Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ, giải pháp quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi

08:07, 07/07/2017

Ngày 6-7-2017, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương bàn giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển. Các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và Văn phòng UBND tỉnh dự.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Nước ta có trữ lượng cát sỏi lớn. Đến tháng 5-2017, toàn quốc có 824 mỏ cát, sỏi đã được cấp phép khai thác; đến hết năm 2016 có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa có tận thu sản phẩm cát được Bộ GTVT cấp phép. Các cơ quan có thẩm quyền đã cấp hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát. Hoạt động khai thác cát tồn tại nhiều vi phạm như: có rất nhiều mỏ khai thác cát lậu; lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác sang địa bàn khác, khai thác vượt quá số lượng phương tiện và số lượng được cấp phép. Toàn quốc còn hàng trăm bãi tập kết, trung chuyển cát không được cấp phép kinh doanh vẫn đang hoạt động. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, từ giữa năm 2016 đến nay, các bộ, ban, ngành và các địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý, xử lý tình trạng vi phạm kinh doanh, khai thác cát. Tính riêng đợt cao điểm xử lý vi phạm khai thác cát trái phép từ tháng 3-2017 đến nay, lực lượng công an đã xử lý 2.128 vụ, bằng 48% số vụ cả năm 2016, xử lý 749 đối tượng vi phạm, bằng 25% so với tổng số đối tượng của cả năm 2016, tịch thu 26 tàu thuyền hút cát, xử phạt 13,1 tỷ đồng, bằng 31% cả năm 2016. Hiện nay có nhiều dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải kết hợp với tận thu cát có dấu hiệu lợi dụng giấy phép, tổ chức khai thác cát, sỏi ngoài khu vực, nạo vét luồng hàng hải nhưng lấn sâu vào các tuyến đường thủy, cảng nội địa, vi phạm độ sâu... Bộ GTVT đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với hầu hết các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thuỷ nội địa có tận thu sản phẩm cát để bổ sung, hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Nhờ làm tốt công tác nắm bắt tình hình và xử lý kiên quyết, triệt để nên tình hình khai thác cát trên toàn quốc đã dần ổn định, tình trạng khai thác cát trái phép đã có chiều hướng giảm, một số địa bàn trọng điểm đã được kiểm soát. Tuy nhiên, việc vi phạm trong khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông đã để lại nhiều hậu quả tiêu cực như: sạt lở bờ sông, bờ biển, có nhiều đoạn bị sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm; ảnh hưởng đến an toàn các công trình ven bờ và làm mất đất canh tác của nông dân vùng lân cận. Việc khai thác cát, sỏi trái phép đã được các đối tượng vi phạm chuyển sang khai thác vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ. Một số đối tượng “cát tặc” manh động sử dụng bạo lực đe dọa, đối phó với các lực lượng chức năng, tranh giành địa bàn, phương tiện để khai thác trái phép. Trong thực tế, nhu cầu sử dụng cát để san lấp nền móng, xây dựng các công trình hạ tầng tăng cao nhưng chưa có phương án thống nhất sử dụng các vật liệu khác thay thế nên có tình trạng các chủ mỏ đã lợi dụng khan hiếm tài nguyên, nâng giá cát đen, gây khó khăn cho hoạt động xây dựng và bức xúc trong toàn dân.

Để giải quyết dứt điểm các bất cập tồn tại kể trên, tại hội nghị, các bộ, ngành và các địa phương đã tập trung phân tích, đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng về thực trạng quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi cho xây dựng, phát triển hạ tầng. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp thiết thực, hiệu quả về thể chế và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, giải quyết căn bản tình hình khai thác trái phép cát, sỏi; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khai thác cát, sỏi, lập lại trật tự trong lĩnh vực này, đồng thời đề xuất giải pháp về nguồn vật liệu thay thế, phục vụ cho nhu cầu xã hội để phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định cát sỏi là vật liệu thiết yếu phục vụ công tác xây dựng nhưng nếu cứ khai thác thiếu kiểm soát như hiện nay thì nguồn tài nguyên này ở nước ta sẽ sớm cạn kiệt và gây ra tình trạng sói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực liền kề, mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân. Trong điều kiện nhu cầu về nguyên vật liệu để san nền và xây dựng các công trình hạ tầng ngày càng gia tăng, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm quản lý hoạt động khai thác cát sỏi theo quy hoạch, theo nhu cầu sử dụng thực tế và tuân thủ quy định của pháp luật. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các dự thảo nghị định quản lý hoạt động, cải tạo duy tu các tuyến luồng, lạch đường thủy và hàng hải theo hướng giao cho các địa phương quản lý, xử lý vi phạm; riêng các khu vực giáp ranh thì giao cho Bộ GTVT và các địa phương cùng quản lý để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30-9-2017, để sớm đưa vào triển khai trong thực tế. Bộ NN và PTNT chủ trì phối hợp với các bộ hữu quan đánh giá tình hình biển xâm thực; nghiên cứu sử dụng nguồn cát nhiễm mặn được thu hồi từ việc nạo vét cửa biển làm nguyên vật liệu xây dựng; tăng cường bảo vệ bền vững các khu vực bị ảnh hưởng, sạt lở do khai thác cát trái phép… Bộ TN và MT chủ trì, trước ngày 30-7-2017 hoàn tất việc tham mưu giúp Chính phủ sớm ban hành chỉ thị về quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác cát sỏi lòng sông; rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động khai thác cát sỏi; rà soát lại quy hoạch các điểm mỏ, giấy phép khai thác nếu không còn phù hợp phải kiên quyết loại trừ. Bộ Xây dựng sớm hoàn tất việc xác định các vật liệu thay thế cho cát sỏi trong san lấp, xây dựng các công trình hạ tầng, căn cứ theo nhu cầu của các địa phương và khả năng cung cấp vật liệu thay thế ở các vùng, miền như cát nhiễm mặn, cát mạt, cát nhân tạo từ đá, nguyên liệu tro, xỉ than làm nguyên liệu thay thế cho cát xây dựng, cát nền. Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa chứng từ bất hợp pháp trong hoạt động khai thác cát sỏi, chống thất thu ngân sách Nhà nước. Bộ Công thương tăng cường ngăn chặn kinh doanh, vận chuyển cát sỏi, trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện kinh doanh. Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép. Các địa phương phải tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương giáp ranh trong kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác cát theo quy hoạch. Nâng cao vai trò chủ động của địa phương trong việc phát hiện, xử lý, kiên quyết lập lại trật tự khai thác cát, sỏi trên các dòng sông và cửa biển. Các bộ, ngành địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích việc nghiên cứu, sử dụng các vật liệu phù hợp, có tiềm năng thay thế cát trong san lấp, xây dựng các công trình hạ tầng./.

Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com