Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản tại huyện Giao Thủy

07:03, 31/03/2017

Ngày 29-3-2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Trương Anh Tuấn, TUV, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” tại UBND huyện Giao Thủy.

Huyện Giao Thuỷ có 32km bờ biển, gần 30km sông Hồng, sông Sò và khoảng 12 nghìn ha đất có mặt nước ven biển. Thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hỗ trợ nhân dân trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, UBND huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung và hướng dẫn người dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời ban hành các văn bản để chỉ đạo và hỗ trợ nhân dân trong hoạt động phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương. UBND huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản của huyện giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến 2020. Hằng năm, căn cứ chỉ tiêu phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản của tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản cho các ngành, các xã, thị trấn. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, huyện đã tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng như hệ thống thủy lợi, điện, đường phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản. Động viên tổ chức, cá nhân đầu tư vốn tự có, vốn vay xây dựng ao nuôi, mua sắm thiết bị, đầu tư vốn lưu động đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hoàn thành xây dựng các Dự án phục vụ nuôi tôm xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Thịnh, Giao Hải, vùng nuôi thuỷ sản tổng hợp Giao Long. Hoàn thành Dự án cải tạo hệ thống thủy lợi Cồn Ngạn, triển khai Dự án nuôi thuỷ sản tập trung vùng nuôi xã Giao Phong, Dự án sản xuất giống thuỷ sản tại Trung tâm giống thuỷ sản xã Bạch Long, Khu sản xuất giống tập trung tại xã Giao Xuân. Tập trung củng cố và mở rộng các đoàn đánh cá, máy thông tin, bảo hiểm thuyền viên cho ngư dân. Từng bước hỗ trợ vốn và vận động ngư dân đóng mới, nâng cấp máy tàu nên chất lượng phương tiện khai thác được nâng lên. Đến hết năm 2016 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 5.125ha. Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 35.493 tấn/năm; giá trị sản xuất đạt 889.513 triệu đồng/năm. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện Giao Thủy vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ chủ yếu nuôi trồng quảng canh, năng suất thấp, còn nhiều rủi ro; vùng chuyển đổi từ đất lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản chủ yếu nuôi cá truyền thống, chất lượng sản phẩm không cao, sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa; vùng nuôi chuyên tôm tăng đột biến cả về diện tích và sản lượng, tuy nhiên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong việc xử lý môi trường và dịch bệnh. Sản xuất giống thuỷ sản phụ thuộc vào thời tiết, thời vụ và nhu cầu nên bị động thời gian sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; một số cơ sở phát triển mang tính chất tự phát do thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành nên sản xuất hiệu quả kém. Khai thác hải sản còn nhiều hạn chế cả về phương tiện và kỹ thuật khai thác, phương tiện khai thác có công suất nhỏ dưới 20CV còn nhiều và chủ yếu là khai thác ven bờ nên sản lượng và giá trị sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; một số bến cá chưa đáp ứng yêu cầu lên cá của ngư dân; tàu thuyền chưa có khu neo đậu nên các phương tiện neo đậu rải rác ở ven bờ biển, cửa sông, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát và bảo đảm an ninh trật tự… Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời gian tới, UBND huyện Giao Thủy kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi cho phù hợp giữa vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối. Đầu tư hệ thống điện phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đồng thời có cơ chế hỗ trợ giá điện cho hộ nuôi trồng thủy sản. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cá Hà Lạn bảo đảm cho các hoạt động thu mua hải sản, cũng như tránh trú khi có áp thấp nhiệt đới, bão xảy ra. Tăng phụ cấp đối với cán bộ phụ trách thủy sản cấp xã và kinh phí sự nghiệp cho nhiệm vụ quản lý thủy sản cấp huyện.

Tại buổi giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện Giao Thủy làm rõ thêm những nội dung như: Công tác bảo đảm an ninh trật tự trong hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản; quản lý người nước ngoài đến đầu tư phát triển kinh tế, thu mua hải sản và tham quan du lịch trên địa bàn. Việc xây dựng khu vực phòng thủ, thực hiện phòng thủ dân sự đối với các xã, thị trấn ven biển; công tác bảo vệ hành lang các công trình quốc phòng; quản lý vũ khí vật liệu nổ và giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho lực lượng tự vệ biển và ngư dân. Việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thủy sản...

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của UBND huyện Giao Thủy để tổng hợp, phản ánh lên Quốc hội và các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com