Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh giám sát quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

08:04, 06/04/2015

Thực hiện chương trình giám sát năm 2015, trong các ngày 2 và 3-4-2015, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh do đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công thương, Sở KH và ĐT, Ban quản lý các KCN tỉnh về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Sau 8 năm thực thi các điều kiện hội nhập thương mại quốc tế, UBND tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình hành động phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Trong đó tập trung làm tốt công tác thực thi các chính sách pháp luật của Nhà nước về cam kết khi gia nhập WTO cũng như đóng góp xây dựng pháp luật, thể chế và kịp thời ban hành nhiều chủ trương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Chủ động nắm bắt diễn biến, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập để điều hành nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh cho phù hợp với các cam kết Việt Nam khi gia nhập WTO. Đồng thời quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp tranh thủ những thuận lợi và hạn chế những tác động tiêu cực do hội nhập kinh tế thế giới mang lại. Từ đó góp phần đưa tốc độ phát triển kinh tế bình quân của tỉnh tăng 10,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 30,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Các ngành, các lĩnh vực đều có sự phát triển; quy mô nền kinh tế tăng lên, nhiều dự án kinh tế động lực được triển khai. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Năm 2013, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh được Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt kết quả hội nhập kinh tế quốc tế tại các KCN trên địa bàn từ khi gia nhập WTO được chú trọng. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 KCN đi vào hoạt động. Trong đó, KCN Hòa Xá đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng với tỷ lệ lấp đầy là 100%; KCN Bảo Minh có tỷ lệ lấp đầy 56,2% và KCN Mỹ Trung có tỷ lệ lấp đầy 27%. Ngoài ra, KCN Dệt may Rạng Đông hiện đang được chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư Vinatex gấp rút hoàn thành các thủ tục để thực hiện. Các KCN đã thu hút được 91 dự án với tổng số vốn đăng ký 1.344,7 tỷ đồng thu hút 17.172 lao động. Trong đó có 74 dự án đầu tư trong nước, 17 dự án đầu tư FDI. Kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN có sự tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp từ giai đoạn (2007-2014) đạt 19.622 tỷ đồng... Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh và các KCN còn nhiều hạn chế, kết quả đạt được chưa tương xứng với nội lực và tiềm năng vốn có của tỉnh. Để tiếp tục tạo điều kiện cho tỉnh hội nhập sâu rộng với thế giới, UBND tỉnh đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cho phù hợp với các cam kết gia nhập WTO để các địa phương vận dụng, thực hiện có hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ công tác hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương. Quan tâm hỗ trợ kinh phí tạo điều kiện cho địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, thông tin tuyên truyền. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại và Ban Hội nhập kinh tế quốc tế địa phương. Đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng và doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các cam kết gia nhập WTO.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Công thương, Sở KH và ĐT, Ban quản lý các KCN tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung trong báo cáo. Đồng thời đề nghị các đơn vị làm rõ việc cạnh tranh quốc tế có tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn cũng như thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp trong tỉnh khi nước ta gia nhập Hội đồng kinh tế ASEAN. Các chính sách khuyến khích của tỉnh trong việc thu hút đầu tư và thu hút lao động chất lượng cao vào KCN. Thực trạng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong các KCN. Hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế tỉnh; công tác phối hợp tuyên truyền về hội nhập quốc tế. Những tồn tại vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và việc đảm bảo trật tự trị an, vệ sinh môi trường trong các KCN. Cũng trong đợt giám sát này, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã đi khảo sát thực tế tại Cty CP Lâm sản và Cty TNHH May Youngone.

Những ý kiến đề xuất, kiến nghị tại các buổi giám sát về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổng hợp, báo cáo đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn và có định hướng chỉ đạo trong thời gian tới./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com