Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá, rút kinh nghiệm công tác khắc phục hậu quả do bão số 1

07:08, 17/08/2016

Ngày 16-8-2016, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 1. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên BCH PCTT-TKCN tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện, Thành phố Nam Định; các Cty KTCTTL trên địa bàn tỉnh; Cty CP Môi trường Nam Định.

Đêm 27, rạng sáng ngày 28-7, bão số 1 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta gây gió rất mạnh, vùng ven biển gió cấp 11, 12, giật trên cấp 13; tại Thành phố Nam Định gió cấp 8, 9, giật cấp 12. Sau khi bão đổ bộ vào đất liền đã gây mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh, tổng lượng mưa bình quân toàn tỉnh trong 2 ngày 27 và 28-7 là 150mm. Mặc dù đã chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai phòng chống bão số 1, song đây là cơn bão mạnh, kéo dài lại đổ bộ vào ban đêm, khi vào gần bờ mạnh lên nhiều và đi rất chậm, thời gian từ khi bão xuất hiện đến khi vào đất liền rất ngắn nên đã gây thiệt hại nặng nề về sản xuất, cơ sở hạ tầng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Thiệt hại toàn tỉnh theo báo cáo ban đầu của các huyện, thành phố tính đến ngày 5-8 là: có 8 người bị thương; thiệt hại hoàn toàn 985 nhà ở; 50.600ha lúa mùa, 8.000ha rau màu, 16.800ha cây trồng lâu năm… bị ảnh hưởng; 93.600 cây bóng mát, cây xanh bị đổ gãy; 247ha ruộng muối bị vùi lấp, hư hỏng; 3.756 tấn muối bị hư hỏng; gần 7.000 con gia súc, 240 nghìn con gia cầm bị chết; trên 12.200ha thủy sản bị thiệt hại; gần 31km đê từ cấp IV trở xuống, đê bối, bờ bao bị ảnh hưởng; 16km kè bị sạt lở, hư hỏng; 92,1km kênh mương bị sạt, hư hỏng; gần 24 nghìn cột điện bị gãy đổ, 217,6km dây điện bị đứt, 515 trạm biến thế bị hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính trên 3.100 tỷ đồng. Ngay sau bão, UBND tỉnh, BCH PCTT-TKCN tỉnh tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Cty Điện lực Nam Định phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền các cấp tập trung khắc phục sự cố về điện, trong đó ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng. Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các Cty KTCTTL vận hành tối đa các cống tiêu, trạm bơm tiêu úng đối với các diện tích bị ngập; kịp thời hướng dẫn các địa phương về kỹ thuật chăm sóc, dặm tỉa, gieo cấy bổ sung các diện tích lúa, màu bị ảnh hưởng. Các địa phương tập trung giải tỏa cây cối đổ gãy, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông… Đến nay, cuộc sống của nhân dân và các hoạt động sản xuất đã dần đi vào ổn định.

Tuy nhiên, qua cơn bão số 1 cũng còn nhiều tồn tại trong các công tác liên quan cần rút kinh nghiệm như: khi bão vào gần bờ di chuyển rất chậm và mạnh hơn nhưng các thông tin dự báo của cơ quan chuyên môn chưa kịp thời, chính xác nên đã gây bất ngờ, bị động trong triển khai công tác ứng phó cho người dân và các cấp chính quyền. Thông tin truyền thông trước bão của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chưa quyết liệt, kịp thời. Trong quá trình chống bão, nhiều địa phương chưa nắm bắt kịp thời thông tin chỉ đạo của tỉnh, một số nơi chính quyền cấp xã, thậm chí cả cấp huyện còn chủ quan, lơ là trong việc triển khai ứng phó. Kiến thức PCTT của cộng đồng còn nhiều hạn chế là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại do bão gây ra lớn hơn. Thiệt hại về hệ thống công trình thiết bị điện lực, cơ sở hạ tầng trong bão số 1 rất lớn, do vậy cần xem xét lại tiêu chuẩn thiết kế về an toàn các công trình trước thiên tai. Một số công trình PCTT như đê điều, kè cống đã xuống cấp nên đã xảy ra sự cố khi bão đổ bộ; tình trạng vi phạm công trình đê điều, thủy lợi diễn ra ở hầu hết các địa phương làm giảm năng lực tiêu khi xảy ra ngập úng dẫn đến lúa, màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập úng nhiều ngày gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Một số công việc cần thực hiện trước bão như chặt tỉa cành cây, hạ biển quảng cáo, khơi thông dòng chảy… chưa được triển khai theo phương án dẫn đến thiệt hại lớn. Các phương án ứng phó với bão và các cấp độ rủi ro thiên tai của các địa phương còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế. Việc tổng hợp các thiệt hại của các ngành và các địa phương chưa kịp thời, chính xác, chưa đúng quy trình về đánh giá thiệt hại thiên tai gây ra…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan khẳng định, mặc dù tỉnh, huyện, các ngành đã tập trung cho công tác chỉ đạo phòng chống bão, triển khai việc cấm biển, kêu gọi tàu, thuyền, sơ tán dân ngay từ 10 giờ ngày 27-7, song còn bị bất ngờ do diễn biến của bão số 1 hết sức bất thường. Thời điểm bão đổ bộ khi tỉnh vừa mới hoàn thành công tác gieo cấy nên việc khắc phục hậu quả sau bão gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số ngành, địa phương, cán bộ chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa nắm chắc vai trò trách nhiệm của mình trong công tác PCTT trên các lĩnh vực: phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai… dẫn đến tâm lý chủ quan của nhân dân và một bộ phận cán bộ các ngành, chính quyền các cấp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nam Định là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong thời gian tới có thể phải gánh chịu những cơn bão có tính chất ngày càng khốc liệt hơn. Do vậy cần phải xác định công tác PCTT là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy cần nâng cao hơn nữa kỹ năng, kiến thức PCTT cho cộng đồng. Yêu cầu các cấp, ngành cần tính toán, nâng cao các tiêu chuẩn thiết kế, đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hệ thống điện lực… khi nâng cấp, sửa chữa và đầu tư mới. Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các vùng đất trũng. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cần rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực và công nghệ dự báo. Các huyện, thành phố, các ngành tiếp tục triển khai toàn diện, quyết liệt hơn nữa công tác khắc phục hậu quả sau bão; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão. Tập trung vào việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai của địa phương; thống kê nhà yếu, nhà tạm trên địa bàn để có phương án di dời; đánh giá làm rõ trách nhiệm của các cấp, nhất là xã, phường, thị trấn trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 1… để đưa các hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và trở thành nề nếp. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về công tác PCTT, tập trung vào công tác dự báo, cảnh báo; nâng cao kỹ năng phòng chống; các giải pháp ứng phó với thiên tai. Các huyện, thành phố, các ngành đẩy nhanh hoàn thành kế hoạch thu, nộp quỹ PCTT để tăng cường nguồn lực cho công tác PCTT. Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng phương án phân bổ hạt giống rau, ngô được Trung ương hỗ trợ cho các xã, thị trấn bám sát theo kế hoạch sản xuất cây vụ đông của từng địa phương./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com