Giao Thủy tăng cường phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật

07:02, 16/02/2020

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A(H5N1) bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng chồng dịch trong bối cảnh 22/22 xã, thị trấn vừa công bố hết dịch bệnh tả lợn châu Phi, UBND huyện Giao Thủy yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nội dung tại Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY ngày 3-2-2020 của Bộ NN và PTNT về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; Công văn số 167/TTg-NN ngày 5-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H5N1) trên gia cầm và ở người. 

Huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo lĩnh vực và theo địa bàn phụ trách. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh. Đặc biệt tuyên truyền để nhân dân giám sát, phát hiện, đấu tranh không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; sử dụng sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khai báo dịch và xử lý xác chết gia súc, gia cầm theo quy định; thực hiện biện pháp phòng dịch lây nhiễm sang người theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn... Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi, thú y cơ sở, chính quyền thôn, xóm và cộng đồng dân cư trong việc giám sát, phát hiện, báo cáo kịp thời cho chính quyền và cơ quan chuyên môn thú y khi phát hiện các trường hợp động vật ốm, chết bất thường. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn; yêu cầu các hộ giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật ký cam kết không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết làm thực phẩm, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca giết mổ; nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu; việc buôn bán, giết mổ gia cầm tại chợ phải được bố trí tập trung vào một khu vực và được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ. 

Ngay trong tháng 2, huyện chỉ đạo tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; đặc biệt chú ý các vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng có ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao trên địa bàn để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2020, chỉ đạo tiêm phòng ngay vắc-xin cúm cho đàn gia cầm chưa đến tuổi xuất bán, nhất là đàn vịt. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại tuyến cơ sở, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Phòng Công Thương, Y tế, Công an huyện, Đội quản lý thị trường số 5, Ban chỉ đạo 389 huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh động vật, nhất là đối với gia cầm nhập lậu./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com