Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch năm 2020

08:12, 23/12/2019

Chiều 23-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của ngành, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng: Cao Ðức Phát, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Lê Minh Hương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Năm 2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực tạo giá trị gia tăng và đổi mới mô hình tăng trưởng; vượt qua thách thức, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ. Hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu, trong đó kim ngạch xuất khẩu nguồn lợi thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2%, nguyên nhân chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành...

Năm 2020, toàn ngành xác định xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9-3,05%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp, cả nước có 17 nghìn hợp tác xã nông nghiệp. Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đề ra, ngành tiếp tục tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP). Khai thác và vận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu với chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các loại nông sản Việt Nam. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn. Từng bước khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả ngành Nông nghiệp đã đạt được trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Năm 2020 đất nước có nhiều sự kiện quan trọng nên nông nghiệp cần đóng góp quan trọng hơn, vì thế ngay từ bây giờ ngành Nông nghiệp cần đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt trên 3% để đến năm 2025 đứng thứ 10 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN trở thành nước có nền nông nghiệp phát triển tiên tiến trên thế giới. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đồng bộ kế hoạch cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh cây trồng, vật nuôi... thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững. Tăng cường sản xuất lúa gạo theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có lợi thế xuất khẩu theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tối đa các lợi thế của các địa phương. Ðẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên cơ sở điều chỉnh chiến lược phát triển chăn nuôi; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn, tiến tới xuất khẩu. Tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Ðề án cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản; phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng. Triển khai các chương trình, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng; trong đó tập trung trồng và chăm sóc rừng, công tác phòng, chữa cháy rừng. Phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất muối và ngành nghề nông thôn để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Ðẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đảm bảo tính bền vững, ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn. Tiếp tục ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, miền Trung. Triển khai hiệu quả các chương trình trồng và bảo vệ rừng, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng tự nhiên. Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm ổn định giá, bình ổn thị trường. Ðổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Áp dụng, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng hiện nay./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com