Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi

07:09, 17/09/2018

Ngày 14-9-2018, Bộ NN và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, trên toàn quốc chỉ có 4 ổ dịch cúm gia cầm do vi-rút cúm A/H5N6 gây ra tại Thành phố Hải Phòng và tỉnh Nghệ An với số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 13.215 con. Cả nước đã xảy ra 9 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) type 0 tại 3 huyện của tỉnh Sơn La làm 612 con gia súc mắc bệnh. Ngày 25-6-2018 dịch tai xanh đã xảy ra trên đàn lợn của một hộ chăn nuôi tại xóm 9, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) với 20 con lợn mắc bệnh. Cơ quan chuyên môn thú y đã phối hợp với địa phương tổ chức xử lý và kiểm soát được ổ dịch, không để dịch lây lan… Mặc dù trên cả nước chỉ xuất hiện 1 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó được báo cáo tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), nhưng thông qua hoạt động chủ động giám sát cho thấy vi-rút dại còn lưu hành ở nhiều nơi. Cả nước có 50 ca người mắc bệnh dại đều đã tử vong tại 22 tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xuất hiện là rất cao do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa thực hiện tốt; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó nuôi đạt thấp.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra, không tự lây lan, phát tán nhanh mà lây chủ yếu do việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên, vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao. Hiện chưa có vắc-xin, thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn châu Phi, nên giải pháp phòng bệnh là chính như: chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào trong nước; tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học; khi phát hiện lợn mắc bệnh, phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Từ tháng cuối năm 2017 đến ngày 10-9-2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các quốc gia tiếp giáp giữa châu Âu và châu Á với tổng số lợn mắc bệnh là 228.311 con, số lợn chết vì bệnh 20.633, tổng đàn lợn có nguy cơ mắc bệnh đã buộc phải tiêu hủy là 562.761 con. Theo thông tin cập nhật từ OIE và FAO, từ đầu tháng 8-2018 đến ngày 10-9-2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh; đã có hơn 38 nghìn con lợn các loại bị buộc phải tiêu hủy. Bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho động vật. Tổ chức xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch quốc gia; kế hoạch chủ động phòng chống dịch của các địa phương; tổ chức giám sát dịch bệnh, lập bản đồ dịch tễ phân bố dịch bệnh, tổ chức giải trình tự gien mầm bệnh, đánh giá sự biến đổi vi-rút, đánh giá hiệu lực vắc-xin và thông báo rộng rãi cho các địa phương. Phối hợp với Tổ chức quốc tế và các nước (FAO, OIE, CDC Hoa Kỳ, Nhật Bản…) thực hiện các chương trình giám sát cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9, giám sát bệnh dại động vật, giám sát bệnh LMLM tại Việt Nam... Triển khai và chỉ đạo các địa phương thực hiện “Chương trình quốc gia giám sát bệnh cúm gia cầm”, tập trung vào chuỗi sản xuất gia cầm xuất khẩu, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam ra thế giới. Tổ chức Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2018. Triển khai hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh động vật…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát, khống chế, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi xảy ra và lây lan trên diện rộng. Tập trung, chủ động và thường xuyên giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện sớm, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, giúp chăn nuôi hàng hóa phát triển bền vững và an toàn. Riêng về dịch tả lợn châu Phi, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong điều kiện chưa có vắc-xin điều trị, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; thường xuyên tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các điểm chăn nuôi, phương tiện vận chuyển… Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với đàn lợn; giám sát việc thực hiện tuân thủ quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch lợn và các sản phẩm của lợn. Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, điều tra và ứng phó dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn, thú y các cấp. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế nhằm nắm bắt cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả, không để loại dịch bệnh nguy hiểm này phát sinh và lây lan trên diện rộng./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com