Phát huy truyền thống văn hoá dân tộc và quê hương Nam Định, mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá

08:10, 22/10/2010
Phát biểu của đồng chí Phạm Hồng Hà,
Bí thư Tỉnh uỷ tại hội nghị

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

 

Xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội tại quan trọng của phát triển; xây dựng con người Việt Nam có trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao... luôn là đường lối nhất quán của Đảng, được xác định rõ trong cương lĩnh xây dựng đất nước của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và thể hiện trong các chiến lược, kế hoạch phát triển của quốc gia.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách để cụ thể hoá đường lối này, trong đó phát động trong toàn quốc phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phong trào này, trong 10 năm qua, các cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo, nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng như trong báo cáo tổng kết tại hội nghị đã nêu, trong đó nổi bật là:

1. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá bằng nhiều chỉ thị, kế hoạch, chính sách tương đối phù hợp với thực tiễn, điều kiện của tỉnh và các địa phương.

2. Hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều hoạt động, cách làm thiết thực, sáng tạo. Xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tốt, có sức lan toả.

3. Phong trào ngày càng được mở rộng về diện, hiệu quả, chất lượng ngày càng tốt hơn. Đã đạt được một số kết quả cụ thể rất phấn khởi trên cả 4 nội dung cơ bản của phong trào: Tỷ lệ gia đình văn hoá từ 29,2% năm 2001 tăng lên 70% vào năm 2009. Tỷ lệ làng văn hoá từ 31,3% thời kỳ 2000-2005 tăng lên 37% thời kỳ 2007-2008. Các năm 2009-2010 đã có 64% cơ quan đơn vị doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hoá. Các nội dung đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo; học tập, lao động sáng tạo, rèn luyện thân thể; thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở cũng đạt được nhiều kết quả tốt.

4. Chúng ta vui mừng thấy rằng, sau 10 năm phấn đấu, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã góp phần quan trọng để duy trì, phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá; các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và quê hương Nam Định; tạo nên động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, cộng đồng hoà thuận, thôn xóm, tổ dân phố bình yên, gia đình hạnh phúc.

Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao thành tích, kết quả của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà trong 10 năm thực hiện phong trào.

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện phong trào cũng đã bộc lộ những hạn chế cần chú ý khắc phục:

1. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào, chưa có định hướng lãnh đạo rõ ràng, thiếu những giải pháp chỉ đạo cụ thể và thiết thực.

2. Hệ thống ban chỉ đạo các cấp chưa được thống nhất, chưa được củng cố kiện toàn kịp thời, hoạt động còn lúng túng. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức trong một số việc chưa thường xuyên, chặt chẽ. Hiệu quả công tác tuyên truyền còn hạn chế.

3. Phong trào phát triển chưa đồng đều; lồng ghép quá nhiều nội dung, không rõ các nội dung quan trọng, thiết yếu; việc biểu dương nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến chưa thường xuyên, kịp thời.

4. Công tác xã hội hoá chưa hiệu quả, ngân sách của tỉnh và các địa phương còn khó khăn, đồng thời chưa thật sự đầu tư tập trung nên một số các điều kiện thực hiện nhất là nguồn lực chưa đảm bảo, hệ thống cơ sở, thiết chế hoạt động văn hoá, nhất là ở cơ sở còn hạn chế.

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII đã được tổ chức và thành công tốt đẹp. Nghị quyết của Đại hội đã xác định: Để đạt được các mục tiêu phát triển của tỉnh giai đoạn 2010-2015 cần phải coi trọng và phát huy nội lực văn hoá, giáo dục của tỉnh; phát triển kinh tế hài hoà, gắn kết với phát triển văn hoá xã hội, chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân; tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc và quê hương Nam Định; mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và qua tổng kết 10 năm thực hiện, cần phải tập trung thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp của phong trào trong thời gian tới như báo cáo tổng kết đã đề cập, tôi nhấn mạnh một số điểm cần làm ngay để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào:

1. Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo chỉ đạo nhiệm vụ phát triển văn hoá - xã hội và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài và phải được cụ thể hoá trong chương trình công tác của cấp uỷ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Cân đối các nguồn lực và bố trí phù hợp để xây dựng kế hoạch cụ thể về kinh phí hoạt động của phong trào và tăng cường đầu tư cải tạo nâng cấp các cơ sở, thiết chế văn hoá ở cơ sở.

2. Đổi mới sự chỉ đạo, điều hành phong trào. Củng cố kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp. Đối với cấp tỉnh cần nghiên cứu mô hình ban chỉ đạo thống nhất phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh do một đồng chí thường trực Tỉnh uỷ làm Trưởng ban; đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm phó ban và một số thành viên.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ giữa các cấp, ngành và các tổ chức có liên quan. Tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, phát triển, nhân rộng kịp thời cách làm hay, các mô hình, điển hình tiên tiến.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người, từng người, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố, thôn xóm coi việc xây dựng đời sống văn hoá là yêu cầu tự thân, cấp thiết và cho chính mình, cho cộng đồng và xã hội.

4. Cần lựa chọn một số nội dung, công việc quan trọng nhất, cấp thiết nhất trong đó có nội dung xây dựng Nông thôn mới, Làng văn hoá, Gia đình văn hoá, Khu dân cư tiên tiến, Khu dân cư văn hoá để tăng cường chỉ đạo, tập trung đầu tư nguồn lực và các điều kiện thực hiện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả và tác động nổi bật, thiết thực và cụ thể của phong trào đối với đời sống xã hội.

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Với truyền thống văn hiến tốt đẹp của quê hương Nam Định và giá trị nhân văn của con người Nam Định, với nền tảng kết quả và những bài học kinh nghiệm trong 10 năm qua, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của tỉnh nhà sẽ đạt được những thành tích, kết quả toàn diện, xuất sắc hơn nữa, góp phần xứng đáng vào nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

Chúc các đồng chí và quý vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com