Khoảng 80 năm trước, cụ Phạm Văn Đạo theo những trai tráng làng Xối Trì, xã Nam Thanh (Nam Trực) đi tha phương cầu thực kiếm sống. Khi đến làm thuê cho một người Hoa, cụ học được nghề thổi thủy tinh. Về quê hương, cụ truyền hết kinh nghiệm cho những ai muốn học, mở thêm nghề để thoát cái đói, cái nghèo. Hiện nay nghề thổi thủy tinh của dân làng dù đã vào giai đoạn “thoái trào” nhưng vẫn có những hộ gia đình cần mẫn đỏ lò, quyết tâm giữ lấy nghề xưa...
Anh Phạm Văn Dương, cháu 3 đời của cụ Phạm Văn Đạo cho biết: Để làm ra được một mẻ cốc, lọ hoa, cóng… thủy tinh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn nguyên liệu, các mảnh thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn và được phân loại theo màu xanh, trắng khác nhau.
Trước đây các lò nấu thủy tinh trong làng phân loại rồi rửa thủy tinh… như rửa rau cho đến khi các mảnh thủy tinh sạch bong. Ngày nay, để tiết kiệm thời gian rửa thủy tinh, các lò nấu thường mua thủy tinh vụn của các cửa hàng cắt kính. Sau đó họ cho vào lò nấu ở nhiệt độ cao.
Lò nấu thường do ông chủ lò đắp và được đặt trên sân gạch để chịu nhiệt. Nguyên liệu để đắp lò là một loại đất khá đặc biệt, phải là loại đất sét trắng, dẻo ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương... Lò có chiều cao khoảng 1,2m, chiều rộng 1m. Đắp lò xong, chủ lò mang ra phơi cho đến khi lò cứng và khô mới dùng.
Thợ thủy tinh sử dụng than đá để nấu thủy tinh. Thủy tinh nấu trong lò chừng 6 tiếng, khi nhiệt độ đạt mức cực đại khoảng 1.800 độ C thì chảy ra thành nước. Thợ nghề lúc này cầm ống sắt lấy thủy tinh và ngậm vào miệng thổi theo những khuôn hình chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước… có sẵn, trong đó chủ yếu sản xuất cốc thủy tinh. Bằng mắt, họ phải ước lượng lấy đủ số thủy tinh phù hợp để thổi sản phẩm cần làm; sau đó điều tiết hơi thở với nhịp ngắn, dài để thành hình sản phẩm. Vì vậy, ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề có kinh nghiệm còn phải có những thủ thuật để giữ cho hơi thở đều, vừa phải. Đây cũng chính là công đoạn “khó” nhất của người thợ thổi thủy tinh.
Anh Dương chia sẻ thêm: Mấu chốt ở chỗ thợ nghề phải có kinh nghiệm để cảm nhận được độ “chín” của thủy tinh. Từ đó “căn” thời gian thổi tạo hình sản phẩm như ý muốn. Thổi xong các sản phẩm thủy tinh, thợ nghề chờ sản phẩm hạ nhiệt rồi ủ vào tro trong khoảng 12 giờ nữa. Mục đích của việc ủ hàng là để sản phẩm nhanh giảm nhiệt, giúp thủy tinh “dai hơn”, giảm tỷ lệ vỡ.
Nghề thổi thủy tinh vất vả, nhọc nhằn vì người thợ liên tục phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao và dùng nhiều công sức để tạo hình sản phẩm. Tuy vậy, làm nghề thổi thủy tinh không phải không có những thi vị. “Quá trình thổi thủy tinh, tôi cảm giác như mình giống “nghệ sỹ”, thỏa sức sáng tạo sản phẩm. Và khi mỗi cái cốc hay bình hoa ra lò vuông vắn, dày dặn mà vẫn mềm mại, sắc nét, tinh tế tôi rất vui, ngắm nghía mãi không thôi”, anh Dương tâm sự.
|
Nghề thổi thủy tinh vất vả nhưng thu nhập không cao. Đối với thợ chính, mức lương vào khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Hàng năm, các chủ lò trừ chi phí thu về trên dưới 100 triệu đồng. Đấy là lý do mà nhiều hộ gia đình trong thôn phải đóng cửa lò, tìm nghề khác mưu sinh. Chưa kể, làng nghề hiện chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm thủy tinh nhập khẩu từ Trung Quốc, các xưởng sản xuất, nhà máy đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Làng Xối Trì vì vậy ngày càng ít hộ gia đình theo nghề thổi thủy tinh.
Nếu những năm 2000, trong làng vẫn còn khoảng 7-8 hộ gia đình nấu thủy tinh thì đến thời điểm hiện tại, cả làng chỉ còn lại 3 lò nấu thủy tinh. Tổng số người làm nghề cũng không còn nhiều. Trong đó, số người trẻ tuổi hầu như không có. Điều này cũng khiến cho những người gắn bó lâu năm với nghề trăn trở. Họ tỏ ra tiếc nuối và có phần lo lắng nếu một ngày nào đó làng nghề bị mai một...
Qua bao biến thiên đời người, làng nghề thủy tinh Xối Trì có nhiều thăng trầm. Vào thời kỳ cực thịnh, cả làng như một công xưởng lớn với hàng trăm lò nấu. Từ những mảnh chai, những chai lọ sứt, vỡ qua bàn tay khéo léo tài hoa, “hơi thở” của những thợ nghề, thủy tinh lại xuất hiện dưới hình thức mới, đẹp đẽ, tinh xảo, hữu ích cho cuộc sống./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh
Đồ họa: Trường Vinh