Triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019

07:05, 23/05/2019

Ngày 22-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018, triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018 triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn do ảnh hưởng mưa lớn và cơn bão số 3, song dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, cùng sự nỗ lực, cố gắng của các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân và các doanh nghiệp nên đã đạt kết quả khá. Diện tích gieo cấy đạt 75.153ha, giảm 1.474ha so với vụ mùa năm 2017; trong đó có 458ha sản xuất hạt giống lúa lai F1. Năng suất bình quân đạt 50,18 tạ/ha, tăng 14,04 tạ/ha so với vụ mùa năm 2017. Sản lượng lúa 377.150 tấn, tăng 100.185 tấn so với vụ mùa năm 2017; trong đó sản lượng lúa chất lượng cao là 260.363 tấn, tăng 58.338 tấn so với vụ mùa năm 2017. Vụ đông, các địa phương tập trung sản xuất các cây rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Một số địa phương đã xây dựng được các mô hình cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại kinh tế cao cho nông dân. Diện tích gieo trồng cây màu vụ đông đạt 10.421ha, trong đó diện tích gieo trồng trên đất 2 lúa là 2.327ha. Giá trị sản lượng cây vụ đông năm 2018 ước đạt 649,02 tỷ đồng (giá thực tế), bình quân đạt 62,28 triệu đồng/ha...

Về nhiệm vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019, các địa phương cần bám sát diễn biến thời tiết, thị trường và yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để chủ động định hướng phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa, xây dựng các giải pháp kỹ thuật, phát triển nhanh các mô hình thâm canh cao, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú trọng phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa, nhất là các cánh đồng liên kết chuỗi giá trị, gắn với việc phát triển các sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực, thế mạnh của từng địa phương. Tập trung phấn đấu đạt diện tích gieo cấy lúa mùa 75.924ha; năng suất bình quân từ 50 tạ/ha trở lên; sản lượng 379.600 tấn, trong đó có trên 250 nghìn tấn lúa chất lượng cao. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 10 cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa có quy mô từ 30 ha/cánh đồng trở lên; có ít nhất 2 mô hình liên kết chuỗi giá trị, sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với sự tham gia của doanh nghiệp. Diện tích rau màu hè thu 9.120ha, chủ yếu là các cây truyền thống như: lạc, ngô, đậu tương và một số loại rau ăn lá. Phấn đấu diện tích cây vụ đông đạt từ 12 nghìn ha trở lên, trong đó có trên 2.000ha trên đất 2 lúa. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông hàng hóa và có mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản. Phấn đấu tại thời điểm thống kê 1-10-2019, tổng đàn lợn 760 nghìn con, trong đó có 130 nghìn con nái; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 70 nghìn tấn. Ðàn trâu, bò 37.200 con; sản lượng thịt 1.700 tấn. Ðàn gia cầm 7,8 triệu con, sản lượng thịt hơi 12 nghìn tấn. Các loại thịt khác 1.800 tấn...

Ðể hoàn thành mục tiêu đề ra, hội nghị thống nhất một số giải pháp cần tập trung là: các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu giống cây trồng theo hướng chất lượng, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sử dụng các giống mới có năng suất, chống chịu sâu bệnh tốt hơn giống BT7 nhưng có chất lượng từ tương đương trở lên để thay thế giống lúa BT7 trong vụ mùa. Tập trung sử dụng các giống rau màu có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chất lượng chế biến và xuất khẩu. Các xã, thị trấn tổ chức dồn đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả và diện tích bị bỏ hoang thành các vùng tập trung; nghiên cứu lựa chọn đối tượng chuyển đổi phù hợp và lập phương án chuyển đổi theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NÐ-CP của Chính phủ. Trong thâm canh lúa mùa, thực hiện phương châm gieo cấy càng sớm càng tốt; áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu giống, phương thức gieo cấy và thời vụ gieo cấy lúa mùa nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bệnh lùn sọc đen. Phấn đấu hoàn thành gieo cấy xong trước ngày 15-7. Cơ cấu giống, gồm: lúa lai 14% diện tích, cấy trên các chân ruộng trũng, ruộng nhiễm chua, phèn, mặn và những diện tích có nguy cơ bị ngập úng. Lựa chọn, sử dụng trong số các giống CT16, Bắc ưu 903 KBL, Nam Dương 99, Tej vàng… Lúa thuần 75% diện tích, lựa chọn sử dụng các giống chịu úng, ít nhiễm rầy, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và có chất lượng cao trong số các giống: TBR279, TBR225, M1-NÐ, Thiên ưu 8, Nàng xuân, Nếp 97, QR1, NÐ5, HDT10, Nếp Hưng Yên, BC15… Các địa phương có điều kiện và kinh nghiệm làm vụ đông trên đất 2 lúa cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông; lựa chọn, quy hoạch những chân ruộng vàn và vàn cao, thuận lợi tưới tiêu để cấy lúa mùa sớm, mùa trung sớm để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông cần xác định rõ loại cây trồng, thị trường, phương thức tiêu thụ, vùng trồng gắn với việc chủ động tưới, tiêu, hạn chế thấp nhất rủi ro. Tập trung hướng dẫn kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Mỗi huyện, thành phố xây dựng 2-3 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com