Lách thời tiết, chủ động phun trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân

06:04, 08/04/2020

Thời gian qua có nhiều ngày ấm, ẩm, mưa phùn kéo dài là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại lúa xuân. Bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên các giống nhiễm (BC15, KD18, Q5, VHC, QR1, Nếp, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, TBR225…), một số nơi đã xuất hiện trên giống Bắc thơm 7; tỷ lệ bệnh phổ biến 1-3%, nơi cao 5-10%, cá biệt 20-30% Toàn tỉnh có 1.061ha lúa nhiễm bệnh, trong đó nhiễm nhẹ - trung bình 1.059ha, nhiễm nặng 2ha, có chỗ lụi theo chòm, ổ (1ha). Hiện nay, mật độ sâu phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2; chủ yếu tuổi 4, 5. Rầy lưng trắng lứa 1 (môi giới truyền bệnh lùn sọc đen) nở rộ từ ngày 16 đến 23-3 với mật độ trung bình 20-30 con/m2, cao 150-200 con/m2, cá biệt 700-1.000 con/m2 (Hải Hậu, Giao Thủy...). Rầy có mật độ cao hơn cùng kỳ năm trước từ 2-3 lần. Hiện nay, mật độ rầy trung bình 10-30 con/m2, cao 100-120 con/m2, phổ biến tuổi 4, 5 và trưởng thành... 

Thời tiết những ngày tới còn âm u, ẩm độ cao và mưa phùn là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển trên các giống nhiễm, nhất là những diện tích lúa gieo sạ. Diện tích cần trừ khoảng 3.000ha. Dự báo, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 vũ hóa rộ từ ngày 17 đến 25-4, sâu non nở rộ từ ngày 23 đến 30-4. Lứa sâu này có mật độ cao, gây hại diện rộng trên lúa đại trà, mật độ sâu phổ biến 30-70 con/m2, cao 150-200 con/m2, cá biệt trên 500 con/m2. Rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) sẽ nở rộ từ ngày 15 đến 25-4, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 2.000-3.000 con/m2. Rầy lứa 2 có mật độ cao và phân bố chủ yếu ở các huyện phía nam tỉnh, phía bắc tỉnh gây hại cục bộ. Chuột sẽ tiếp tục gây hại mạnh trong thời gian tới, nhất là thời điểm lúa phân hóa đến làm đòng.

Để đảm bảo giành kết quả cao trong sản xuất vụ xuân 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) đề nghị Phòng NN và PTNT; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn trong tỉnh thực hiện tốt kế hoạch rút nước lộ ruộng cho lúa, không rút nước lộ ruộng cho những diện tích lúa còn xấu và những diện tích chua phèn, mặn. Sau khi lấy nước trở lại cần kiểm tra, đánh giá và phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp. Không bón phân đón đòng khi lúa ôm đòng - sắp trỗ để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của bệnh bạc lá trong trường hợp gặp mưa to, gió lớn. Tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát đồng ruộng, khoanh vùng diện tích nhiễm sâu bệnh để phun trừ, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đối với bệnh đạo ôn lá phun trừ bệnh đạo ôn lá cho giống nhiễm khi bệnh chớm xuất hiện và những diện tích đã phun trừ nhưng bệnh chưa dừng (vẫn còn vết bệnh cấp tính). Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole, hoạt chất khác. Sau khi phun thuốc 5-7 ngày cần kiểm tra nếu còn vết bệnh cấp tính thì phải phun lại. Đối với bệnh khô vằn, phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện. Sử dụng thuốc có hoạt chất Pencycuron, hoạt chất Hexaconazole, hoạt chất khác. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa, cần tranh thủ lách thời tiết để phun trừ lại./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com