương được triển khai tích cực. Trong năm năm gần đây, cả nước huy động hơn 383 nghìn người theo học các lớp XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên ở các địa phương được xây dựng và phát triển cả về quy mô, số lượng, mở rộng về địa bàn, đa dạng về mô hình hoạt động, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được học thường xuyên, liên tục, học suốt đời ở mọi nơi phù hợp với hoàn cảnh. Đặc biệt, trong xây dựng XHHT, việc phát triển các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đóng vai trò quan trọng, là công cụ thiết yếu  xây dựng XHHT từ cơ sở với 10.428 trong tổng số 11.133 xã, phường, thị trấn của cả nước có TTHTCĐ... Vì vậy, công tác bồi dưỡng kiến thức giúp người học nâng cao hiểu biết, khả năng lao động, sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đã được chú trọng, góp phần thiết thực trong việc cải thiện năng suất lao động, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững... Trong năm năm qua, cả nước có hàng chục triệu lượt người tham gia các lớp học cập nhật kiến thức, kỹ năng các chương trình học tập nâng cao hiểu biết, khả năng lao động, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực chính trị, pháp luật, văn hóa, y tế, chăn nuôi, trồng trọt...

Tuy nhiên, trong triển khai xây dựng XHHT, một số cấp ủy Đảng và chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục và XMC cho người lớn. Giáo dục mầm non chất lượng còn thấp và chưa được đầu tư thỏa đáng; chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa thật vững chắc, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa chưa đạt chuẩn, tỷ lệ lưu ban và bỏ học còn cao. Số người lớn mù chữ và tái mù chữ còn nhiều trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Vẫn còn bất đồng khi nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tác dụng và lợi ích xây dựng XHHT trong cả một số cấp quản lý và người dân. Năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên, TTHTCĐ thấp...

Để xây dựng XHHT, tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời và là chìa khóa của phát triển kinh tế - xã hội, cần tạo sự chuyển biến về nhận thức để mọi người dân đều có nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội cung cấp... Việc triển khai xây dựng XHHT cần dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời gắn kết liên thông của hai bộ phận cấu thành hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Trong đó, để thực hiện học tập suốt đời đạt hiệu quả, Nhà nước tăng cường hỗ trợ giúp các địa phương đẩy mạnh công tác XMC cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỷ lệ người tái mù chữ, nhất là ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc, người lao động tự do ở các tỉnh, thành phố lớn. Tập trung nguồn lực phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có những giải pháp tích cực để nâng cao trình độ tiếng Việt, giảm tỷ lệ lưu ban và bỏ học đối với học sinh ở những vùng khó khăn, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số. Mặt khác, trong XHHT, người thầy chính là tâm điểm chuyển tải tri thức và không gì có thể thay thế được. Vì vậy, việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo cũng có vai trò quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng đối với ngành GD và ĐT, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét và nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng XHHT. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng người học, nhất là trong giáo dục thường xuyên. Khắc phục những hạn chế của công tác đào tạo từ xa vốn chưa tạo được niềm tin và động lực thúc đẩy học tập với người học.

Các cơ quan quản lý giáo dục cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc đề ra những chủ trương, chính sách, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể. Thiết lập hệ thống kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ hằng năm các tiến độ, giải pháp và kết quả đạt được để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng XHHT tại địa phương... Có như vậy mới từng bước tiến tới xây dựng XHHT, tạo cơ sở để từng bước đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đáp ứng yêu cầu công cuộc CNH, HĐH đất nước./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com