Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại tỉnh ta

07:10, 08/10/2020

Ngày 8-10, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã về giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thú y tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: NN và PTNT, Tài chính, Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh. 

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường, song được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh trên động vật của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2018-2020, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh duy trì khoảng 8,5-9,3 triệu con. Trong đó, đàn lợn có trên 700 nghìn con, tuy nhiên do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn phải tiêu hủy lớn, đàn lợn giảm còn 594.798 con; đàn trâu, bò 37 nghìn con; đàn gia cầm trên 8 triệu con. Trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Căn cứ các quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và chỉ đạo của Trung ương, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật. Hàng năm, UBND tỉnh cấp kinh phí mua vắc-xin hỗ trợ người chăn nuôi (vắc-xin dịch tả lợn, lở mồm long móng). Ngoài vắc-xin tỉnh hỗ trợ, người chăn nuôi chủ động mua các loại vắc-xin để phòng bệnh theo quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy dịch bệnh cơ bản được khống chế, giảm thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện lưu thông động vật, sản phẩm động vật, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan và thúc đẩy chăn nuôi phát triển. 

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ NN và PTNT tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25-3-2015; Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26-3-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 9-3-2016 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Tổ chức, bộ máy và hoạt động của Chi cục trong giai đoạn này phù hợp với Luật Thú y. Trạm Chăn nuôi và Thú y đóng trên địa bàn các huyện, thành phố trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh do vậy việc triển khai các nhiệm vụ phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh từ tỉnh xuống cơ sở và công tác thông tin, báo cáo từ dưới cơ sở lên thuận lợi, thành hệ thống ổn định trong toàn tỉnh đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch vận chuyển, giám sát báo cáo dịch bệnh. Ở cấp huyện, mạng lưới thú y cấp xã được thành lập theo Quyết định số 2938/2007/QĐ-UBND ngày 29-11-2007 của UBND tỉnh, theo đó mạng lưới thú y cấp xã có 1 trưởng thú y và có từ 3-5 nhân viên thú y cấp xã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật. Tuy nhiên do chỉ có trưởng thú y xã được hưởng phụ cấp với mức từ 0,5-1,0 hệ số lương cơ bản dựa theo trình độ chuyên môn, nhân viên thú y không có phụ cấp hàng tháng (chỉ trả thù lao theo ngày công được huy động tham gia công tác tiêm phòng hoặc phòng chống dịch) nên hiện nay mạng lưới thú y cơ sở của tỉnh không đảm bảo về số lượng, hoạt động kém hiệu quả. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan đã giải trình làm rõ một số vấn đề về cơ cấu tổ chức, cách thức vận hành của hệ thống bộ máy thú y của tỉnh; việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung và công tác thú y ở cơ sở nói chung và nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề đánh giá hiệu quả hoạt động, những mặt tích cực, tồn tại, hạn chế… của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện kể từ khi được sáp nhập đến nay; từ đó có giải pháp và xây dựng mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận, tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của các sở, ngành, các địa phương để tổng hợp báo cáo Chính phủ; đồng thời đề nghị UBND tỉnh sớm hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để trình trước Quốc hội trong kỳ họp tới.

Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thú y tại 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh./.

Tin, ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com