Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

04:10, 21/10/2021

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 21-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận tại tổ.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận tại tổ.

Tại các phiên thảo luận tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp vào báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Để làm rõ các nội dung gắn với tình hình thực tiễn của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã mời các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ và Công an tỉnh cùng tham gia ý kiến làm rõ các vấn đề cần thảo luận. Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành với các báo cáo, dự án luật của Chính phủ và các bộ, ngành. Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đoàn đại biểu của tỉnh đã thống nhất quan điểm năm 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 3%. Công tác xây dựng, ban hành thể chế pháp luật phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện kịp thời. Trong đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các ĐBQH tỉnh cũng đóng góp ý kiến đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có cơ chế hỗ trợ giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; phương án giải quyết tình trạng lao động tự do rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn; chính sách thu hút lao động quay lại làm việc, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam nghỉ việc về quê do dịch bệnh COVID-19. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn các vấn đề: quy mô, mức độ phù hợp của các gói hỗ trợ để làm cơ sở hoạch định chính sách cho giai đoạn tới; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư. Chính phủ cũng cần đánh giá hiệu quả việc áp dụng phương thức 3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chuyên gia của các doanh nghiệp.

ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại phiên thảo luận.
ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại phiên thảo luận.

Đối với công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19, các ĐBQH tỉnh đồng tình với quan điểm của Chính phủ đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết; phát  huy vai trò người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân; thống nhất trong toàn quốc việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi; vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội; phòng dịch là chiến lược, thường xuyên, lâu dài; tiêm chủng, xét  nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết; tiếp tục thực hiện yêu cầu 5K, đề cao ý thức người dân. Quốc hội tiếp tục ban hành chính sách về đầu tư nguồn lực, phân bổ ngân sách, tăng chi cho công tác phòng, chống dịch, trong đó chú trọng dành ngân sách đầu tư cho công tác nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo thu hút nguồn nhân lực và chế độ chính sách cho y tế cơ sở…

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ.

Đối với các dự án luật, đa số ý kiến các ĐBQH tỉnh tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh sát cơ động nhằm hướng tới xây dựng các chính sách lớn, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần thiết để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vừa tạo điều kiện cho lực lượng hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới, đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đối với dự án Luật Sở hữu trí tuệ cần thiết phải sửa đổi bổ sung để tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; về các nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp, nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, giống cây trồng; về tăng cường cải cách hành chính, cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ./.

Tin, ảnh: Văn Trọng

 

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com