Giữ vững trận địa tư tưởng, tạo tiền đề cho KT-XH phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

08:07, 30/07/2010
Nguyễn Công Chuyên
Uỷ viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

Cách đây tròn 80 năm, ngày 1-8-1930, Ban cổ động và tuyên truyền của Đảng CSVN đã cho xuất bản tài liệu "Ngày Quốc tế đỏ 1-8", đây là tài liệu sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ "Ban cổ động và tuyên truyền của Đảng CSVN" ấn hành. Tài liệu này khi vừa phát hành đã gây được dư luận rộng lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ sự kiện đó, Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đã quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm là ngày truyền thống công tác tư tưởng văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá TW và Ban Khoa giáo TW hợp nhất thành Ban Tuyên giáo TW, Ban Bí thư TW Đảng khoá X quyết định lấy ngày 1-8 là ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc rằng: Công tác tư tưởng có tầm quan trọng hàng đầu, là một bộ phận chủ yếu hợp thành trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đảng coi công tác tư tưởng cùng với công tác tổ chức góp phần xây dựng Đảng thành đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời cũng đã khẳng định "Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng…". Thực tế trong suốt chặng đường 80 năm qua, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có phần đóng góp tích cực của công tác tuyên giáo. Công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc hình thành Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, đề ra những khẩu hiệu hành động phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, động viên tập hợp hàng triệu quần chúng công nông đứng lên theo Đảng làm cách mạng.

Ở tỉnh ta, tháng 1-1948, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được thành lập nhằm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chính trị, bồi dưỡng kinh nghiệm, tổ chức phát động quần chúng, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc. Ngay sau khi được thành lập, đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tỉnh đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, giáo dục nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, công tác tuyên giáo đã tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ, động viên quân và dân trong tỉnh vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, chiến đấu xây dựng quê hương vừa là hậu phương lớn chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Bước vào giai đoạn thực hiện đường lối đổi mới, công tác tuyên giáo tiếp tục phát huy vai trò xung kích đi đầu trong việc tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng đến với mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với sự trưởng thành lớn mạnh của hệ thống tuyên giáo cả nước, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của tỉnh trên các lĩnh vực: tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, khoa giáo, lịch sử… cũng từng bước trưởng thành. Đánh giá kết quả hoạt động công tác tuyên giáo trong nhiệm kỳ qua, có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình công tác trong đó có nhiều nét mới so với nhiệm kỳ trước, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVII đã đề ra. Trước hết, đó là việc đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhất là khâu quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào thiết thực hiệu quả hơn. Việc tổ chức quán triệt nghị quyết từ tỉnh đến cơ sở đã được đổi mới theo tinh thần Kết luận 169 của Bộ Chính trị, chất lượng học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên giáo cũng đã tham mưu, triển khai tốt công tác tuyên truyền trước những vấn đề có tính chất nhạy cảm như vấn đề giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án khu công nghiệp, vấn đề bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn về ngành điện quản lý… góp phần định hướng kịp thời tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền khá toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, tuyên truyền kịp thời những nhiệm vụ trọng tâm đột xuất của tỉnh như việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường, tuyên truyền phòng chống cúm A (H1N1), dịch tiêu chảy cấp, phòng chống lụt bão, đặc biệt gần đây là công tác tuyên truyền đại hội Đảng các cấp với chủ trương thí điểm bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại đại hội… Công tác tuyên truyền miệng tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên… Công tác biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các địa phương và giáo dục truyền thống có nhiều chuyển biến đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ và trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu của cả nước về lĩnh vực này. Đến nay, toàn tỉnh đã có 16/16 huyện, thành và đảng uỷ trực thuộc, gần 90% đảng bộ xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ. Cơ quan tuyên giáo các cấp đã tham mưu giúp cấp uỷ triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trên địa bàn tỉnh, thông qua cuộc vận động ở nhiều địa phương, đơn vị đã xuất hiện những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, học tập và làm theo lời Bác, tạo ra sự lan toả trong xã hội, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.

Tuy nhiên trong công cuộc đổi mới, đất nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, chúng ta nhận thấy công tác tuyên giáo còn bộc lộ nhiều bất cập, như báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ "Công tác giáo dục chính trị tư tưởng còn nhiều hạn chế thiếu sót, tính định hướng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả chưa cao, thiếu chủ động và sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hoà bình"… thiếu những hình thức, biện pháp cụ thể, có sức thuyết phục để xây dựng, củng cố niềm tin, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp và mâu thuẫn mới nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống… Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới".

Từ thực tiễn chỉ đạo công tác tuyên giáo trong 80 năm qua, Đảng ta đã rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu, trong đó trước hết phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đó chính là ngọn nguồn sức mạnh của công tác tuyên giáo. Công tác tuyên giáo phải bám sát thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, dự báo xu hướng, phát hiện vấn đề, chủ động tham gia định hướng, giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Mặt khác phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị làm công tác tuyên giáo. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên giáo. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo phải nâng cao tính chiến đấu, chủ động phản bác kịp thời, sắc bén những luận điệu xuyên tạc, phủ định Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Không ngừng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng bước hiện đại hoá phương tiện tác nghiệp, làm cho công tác tuyên giáo của Đảng ngày càng có chiều sâu và hiệu quả.

Nhiệm vụ của công tác tuyên giáo trong thời gian tới cần có sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tích cực góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tăng cường củng cố trận địa tư tưởng vững mạnh từ cơ sở. Đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng và tình trạng thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chủ động nắm chắc diễn biến tư tưởng, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận làm thất bại âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.

Đối với tỉnh ta, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của các binh chủng làm công tác tư tưởng là bám sát và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân, đồng thời tập trung tuyên truyền có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm như chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, nhiệm vụ xây dựng thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông huyết mạch… Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động khoa giáo, hoàn thành biên soạn cuốn "Lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1975-2005" để kịp thời xuất bản vào dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", coi trọng khâu "làm theo", tích cực phát hiện, biểu dương các điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Tham mưu cho cấp uỷ Đảng xây dựng và triển khai tốt đề án nâng cao chất lượng trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, trên cơ sở đó từng bước đưa việc giáo dục lý luận chính trị vào nền nếp, đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2010, đặc biệt là tuyên truyền phục vụ có hiệu quả đại hội đảng bộ cấp huyện và đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuối tháng 9-2010.

Tự hào với truyền thống 80 năm qua, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo trong tỉnh nguyện trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, ra sức phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công tác nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com